Thị trường nhạc trẻ đón nhận luồng gió mới

ĐINH HƯƠNG| 05/12/2016 06:20

Bài hát hay nhất (Sing my song), Khởi đầu ước mơ (Dream high) có sự đồng hành của các nhà sản xuất, các nhạc sĩ trẻ với mong muốn mang đến cho thị trường nhạc trẻ luồng gió mới.

Thị trường nhạc trẻ đón nhận luồng gió mới

Vẫn là những chương trình có định dạng chung tìm kiếm tài năng ca hát, nhưng Bài hát hay nhất (Sing my song), Khởi đầu ước mơ (Dream high) có sự đồng hành của các nhà sản xuất, các nhạc sĩ trẻ với mong muốn mang đến cho thị trường nhạc trẻ luồng gió mới.

Đọc E-paper

Chỉ sau 3 ngày lên sóng VTV3, tập 1 của Bài hát hay nhất 2016 đã thu hút được 1,4 triệu lượt xem trên trang YouTube chính thức của chương trình. Bên cạnh đó, tiết mục Ông bà anh của Lê Thiện Hiếu thu hút hơn 1 triệu lượt xem chỉ sau 12 tiếng đồng hồ lên sóng, tiếp tục tăng đến gần 3,2 triệu lượt xem sau 3 ngày.

Điều này cho thấy, ngay từ đầu, Bài hát hay nhất đã tạo được hiệu ứng khán giả khá tốt. Được ra đời với mong muốn thay thế cho Bài hát Việt vừa khép lại cuối năm ngoái, Bài hát hay nhất là sân chơi tìm ra những tài năng là ca sĩ/nhạc sĩ, để những nhạc sĩ vừa sáng tác, vừa có cơ hội được đứng trên sân khấu trình bày ca khúc của chính mình.

Bởi vậy, sự xuất hiện của các nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc như Đức Trí, Lê Minh Sơn, Nguyễn Hải Phong và Giáng Son trên ghế "nóng" cũng làm khán giả chờ đợi sự góp phần đổi thay thị trường của Bài hát hay nhất.

Thực tế lâu nay, những ca sĩ/nhạc sĩ như Lê Cát Trọng Lý, Tiên Tiên, Vũ Cát Tường... có ca khúc thành công, nhưng ngoài Bài hát Việt, Bài hát tôi yêu, Bài hát yêu thích ra thì hầu như không có sân chơi nào như Bài hát hay nhất. Vì những ca khúc được vinh danh tại Bài hát Việt, Bài hát tôi yêu, hay Bài hát yêu thích dường như vẫn "nương nhờ" giọng hát của ca sĩ chứ ít khi do chính nhạc sĩ hát lên thể hiện cảm xúc của mình.

Vì vậy, Bài hát hay nhất là sự hấp dẫn khó cưỡng với rất nhiều gương mặt sáng tác trẻ khi họ vẫn đang loay hoay với tác phẩm của mình, từ việc tìm đường đi, hướng nội dung lẫn cách thức tiếp cận thị trường.

Tập đầu tiên với những hứng khởi, sự tươi mới và gần gũi với công chúng đã mang đến cho công chúng và cả giới chuyên môn của thị trường nhạc trẻ cái nhìn lạc quan về Bài hát hay nhất. Đặc biệt, tính tương tác với công chúng của gameshow này cao hơn so với Bài hát Việt, nên một khi đã được công chúng chú ý, tính thị trường sẽ thấy rõ hơn, và rất có thể đây sẽ là bàn đạp cho các sáng tác mới tìm thấy thị trường.

Nhạc sĩ Đức Trí - người vốn không mặn mà với các gameshow tìm kiếm tài năng ca hát những năm qua - cho biết: "Tôi nhận lời tham gia Bài hát hay nhất vì thấy được giá trị của chương trình, cũng như biết mình cần phải làm gì cho thí sinh. Là nhà sản xuất âm nhạc, tôi rất muốn giúp các bạn biết nên viết gì, hát gì sao cho phù hợp với thị trường âm nhạc Việt Nam".

Không chỉ các nhạc sĩ trẻ dăm năm nay, dù có quá nhiều gameshow tìm kiếm tài năng ca hát ra đời, như Giọng hát Việt, Thần tượng âm nhạc, Nhân tố bí ẩn..., nhưng nhiều giọng ca bước ra từ những game show này chỉ sau một thời gian ngắn lại trở về con số không.

Bởi có một thực tế dễ dàng nhận thấy, không chỉ riêng thị trường âm nhạc Việt, ở các thị trường âm nhạc khác trên thế giới, một ca sĩ muốn nổi tiếng cần phải có đầy đủ các yếu tố như ngoại hình, cá tính, âm nhạc và ca khúc "hit". Thiếu đi một trong những yếu tố này thì việc trở nên nổi tiếng dường như quá xa vời.

Không phủ nhận cũng có nhiều ca sĩ trẻ đi lên bằng giọng hát của mình, thế nhưng họ sẽ "chìm nghỉm" chỉ sau một thời gian. Đó cũng là lý do tại sao nhiều bạn trẻ dù sở hữu giọng hát tốt, lại có chút danh tiếng từ các cuộc thi tìm kiếm tài năng đình đám nhưng vẫn chưa thể có nổi một ca khúc "hit" nào, nên tên tuổi chỉ gói gọn trong mùa giải đó, rất ít người thăng tiến trong hoạt động ca hát sau khi rời khỏi cuộc thi.

>>Làm phim hài: Đất cho sáng tạo trẻ

Đầu ra của các gameshow tìm kiếm tài năng là "lỗ hổng" mà tất cả những ai quan tâm đến chúng đều ngao ngán. Xuất phát từ yêu cầu, bất kỳ ca sĩ nào, điểm khởi đầu đều rất quan trọng mà nếu không có vai trò của nhà sản xuất âm nhạc thì đã mất đi tới 70% cơ hội thành công.

Khởi đầu ước mơ là gameshow có định dạng thuần Việt, đang phát sóng trên HTV7. Sân chơi này sẽ mang đến cho thí sinh cơ hội được đảm bảo về bước khởi đầu sau cuộc thi khi có sự đồng hành của các nhà sản xuất, và điều này nằm trong quy chế của chương trình chứ không phải chỉ là lời hứa hẹn.

Theo đó, chương trình là sự cạnh tranh giữa 3 đội chơi gồm 3 nhà sản xuất âm nhạc: Đỗ Hiếu, Khắc Hưng và Hoàng Touliver - những tên tuổi được yêu thích hiện nay trên thị trường âm nhạc - "cầm trịch", cùng các giám khảo là nhà sản xuất/nhạc sĩ Huy Tuấn, ca sĩ Thu Minh và nhiều khách mời khác.

Bắt đầu từ vòng liveshow chung kết, các nhà sản xuất sẽ chính thức bắt tay vào công việc lựa chọn, sản xuất, sáng tác những phần trình diễn đặc sắc, mang dấu ấn riêng của mình cho các thí sinh. Cũng từ đây, công chúng sẽ hiểu rõ hơn về quy trình sản xuất, thu âm, hòa âm sau khi mỗi ca khúc được đưa ra thị trường.

Ở vòng sơ tuyển, Khởi đầu ước mơ đã thu hút hàng ngàn thí sinh đăng ký tham gia, và những tập đầu lên sóng của chương trình cũng tạo được hiệu ứng tốt...

Được biết, trong thời gian tới, tiếp tục có sự ra đời của sân chơi âm nhạc Phiên bản hoàn hảo (Cover Star). Đây được xem là sân chơi đầu tiên trên thế giới về "cover". Ngoài ca khúc, ca sĩ, nhà sản xuất..., việc thu âm một ca khúc cũ, hát lại một ca khúc cũ (cover) ở nhiều phiên bản khác nhau cũng giúp thị trường âm nhạc phát triển.

Hy vọng, sau thời gian bão hòa các gameshow thi tài năng ca hát chỉ "để cho vui", thị trường sẽ thanh lọc để nhường chỗ cho những chương trình tạo được "bàn đạp" thực sự cho các tài năng trẻ, những nhân tố mới của nhạc trẻ Việt Nam phát triển.

>>Phim Việt kỳ vọng vào sức trẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thị trường nhạc trẻ đón nhận luồng gió mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO