"Thêm một, lắm điều hay!"

QUÝ YÊN| 02/10/2014 09:00

Đến với mỹ thuật đã 50 năm và giảng dạy mỹ thuật 40 năm qua, là tác giả của gần trăm đầu sách về mỹ thuật, mỹ thuật ứng dụng, nhưng với nhà giáo nhân dân, họa sĩ Uyên Huy, cống hiến ấy vẫn chưa đủ.

Đến với mỹ thuật đã 50 năm và giảng dạy mỹ thuật 40 năm qua, là tác giả của gần trăm đầu sách về mỹ thuật, mỹ thuật ứng dụng, nhưng với nhà giáo nhân dân, họa sĩ Uyên Huy, cống hiến ấy vẫn chưa đủ. Bằng chứng là ông vừa mới trình làng một công trình nghiên cứu rất công phu: Mỹ thuật đô thị Sài Gòn - Gia Định từ 1900 đến 1975 và sẽ tiếp tục cho ra đời các đầu sách mới trong tương lai gần.

Đọc E-paper

Với chiều dài 75 năm nhưng trên thực tế, nội dung quyển sách đã đề cập suốt 38 năm trước đó (1862 - 1975). Chia sẻ về động lực thực hiện tác phẩm này, nhà giáo nhân dân Uyên Huy cho biết, trước khi mất, cố giáo sư Bùi Văn Kỉnh và cố nhà văn Sơn Nam từng khuyên ông nên ghi lại những hoạt động mỹ thuật đã diễn ra tại vùng đất này.

Qua thực tế của những năm sau 1975, nhận thấy nhiều người không hiểu rõ về mỹ thuật của Sài Gòn - Gia Định nên ông càng muốn thực hiện lời dặn của tiền nhân. Và sau khi nghỉ hưu, ông quyết định viết sách nói về mỹ thuật của vùng đất này.

Bằng việc bố trí nội dung hợp lý, tác giả đã đưa người đọc đến với đời sống mỹ thuật của Sài Gòn xưa từ xa đến gần, từ tổng quan về chiều dài lịch sử đến gặp gỡ từng nhân vật, từng nhóm nghệ sĩ... để có thể hiểu chi tiết hơn về dòng lịch sử đẹp đẽ ấy. "Nói về các hoạt động mỹ thuật trong khoảng thời gian nêu trên, nếu viết dưới dạng lịch sử thì hoàn toàn không dễ chút nào.

Bởi lẽ, dưới tác động của những biến cố lịch sử, dữ kiện, tư liệu mỹ thuật đã mai một ít nhiều, khó mà thu thập đầy đủ”, nhà giáo nhân dân, họa sĩ Uyên Huy chia sẻ.

Biết là khó nhưng ông vẫn cố gắng sưu tập, tổng hợp tư liệu từ nhiều nguồn khác nhau, có những tư liệu phải nhờ bạn bè ở tận bên Pháp gửi sang để hoàn thành tác phẩm. "Mặc dù khó có thể sưu tập đầy đủ tư liệu, nhưng nhờ sự ủng hộ của các đồng nghiệp, một số nghệ sĩ cao tuổi cho mượn tài liệu, trao đổi, so sánh, đối chiếu từ nhiều sách, các catalogue của các họa sĩ xưa mà tôi dần tập hợp và viết nên quyển sách về mỹ thuật của một phần đất Nam bộ. Cũng may là từ thập niên 1990 tôi đã bắt đầu phỏng vấn một số nghệ sĩ cao tuổi từng sống tại địa phương, quý thầy đã cung cấp một số tư liệu khá rõ về mỹ thuật khu vực này", họa sĩ Uyên Huy cho biết.

Tập hợp tư liệu từ nhiều nguồn nên hình ảnh trong sách không chỉ đơn thuần là các tác phẩm hội họa mà còn là những bảng hiệu quảng cáo, bìa sách, bìa đĩa... đã từng rất phổ biến ở Sài Gòn xưa để người đọc có thể thấy được sự hiện diện của dòng chảy mỹ thuật trong đời sống thanh cảnh của người Gia Định. Cũng nhờ những hình ảnh cụ thể ấy mà độc giả như được thấy lại quá khứ vàng son của địa danh "Hòn ngọc Viễn Đông".

Tác giả thừa nhận: "Tôi thực sự muốn cung cấp cho các bạn trẻ những hình ảnh về Sài Gòn xưa để mọi người có thể hình dung nếp sống đô thị ngày xưa từ khi người Pháp đặt chân đến khu vực này". Tiến sĩ Trương Huy Đức, Hiệu trưởng Đại học Mỹ thuật TP.HCM, cho biết, trong nhiều năm qua, sinh viên quan tâm khai thác, tìm hiểu về mỹ thuật Sài Gòn rất nhiều nhưng thường gặp bế tắc ở khâu tư liệu. Mỹ thuật đô thị Sài Gòn - Gia Định từ 1900 đến 1975 sẽ giúp ích rất nhiều cho những nghiên cứu sau này", ông nhận xét.

Ngày ra mắt sách, nhà giáo nhân dân Uyên Huy cho biết, ông thực sự hài lòng với công trình đã hoàn thành. Theo ông, không có lý do gì chúng ta không thừa nhận những thành quả của các hoạt động mỹ thuật mà người dân Sài Gòn - Gia Định xưa đã liên tục thể hiện bằng cả tấm lòng vì nghệ thuật, vì tình yêu thương trên nền của sự phân hóa nhiều mặt của một đất nước chịu ảnh hưởng bởi chiến tranh... "Quyển sách này là những tư liệu có thật, để cho các bạn trẻ hiểu rằng, mảnh đất này đã sản sinh ra những tác phẩm, con người cả đời cống hiến vì nghệ thuật", ông nhấn mạnh.

Sinh ra và lớn lên trên đất Sài Gòn - Gia Định, nhà giáo nhân dân, họa sĩ Uyên Huy học tại Trường Quốc gia Trang trí Mỹ thuật Gia Định từ năm 1964, sau đó thi vào học tiếp tại Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn.

Tốt nghiệp năm 1974, ông giảng dạy tại Trường Quốc gia Trang trí Mỹ thuật Gia Định. Sau 1975, ông tiếp tục giảng dạy cho đến 2010 thì nghỉ hưu nhưng vẫn là giáo sư thỉnh giảng tại Trường.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
"Thêm một, lắm điều hay!"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO