Tác phẩm nghệ thuật bị đánh cắp: Châu không về Hợp phố

DNSGCT| 13/07/2016 06:26

Nhiều tác phẩm nghệ thuật được nhóm công tác Monuments Men tìm thấy không được trao trả cho khổ chủ mà còn được đưa vào sưu tập của nhiều kẻ có liên hệ mật thiết với những tay trùm Đức quốc xã.

Tác phẩm nghệ thuật bị đánh cắp: Châu không về Hợp phố

Được sản xuất năm 2014, bộ phim Monuments Men (tựa tiếng Việt là Kho báu bị đánh cắp) kể về một sứ mệnh đặc biệt được giao cho một nhóm các chuyên viên nhiều lĩnh vực thuộc phe Đồng minh nhằm truy tìm những kho báu chứa hàng ngàn cổ vật, tác phẩm mỹ thuật bị Đức quốc xã chiếm đoạt trong Thế chiến II tại nhiều quốc gia, sau đó sẽ trả về cho khổ chủ của chúng như kế hoạch đã đề ra.

Đọc E-paper

Thế nhưng, một phóng sự điều tra đăng tải trên tờ nhật báo lớn nhất nước Đức Süddeutsche Zeitung mới đây đã phanh phui sự thật gây chấn động dư luận. Khi nhóm công tác Monuments Men rời khỏi nước Đức vào năm 1949 (4 năm sau ngày nước Đức phát xít đầu hàng quân Đồng minh), họ đã để lại khoảng 10.600 tác phẩm nghệ thuật khi đó được giao cho chính quyền mới của nước Đức ở bang Bavaria. Các viên chức của nước Đức thời hậu chiến được yêu cầu phải tìm cách giao trả hàng ngàn hiện vật quý giá ấy cho các gia đình người Do Thái từng là sở hữu chủ.

Ngỡ rằng sau thảm họa chiến tranh khốc liệt và sự tàn bạo tận cùng của chế độ Hitler thì cuối cùng châu cũng sẽ về Hợp phố, nhưng ít ai ngờ bằng nhiều thủ đoạn, hậu duệ của nhiều tên trùm phát xít đã tìm cách lấy lại những gì mà cha ông họ từng cướp bóc.

Nhật báo Süddeutsche Zeitung số ra ngày 25/6/2016 đã đăng một phóng sự điều tra được các phóng viên của báo thực hiện kết hợp với các điều tra của Hội đồng chuyên trách về tác phẩm nghệ thuật bị cướp đoạt (Commission for Looted Art in Europe – CLAE) có trụ sở tại London.

Theo đó, rất nhiều tác phẩm nghệ thuật được nhóm công tác Monuments Men tìm thấy không những không được trao trả cho khổ chủ mà còn được đưa vào bộ sưu tập của nhiều kẻ có liên hệ mật thiết với những tay trùm Đức quốc xã vốn đang sinh sống tại Đức hoặc ở nhiều nước trên thế giới.

Câu chuyện từ một bức tranh

Những phát hiện từ cuộc điều tra của CLAE bắt nguồn từ bức tranh in Quang cảnh một thị trấn Hà Lan của họa sĩ Pháp François Jacques Dequevauviller (1783-1848), được cho là thực hiện từ nguyên tác cùng tên của họa sĩ Jan van der Heyden (1637-1712) đang được trưng bày tại Bảo tàng Louvre ở Paris.

Bức tranh in của François Jacques Dequevauviller từng thuộc sở hữu của gia đình Kraus; do là người Do Thái nên họ đã sớm rời thành Vienne của Áo để chạy sang Mỹ lánh nạn phát xít, bỏ lại nhiều tài sản quý giá.

Bức tranh in Quang cảnh một thị trấn Hà Lan của họa sĩ Pháp François Jacques Dequevauviller hiện thuộc sở hữu của thánh đường Xanten

Bức tranh sau đó thuộc về sưu tập của Heinrich Hoffmann - thợ chụp ảnh riêng của Hitler và được nhóm công tác Monuments Men tìm thấy sau chiến tranh. Dù chính quyền bang Bavaria khi đó đã đưa bức Quang cảnh một thị trấn Hà Lan vào bảo tàng của bang để lưu giữ nhưng chính bảo tàng đã bán lại nó cho Henriette von Schirach - con gái của Heinrich Hoffmann và là vợ của Baldur von Schirach - một cựu thủ lĩnh của đoàn thanh niên đế chế Đức, sau đó trở thành thống đốc Vienna thời Hitler.

Henriette von Schirach đã bán bức tranh cho giáo đường Xanten ở bang North Rhine-Westphalia tại nhà đấu giá Lempertz ở Cologne.

Theo điều tra của CLAE, vụ mua bán bức tranh in nêu trên chỉ là phần nổi của một tảng băng khổng lồ: Henriette von Schirach đã tìm cách mua lại hầu hết các tác phẩm trong bộ sưu tập của cha bà ta cùng với rất nhiều đồ nội thất và thảm quý giá.

Và không chỉ có một mình Henriette von Schirach, một loạt các gia đình từng là lãnh đạo cấp cao thời Hitler có thể đã mua lại các tác phẩm bị chúng cướp bóc mà rất nhiều trong số đó vẫn được lưu giữ trong nhiều bảo tàng ở Đức.

“Mạng lưới các bạn bè cũ”

Phóng sự trên tờ Süddeutsche Zeitung cho biết trong số các viên chức có trách nhiệm trao trả tác phẩm bị chế độ Hitler cướp bóc cho khổ chủ, rất nhiều người có quan hệ gắn bó với bọn phát xít.

Đơn cử như Eberhard Hanfstaengl - người được chính quyền bang Bavaria thời hậu chiến phân công làm giám đốc bộ sưu tập tranh quốc gia lại là cháu của Ernst Hanfstaengl - Bộ trưởng Ngoại giao thời Hitler. Chiếc ghế đó về sau được trao lại cho Ernst Buchner - nguyên giám tuyển Bảo tàng tranh Bavaria những năm 1932-1945, nghĩa là “trứng lại giao cho ác”.

Điều này đi ngược lại với chỉ thị dứt khoát của nhóm công tác Monuments Men: “Nghiêm cấm ông ta (Ernst Buchner) giữ bất kỳ trọng trách nào về sưu tập nghệ thuật bất kỳ lúc nào”.

Ở cương vị được giao, Ernst Buchner đã hình thành bộ máy làm việc của ông ta với những người có lai lịch chẳng khác gì dưới thời phát xít Đức, và như vậy thế giới mỹ thuật Bavaria, theo cách mô tả của báo Süddeutsche Zeitung là “một mạng lưới các bạn bè cũ”.

Cũng theo nguồn tin của CLAE, con cháu các gia đình từng là lãnh đạo cao cấp thời Đức quốc xã như Bormanns, Görings, Von Schirachs, Franks và Streichers đều đã dàn xếp rất thành công để lấy lại các tác phẩm mỹ thuật đã có được vào thời kỳ huy hoàng của đế chế Hitler. Ngược lại, các gia đình Do Thái khổ chủ đã phải tranh đấu chống lại “các rào cản không thể chịu nổi” nhằm ngăn cản họ lấy lại những tài sản đã bị chiếm đoạt.

Châu có về Hợp phố?

Cho tới nay, các giới chức tôn giáo tại thánh đường Xanten đã không giấu giếm rằng họ không có ý định trả lại bức Quang cảnh một thị trấn Hà Lan, và về mặt pháp lý thì các con cháu gia đình Kraus cũng có rất ít hy vọng.

Có một đạo luật được ban hành ở Đức năm 1975 giới hạn việc hoàn trả các tài sản bị trộm cắp trong vòng 30 năm; điều đó có nghĩa khổ chủ các tác phẩm bị phát xít Đức tước đoạt không thể kiện ra tòa án Đức để đòi lại tài sản đã mất.

Cũng đã có những nỗ lực nhằm thay đổi đạo luật này, và những nỗ lực đó càng nhận được sự ủng hộ vào năm 2013 - một năm sau khi cảnh sát Đức phát hiện một kho tàng gần 1.500 tác phẩm mỹ thuật được cất giấu trong một căn hộ ở thành phố Munich.

Chủ nhân căn hộ này là ông Cornelius Gurlitt - con trai của Hildebrand Gurlitt (một tay kinh doanh tác phẩm mỹ thuật dưới thời Hitler), kẻ đã giúp xây dựng quan hệ giữa những tên trùm Nazi với giới mối lái và làm giàu nhờ “tác phẩm mỹ thuật bất minh” (như “tiền bẩn” trong hoạt động rửa tiền).

Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực trong nước cùng phản ứng từ cộng đồng quốc tế chung quanh việc hoàn trả những gì bị phát xít Đức tước đoạt trong Thế chiến II, các dự luật được đưa ra Quốc hội Đức đã không được thông qua.

Một bức tranh Picasso trong căn hộ của Cornelius Gurlitt ở Munich

Năm 1998, Những nguyên tắc về tịch thu tác phẩm thời Đức quốc xã tại Hội nghị Washington đã được 44 quốc gia ký kết nhằm chính thức hóa việc hoàn trả các tác phẩm bị chế độ Hitler tước đoạt, thế nhưng những nguyên tắc này rối rắm và mù mờ, lại không ràng buộc về pháp lý, nghĩa là các nước ký kết có thể tùy nghi diễn giải các điều khoản theo ý mình. Chỉ có Áo, Anh, Pháp, Hà Lan và Đức xây dựng các ủy ban độc lập gắn với việc hoàn trả tác phẩm bị chiếm đoạt thời quốc xã, trong số đó Áo là nước có những chính sách rõ rệt nhất trong khi Đức chỉ mới bắt đầu xem xét các bộ sưu tập tác phẩm ở bảo tàng có liên quan đến thời Hitler. Thế nhưng với tốc độ như đang triển khai có thể mất cả… thế kỷ mới biết được đâu là “tác phẩm mỹ thuật bất minh”.

Và nói một cách cay đắng như luật sư Christopher Marinello - CEO và là người sáng lập Art Recovery Group (tổ chức pháp luật nhằm khôi phục những tác phẩm bị cướp đoạt trong Thế chiến II) thì: “Thật là sốc khi mà không phải 5 năm sau chiến tranh mà là những 75 năm và đã 18 năm sau khi Các nguyên tắc Washington được ký kết thì những gì chúng ta có được là một sự miễn cưỡng tuân thủ các thỏa thuận liên quan đến tài sản bị phát xít Đức tước đoạt”. Xem ra còn lâu lắm “châu mới về Hợp phố”.

>Tịch thu các tác phẩm hội họa của gia đình Marcos

>Brexit và thị trường tác phẩm mỹ thuật

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tác phẩm nghệ thuật bị đánh cắp: Châu không về Hợp phố
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO