Trò chơi truyền hình - cơ hội cho diễn viên trẻ

ĐINH NGUYỄN| 23/06/2017 06:18

Sự nở rộ của trò chơi truyền hình đã đem lại cho nhiều diễn viên trẻ cơ hội làm nghề và được khán giả yêu thích.

Trò chơi truyền hình - cơ hội cho diễn viên trẻ

Sự nở rộ của trò chơi truyền hình (bao gồm gameshow, truyền hình thực tế) đã đem lại cho nhiều diễn viên trẻ cơ hội làm nghề và được khán giả yêu thích.

Đọc E-paper

Trước đây, khi trò chơi truyền hình chưa nở rộ, chỉ có số ít diễn viên trẻ sau khi tốt nghiệp trường lớp đào tạo về diễn xuất may mắn được nhận về các sân khấu kịch, hoặc thỉnh thoảng được giao đóng vai thứ, phụ trong các phim truyền hình dài tập. Đa số phải tự lập thành từng nhóm nhỏ, đi diễn ở các sân khấu kịch cà phê, tụ điểm văn hóa, hay làm những công việc hậu cần ở các sân khấu, đoàn làm phim..., chờ đợi cơ hội được làm diễn viên. Cũng có không ít người phải sớm bỏ nghề, hoặc chuyển qua làm nghề tay trái, kinh doanh rồi dần dần tìm cách quay lại với nghệ thuật.

Vài năm trở lại đây, khi các chương trình trò chơi truyền hình liên tiếp ra đời, được xem là một "cánh cửa" mở ra nhiều cơ hội cho những diễn viên trẻ chịu khó thử sức mình...

Một số trò chơi như Cười xuyên Việt, Cùng nhau tỏa sáng, Tiếu lâm tứ trụ, Tiếu lâm hội, Thách thức danh hài, Điệp vụ đối đầu, Gương mặt điện ảnh... đã khai thác tốt khả năng diễn xuất của nhiều diễn viên trẻ, giúp đưa tên tuổi họ đến gần hơn với đông đảo khán giả.

Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM, Nam Thư trở thành diễn viên của Sân khấu kịch Nụ Cười Mới. Thăng hoa trên sân khấu kịch với những vai bi và có tính cách, nhưng mãi đến khi tham gia chương trình Cười xuyên Việtvới tiểu phẩm Đòi nợ thu hút gần 2 triệu lượt người xem và gần một triệu lượt bình luận trên YouTube, Nam Thư mới trở thành diễn viên hài trẻ đắt sô với mức thù lao cao hơn nhiều so với khi diễn kịch.

7 năm miệt mài trên sân khấu của Thế Giới Trẻ và nhóm nhạc kịch Buffalo, Khả Như luôn khiến những đồng nghiệp trong nghề phải nể phục trước thái độ lao động nghệ thuật nghiêm túc, có kỷ luật và không ngại khó của cô. Nhưng chỉ đến khi đoạt giải quán quân của Cùng nhau tỏa sáng và Cười xuyên Việt - Tiếu lâm hội 2016 (cùng nhóm X-Pro) thì cái tên Khả Như mới thực sự tỏa sáng.

Hiện Khả Như và Nam Thư đang đảm nhận vai trò thủ lĩnh của chương trình Điệp vụ đối đầu - một "sân chơi" thử thách đa dạng về diễn xuất thông qua các tiết mục biểu diễn...

Diễn viên trẻ Puka cũng trở thành cái tên quen thuộc khi góp mặt trong trò chơi truyền hình Ơn giời, cậu đây rồi và giành được giải Á quân của chương trình Cười xuyên Việt – phiên bản nghệ sĩ 2016. Sau đó Puka được mời tham gia khá nhiều trò chơi truyền hình khác như Lữ khách 24h, Thử thách người nổi tiếng, Thiên đường ẩm thực, Một trăm triệu một phút, Trẻ em luôn đúng...

>>Thời của Gameshow hài

Ngoài các diễn viên trên còn có Huỳnh Lập, Anh Tú, Diệu Nhi, BB Trần, Trịnh Tú Trung, Hồ Bích Trâm, Mạc Văn Khoa, Duy Khánh, Thuận Nguyễn, Lê Dương Bảo Lâm... nhờ trò chơi truyền hình mà được khán giả biết đến, hiện rất đắt sô ở những vai như thí sinh, khách mời, giám khảo, cố vấn... Không chỉ đắt sô trò chơi truyền hình, họ còn là những gương mặt "ăn khách" của phim sitcom, phim truyền hình dài tập, phim chiếu rạp...

Tuy nhiên, không phải diễn viên trẻ nào cũng biết tận dụng cơ hội trò chơi truyền hình đem lại. Theo Nam Thư, một số diễn viên không thể tỏa sáng sau khi được khán giả biết mặt biết tên qua trò chơi truyền hình một phần do kém may mắn, phần khác là vì không nỗ lực rèn giũa khả năng.

"Có thể do họ tập trung kiếm tiền, không có thời gian để đầu tư cho kịch bản và diễn xuất. Bây giờ trò chơi truyền hình xuất hiện ồ ạt, theo đó những gương mặt mới cũng xuất hiện ngày càng nhiều. Nếu không tự làm mới mình, nhiều bạn trẻ từng nổi tiếng sẽ bị đào thải", Nam Thư lý giải.

Còn Huỳnh Lập cho biết: "Trong một thời điểm nào đó, bạn có thể nổi tiếng từ một trò chơi truyền hình, nhưng để chứng minh mình thật sự giỏi, bạn phải hoạt động liên tục và hơn hết phải làm nghề từ cái tâm chứ không được ngủ quên trên chiến thắng".

Ở thời điểm hiện tại, đa số diễn viên trẻ cho rằng, trò chơi truyền hình đã tạo ra những cơ hội tốt giúp họ bớt đi nỗi lo không có "đất diễn" khi bước chân vào nghề. Nếu không có chúng, có thể họ sẽ khó có cơ hội được xuất hiện trên màn ảnh, hoặc có đóng phim cũng khó khăn lắm mới được khán giả nhớ tới. Trong khi đó, tham gia một trò chơi truyền hình kéo dài trung bình 3 tháng, khán giả sẽ theo dõi thường xuyên và chắc chắn nhớ đến họ lâu hơn.

Nhưng diễn viên trẻ mải chạy theo các tiểu phẩm ngắn và hài hước của trò chơi truyền hình liệu về sau có thể đảm nhận các vai diễn có yêu cầu về chiều sâu nội tâm? Theo một diễn viên trẻ, làm nghề ở đâu cũng vậy, quan trọng là thái độ lao động nghệ thuật như thế nào. Trên thực tế, nhiều diễn viên trẻ dù rất đắt sô trò chơi truyền hình nhưng vẫn đủ "tỉnh táo" để không rời xa các sân khấu kịch - nơi họ vẫn được ưu ái trao cho những vai diễn chính; hay vẫn thu xếp thời gian để đóng phim truyền hình dài tập, phim chiếu rạp nhằm trau dồi khả năng diễn xuất.

>>Giá trị nhân văn trong truyền hình thực tế

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Trò chơi truyền hình - cơ hội cho diễn viên trẻ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO