Thị trường mỹ thuật chờ cú hích từ e-commerce

NGÃ VĂN/DNSGCT| 16/05/2017 06:52

Dường như thị trường tác phẩm mỹ thuật chưa bị tác động nhiều bởi e-commerce.

Thị trường mỹ thuật chờ cú hích từ e-commerce

Giao dịch thương mại trên mạng (e-commerce) tại Mỹ đã tăng bình quân 40 tỷ USD/năm trong 3 năm gần đây, đe dọa sự tồn tại của lĩnh vực shopping hiện hữu. Nhưng dường như thị trường tác phẩm mỹ thuật chưa bị tác động nhiều bởi e-commerce.

Đọc E-paper

Năm 2017 này, trước sự “tấn công” của Amazon – tập đoàn bán lẻ trực tuyến hàng đầu thế giới, Macy’s – một trong những thương hiệu bán lẻ có giá nhất tại thị trường Mỹ đã có kế hoạch đóng cửa 300 cửa hàng, cho thấy sức mạnh khủng khiếp của e-commerce.

Còn thị trường tác phẩm mỹ thuật thì sao? Theo bản phúc trình thường niên về kinh doanh mỹ thuật trên mạng của Công ty Bảo hiểm Hiscox, năm 2016 giao dịch toàn cầu tác phẩm mỹ thuật và đồ sưu tập có giá trị ước tính đạt 3,75 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2015. Con số này chưa đạt tới 10% doanh số của thị trường mỹ thuật toàn cầu theo một công bố mới đây của Hiscox: 45 tỷ USD hoặc cao hơn nữa.

Phúc trình của Hiscox, được tổng hợp số liệu bởi tổ chức phân tích thị trường ArtTactic, dựa trên hồi đáp từ 758 nhà buôn và giám đốc điều hành của 42 công ty, hoặc trực tiếp giao dịch online tác phẩm mỹ thuật, hoặc sử dụng công cụ là các trang web với mục đích tương tự, qua đó cho thấy không có nhân tố nào vượt trội trong kinh doanh mỹ thuật trên mạng. Các nhà đấu giá lớn với các phòng trưng bày thực thụ vẫn thu hút đa số khách hàng hơn các trang mạng mỹ thuật của chính các nhà đấu giá.

Chiếc bình cổ Trung Hoa từng được chào với giá khởi điểm chỉ 400-600 USD nhưng được bán với giá lên đến 812.500 USD qua đấu giá online

Cũng theo Hiscox, trong tổng số 25 trang mạng giao dịch mỹ thuật hàng đầu, nhà Christie’s có trị giá mua bán online cao nhất. Xếp thứ 2 là đối thủ của Christie’s: nhà Sotheby’s. Xếp thứ 3 là trang mạng Artsy, kế đó lần lượt là 1stdibs và Artnet.

Theo đó, 118 giao dịch online và đấu giá qua mạng của nhà Christie’s trong năm 2016 đạt 208 triệu USD, chiếm khoảng 4% doanh số lên đến 4 tỷ USD. Tuy nhiên, điều quan trọng là đã có tới 33% khách hàng tham gia đấu giá qua mạng trong năm vừa qua.

Nhà Sotheby’s từng thất bại thảm hại trong liên kết với Amazon và eBay vào đầu những năm 2000, nay đang khôi phục kinh doanh online và năm ngoái đã có được 16 cuộc đấu giá trên mạng. Theo Hiscox thì “những người mua tranh do dự vẫn hoài nghi vào giao dịch online” là lý do chính để e-commerce chưa phát triển mạnh trong thị trường tác phẩm mỹ thuật.

Trong bối cảnh đó, duy nhất nhà đấu giá Phillips’s Editions ở New York có được chỉ số lạc quan về e-commerce. Tháng 4/2017, doanh thu từ e-commerce của Phillips’s Editions đạt 6,2 triệu USD - con số chưa từng thấy trong giao dịch online của nhà đấu giá này. Trong tổng số lô tác phẩm được Phillips’s Editions đưa ra đấu giá trong tháng 4/2017, 88% tìm được người mua, trong đó có 35% người mua trên mạng. Riêng bức tranh khắc Tĩnh vật với bình thủy tinh dưới ánh đèn của Picasso (1962) đã được bán online với giá 250.000 USD.

Ngày 20/4/2017, vào cuối phiên đấu giá cổ vật châu Á do nhà đấu giá trên mạng iGavel Auctions tổ chức, một chiếc bình tráng men Trung Hoa thế kỷ XIX đã được bán với giá 812.500 USD, trong khi chiếc bình này trước đó được nhà đấu giá Quinn’s ở Virginia chào với giá ước tính chỉ 400 - 600 USD.

>>Khi giới doanh nhân công nghệ mê mỹ thuật

>>Chứng khoán Trung Quốc khiến thị trường mỹ thuật thế giới tan nát

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thị trường mỹ thuật chờ cú hích từ e-commerce
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO