Tìm đường cho cái đẹp bên trong

KTS. NGUYỄN TRƯỜNG LƯU - Phó chủ tịch Hội Kiến trúc TP.HCM| 25/07/2012 08:40

Đến tận giai đoạn hiện nay, khi kinh tế bắt đầu khởi sắc và có những công trình kiến trúc thì chúng ta mới quan tâm đến vẻ đẹp của kiến trúc và xem đó là một ngành nghệ thuật. Nhưng, sự quan tâm này đã đúng mức chưa vẫn là câu hỏi còn để ngỏ.

Tìm đường cho cái đẹp bên trong

Đến tận giai đoạn hiện nay, khi kinh tế bắt đầu khởi sắc và có những công trình kiến trúc thì chúng ta mới quan tâm đến vẻ đẹp của kiến trúc và xem đó là một ngành nghệ thuật. Nhưng, sự quan tâm này đã đúng mức chưa vẫn là câu hỏi còn để ngỏ.

Đọc E-paper

Xưa và nay - Ảnh: Trần Quốc Việt

Nặng ngoài, nhẹ trong



Kiến trúc cũng như con người, tính thị hiếu rất cao, thế nên hầu hết mọi người đều quan tâm đến vỏ bọc của kiến trúc. Người ta có thể bỏ lượng tiền rất lớn cho vẻ đẹp bên ngoài, điều này cũng xuất phát từ tính cách của người Việt là thích “khoe”.

Họ muốn ngôi nhà nhìn bên ngoài thật lộng lẫy, còn bên trong có gì tính sau. Cứ hình dung nhà phố hiện nay cũng đang được xây dựng, trau chuốt để có hình thức bên ngoài đẹp. Tuy nhiên, thành quả của việc tốn kém cho công trình, chủ nhân của nó không hề được hưởng thụ.

Quan sát các công trình kiến trúc ở Mỹ sẽ thấy, đối với con mắt kiến trúc sư và người tiêu dùng, nhất là người tiêu dùng, đây là những công trình rất xấu. Bởi người Mỹ rất thực dụng, họ cần gì sẽ xây nấy nhưng không gian nội thất được quan tâm rất kỹ.

Nhìn chuyện xây nhà của người Mỹ để thấy, công trình kiến trúc thực chất vẫn là để phục vụ nhu cầu của con người. Đáng tiếc, đến tận bây giờ chúng ta mới bắt đầu biết quan tâm đến nội thất, đến cái mình thật sự cần.

Thế giới chia kiến trúc thành hai ngành: một là kiến trúc công trình, hai là thiết kế nội thất. Ở mảng nội thất, Việt Nam đào tạo chưa tốt, thậm chí còn nhập làm một với kiến trúc công trình và cho đó là việc của kiến trúc sư.

Chính quan điểm ngược này đã dẫn đến ngành thiết kế nội thất ở Việt Nam còn bỏ ngỏ. Người tiêu dùng có tiền, có ý thức về không gian bên trong ngôi nhà cũng không cảm nhận được vẻ đẹp của nội thất.

Họ ra các trung tâm kinh doanh đồ nội thất, thấy đẹp thì mua về chứ không biết những vật dụng đó có hợp với nhau hay không. Với những nhà có nhiều phòng, chủ nhà không quan tâm đến tính năng của từng phòng.

Ví dụ dễ thấy nhất là đèn trang trí. Nhà Việt thường xây thấp nhưng thích có đèn chùm. Biểu hiện của “trưởng giả học làm sang” này khiến việc quan tâm đến nội thất cũng như muối bỏ bể.

Vân gỗ kết hợp vân tay

Thực trạng trên đã kéo dài rất nhiều năm. Tuy nhiên, cũng mừng là người tiêu dùng đã biết và bắt đầu cần đến bàn tay của nhà tư vấn thiết kế định hướng cho nội thất. Đáng tiếc, nhà tư vấn và nhà sản xuất cũng không gặp được nhau.

Nhà tư vấn cứ tư vấn, còn nhà sản xuất cứ sản xuất. Ở các nước, nhà tư vấn luôn phải đi trước, phải định hướng cho nhà sản xuất xu hướng tiêu dùng trong một năm hay một vài năm. Không chỉ định hướng về thiết kế, kiểu dáng, nhà tư vấn còn phải định hướng cả màu sắc lẫn chất liệu. Để làm được điều này, cần có sự hiện diện của hệ thống nghiên cứu chỉn chu và hiệu quả.

Trong điều kiện chưa có hệ thống nghiên cứu như hiện nay, vấn đề đặt ra cho các nhà tư vấn Việt Nam là làm thế nào để vân tay của nhà thiết kế và vân gỗ của nhà sản xuất gặp được nhau? Tôi từng chứng kiến một kiến trúc sư thiết kế một cái bàn rất đơn giản.

Gia chủ mang bản thiết kế đi đặt hàng một đơn vị sản xuất nhưng ba ngày, năm ngày, rồi bảy ngày sau quay lại nhà sản xuất vẫn báo lại rằng thiết kế... không bình thường, phải thế này, thế kia và kết quả người chủ ấy mang về một thành phẩm hoàn toàn khác với thiết kế ban đầu.

Nguyên nhân sâu xa của câu chuyện này là do nhà sản xuất không thể hiểu được nhà tư vấn. Họ sản xuất theo thói quen và truyền thống chứ không được đào tạo bài bản.

Tương tự ở chiều ngược lại, nhà tư vấn không hiểu được thực tế của quá trình sản xuất. Với thực tế này, việc gặp gỡ giữa hai phía sẽ khó khăn.

Tôi từng gặp nhiều nhà sản xuất nội thất gỗ và thấy được sự tự hào của họ về việc cha truyền con nối. Họ làm theo truyền thống nên rất khó góp ý cho cách làm của họ.

Nắm được thực tế này đã có một số doanh nghiệp phải cung cấp dịch vụ tư vấn kiêm luôn sản xuất để giải quyết vấn đề chênh lệch này. Tuy nhiên, số công ty triển khai, cung cấp các dịch vụ trọn gói này chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Công tác tư vấn chỉ được thực hiện tốt khi người tư vấn hiểu rõ sản phẩm, chất liệu... đang có trên thị trường. Để nhà tư vấn hiểu về sản phẩm của mình, các nhà máy sản xuất gạch, thép... đã mở rộng cửa chào đón người làm thiết kế đến tận nhà máy.

Sự phối hợp nhịp nhàng giữa hai bên đã thúc đẩy việc tư vấn kiến trúc ở Việt Nam ngày một phát triển. Từ kinh nghiệm thực tế này, Hội Kiến trúc TP.HCM sẽ thử nghiệm kết hợp với Hội Chế biến gỗ và Mỹ nghệ TP.HCM để thành viên cả hai hiệp hội có thể giao lưu, tiếp xúc với nhau trong thời gian tới.

Kỳ vọng của cuộc gặp gỡ này là để có tiếng nói chung trong việc phát triển không gian kiến trúc lẫn nội thất cho loại nhà phố và nhà chung cư. Liệu sẽ có những va chạm tích cực để thúc đẩy sự phát triển của cái đẹp nội thất Việt hay không, chúng ta vẫn còn phải chờ. Chờ trong hy vọng!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tìm đường cho cái đẹp bên trong
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO