Thiếu hụt sách văn học thiếu nhi

AN SƠN| 03/06/2016 06:44

Không được quan tâm đúng mực dễ dẫn đến tâm lý không mặn mà, quay lưng với công việc sáng tác cho thiếu nhi. Sự mất hút của một số tác giả trẻ từng thành danh ở lĩnh vực văn học thiếu nhi được xem như một lời cảnh báo.

Thiếu hụt sách văn học thiếu nhi

Đều đặn hằng năm, vào mỗi dịp Hè, giống như một câu chuyện dài, sách dành cho thiếu nhi và lực lượng sáng tác cho thiếu nhi lại được nhắc đến. Năm nay, câu chuyện đó có gì đặc biệt?

Đọc E-paper

Nhộn nhịp sách Hè

Dịp Hè năm nay, NXB Trẻ mang đến 800 đầu sách, trong đó có 700 tựa sách tái bản, còn lại 100 tựa là sách mới. Có nhiều bộ sách đáng chú ý như Tớ nghĩ gì khi còn bé, Vui chơi cùng Yu Yu, Giúp bé làm chủ cảm xúc, Giáo dục trí tưởng tượng cho bé, Vì em là người Việt Nam...

Riêng dòng văn học, bạn đọc nhỏ tuổi có thể chọn bộ Cổ tích mới của nhà văn Nguyên Hương, gồm 8 cuốn vừa được giải Vàng sách hay của Hội Xuất bản Việt Nam.

Với các bé từ 8 tuổi trở lên có thể tìm đến bộ sách Con nít tụi mình với 2 tác phẩm Tớ và đủ thứ chuyện của tác giả Phạm Vũ Ngọc Nga và Nam, Nhi, Đại, Trượng, Phu của Văn Thành Lê.

Nối tiếp thành công của 5 cuốn đầu tiên trong bộ Hạt giống tâm hồn dành cho thiếu nhi, First News - Trí Việt tiếp tục đầu tư cho dòng sách này bằng 5 cuốn tiếp theo: Bữa ăn sáng bằng hồ dán, Số phận hai hạt mầm, Thế giới trong ngăn tủ, Công chúa cũng biết buồn, Điều ước gửi các vì sao.

Ngoài ra, đơn vị này còn có bộ Kỹ năng dành cho trẻ từ 1 - 6 tuổi với nội dung gần gũi, thiết thực với các em. Sau mỗi câu chuyện là phần liên hệ "Bé biết không" và "Bé ơi nhớ nhé!", giúp các bé hiểu được những kỹ năng cần có.

Xem mùa Hè cũng là mùa sách mới dành cho thiếu nhi nên đợt này NXB Kim Đồng mang đến hàng trăm tựa sách phong phú về thể loại, mở rộng theo biên độ lứa tuổi: bộ Truyện cổ nước Nam, bộ tác phẩm kinh điển Chuyện gia đình March, tiểu thuyết Đoạt lửa, bộ Tôi mến thân, tập truyện ngắn Những ngôi sao trên bầu trời thành phố, Phút hồi tưởng của vĩ nhân, Thời thơ ấu của các tổng thống Mỹ, Thần thoại Hy Lạp...

Nhằm kích thích sức mua, các đơn vị làm sách thiếu nhi đều đưa ra những chương trình khuyến mãi lớn, áp dụng mức ưu đãi lên đến 50% cho các tựa sách, giao lưu với tác giả, tặng quà cho độc giả...

Thiếu hụt sách văn học

Trong 100 tựa sách mới NXB Trẻ mang đến dịp Hè này, hầu hết đều được viết bởi các tác giả là người Việt. Chính vì vậy, các đầu sách này có nội dung hấp dẫn và gần gũi với độc giả thiếu nhi Việt Nam. Đây chính là kết quả của cuộc vận động "Người Việt viết sách cho trẻ em Việt" do NXB Trẻ tổ chức.

Tuy nhiên, nhìn vào danh mục sách đơn vị này mang đến, một điều dễ nhận thấy là sách văn học thiếu nhi chiếm tỷ lệ rất thấp. Ông Nguyễn Minh Nhựt - Giám đốc NXB Trẻ chia sẻ: "Ngoài những dòng sách tạo nên tên tuổi của NXB Trẻ, trong đợt Hè này, chúng tôi chú trọng đến dòng sách kỹ năng, rèn luyện nhân cách cho trẻ”.

Sách văn học thiếu nhi luôn là mối quan tâm từ trước tới nay, bởi theo nhà văn Nguyễn Trí Công: "Chính văn học sẽ giúp các em có lòng nhân ái, yêu con người, yêu đất nước hơn". Tuy nhiên, cũng theo nhà văn này, nhiều người đi qua lĩnh vực văn học thiếu nhi rồi sẽ không bao giờ quay lại nữa. Bởi vì so với văn học cho người lớn, văn học thiếu nhi rất thiệt thòi.

Bên cạnh đó, nhà văn Lê Văn Nghĩa - tác giả của nhiều tác phẩm dành cho thiếu nhi như Mùa Hè năm Petrus Chú chiếu bóng, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy, cũng phải thốt lên: "Viết cho thiếu nhi vô cùng khó!".

Mấy năm trở lại đây, khi nói tới văn học thiếu nhi, ngoài những tên tuổi gạo cội như Tô Hoài, Phạm Hổ, Nguyễn Huy Tưởng, Vũ Tú Nam, Trần Hoài  Dương..., rất nhiều tác giả trẻ cũng đang miệt mài viết cho thiếu nhi, có thể kể đến: Nguyên Hương, Nguyễn Thị Kim Hòa, Văn Thành Lê, Phạm Vũ Ngọc Nga, Võ Thu Hương...

Đông đảo là thế, nhưng sách của họ dường như vẫn chưa được quan tâm đúng mực. Số lượng cho mỗi lần in vẫn chỉ dừng lại ở con số khiêm tốn từ 1.000 - 2.000 bản. Đặc biệt, công tác truyền thông để đưa tác phẩm của những tác giả này đến với đông đảo bạn đọc cũng đang là bài toán để ngỏ.

Không được quan tâm đúng mực dễ dẫn đến tâm lý không mặn mà, quay lưng với công việc sáng tác cho thiếu nhi mà sự mất hút của một số tác giả trẻ từng thành danh ở lĩnh vực văn học thiếu nhi được xem như một lời cảnh báo. 

Thực tế của văn học thiếu nhi hiện nay cho thấy, hầu hết các đơn vị xuất bản rất ưu ái những tên tuổi lớn. Điều này hoàn toàn dễ hiểu bởi họ không thể "hít khí trời" để làm sách. Tuy nhiên, nếu thực sự mong muốn có một nền văn học thiếu nhi sôi động, không giậm chân tại chỗ như lâu nay, rất cần những cú hích đến từ các đơn vị xuất bản. Có thể bằng chính sách về số lượng in, về nhuận bút, đặc biệt là công tác truyền thông.

Bên cạnh đó, ý kiến của nhà văn Lê Văn Nghĩa cũng đáng được cân nhắc khi ông cho rằng, nên có sự đầu tư theo chiều sâu để các tác giả viết có tập trung và có trách nhiệm hơn.

>Làm nghệ thuật cho thiếu nhi: Còn nhiều trăn trở

>Văn học thiếu nhi: Bổn cũ soạn lại

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thiếu hụt sách văn học thiếu nhi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO