Sài Gòn thức với những dòng sông

Nguyễn Ngọc Dũng| 26/01/2020 00:40

Thuở nhỏ, những lần theo cha ra bờ sông Sài Gòn hóng mát, cha thường kể tôi nghe suy nghĩ của cha về những dòng sông của Sài Gòn, về chống ngập, về mở rộng giao thông hai bên bờ sông Sài Gòn và đường ven kênh rạch, về chống kẹt xe thông qua phát triển đô thị...

Sài Gòn thức với những dòng sông

Kênh Thị Nghè

Năm 1679, chúa Nguyễn Phúc Tần chọn Bến Nghé lập đồn binh, vì giao thông thủy thuận lợi. Từ đó, các trụ sở hành chính của Gia Định như dinh Điều Khiển (1732), thành Bát Quái (tức thành Quy, 1790), thành Phụng (1835) rồi Phủ Toàn quyền Đông Dương (1869) mọc lên ở vùng Bến Nghé (Sài Gòn). Bến Nghé là trung tâm hành chính, còn trung tâm thương mại dân cư đông đúc tập trung ở Chợ Lớn.

Sau đó, Chợ Lớn và Sài Gòn nhập lại thành tên gọi Sài Gòn - Chợ Lớn. Đô thị được mở rộng bằng cách khắc phục địa hình trũng thấp, chuyển dần đường thủy sang đường bộ. Chính vì vậy, Sài Gòn thật sự được xây dựng trên vùng kênh rạch chằng chịt, được mệnh danh là “Venice, Amsterdam của Việt Nam” với việc lấp kênh, đắp đất, nâng đường... xây dựng phía bắc thành vùng đất cao, tránh phát triển về phía Nam đất thấp, chặn dòng thoát nước mặt.

Có hai sông lớn đi qua Sài Gòn - TP.HCM là sông Đồng Nai và sông Sài Gòn. Sông Đồng Nai là sông lớn thứ nhì Nam bộ, về lưu vực chỉ sau sông Cửu Long. Sông Sài Gòn hợp với sông Đồng Nai chảy ra biển. Vì qua nhiều địa phương nên sông Sài Gòn có nhiều tên gọi khác nhau.

Từ Tây Ninh đến Thủ Dầu Một - Bình Dương là sông Ngã Cái, đoạn từ Bình Dương đến Thanh Đa là sông Thủ Khúc, từ Thanh Đa đổ về sông Đồng Nai gọi là sông Sài Gòn hay sông Bến Nghé. Sông Sài Gòn chảy vào giữa lòng thành phố, kết hợp với hàng loạt kênh rạch nội thủy, tạo ra hệ thống giao thông thủy liên hoàn, hình thành nên "Sài Gòn kẻ chợ", trên bến dưới thuyền. 

Những kênh rạch là nhánh của sông Sài Gòn còn lại đến nay là kênh Đôi - kênh Tẻ, Tàu Hủ - Bến Nghé, Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Lò Gốm, Tham Lương, Cầu Bông, Thanh Đa... Mạng lưới sông ngòi, kênh rạch phong phú, giao thông thủy thuận tiện giúp khí hậu thành phố mát mẻ quanh năm.

Cầu Chà Và trên kênh Tàu Hủ xưa

Cầu Chà Và trên kênh Tàu Hủ xưa

Hơn 100 năm trước, Sài Gòn đi lại chủ yếu bằng tàu thuyền. Khi xe cơ giới phát triển, phương thức đi lại thay đổi. Những kênh rạch bị lấp làm đường, có thể kể như rạch Cầu Sấu thành đại lộ Hàm Nghi, kênh Chợ Vãi thành đường Nguyễn Huệ, rạch Cây Cám thành đường Lê Thánh Tôn... 

Ngày Tết, Sài Gòn - TP.HCM rực rỡ màu đỏ của câu đối, bao lì xì và màu vàng của mai, cúc... rợp trời ở các chợ trên sông. Sài Gòn có nhiều bến hoa đủ sắc màu trên sông, kéo dài từ Chợ Lớn đến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Bến Bình Đông xưa (đường Trần Văn Kiểu, từ quận 6 đến quận 8 ngày nay) là nơi trên bến, dưới thuyền tiêu biểu của Sài Gòn, nơi buôn bán gạo từ miền Tây lên thành phố, thuận lợi đường thủy, là bằng chứng lịch sử của 320 năm phát triển Sài Gòn - Chợ Lớn. Sự giao thoa của miền Đông và miền Tây Nam bộ qua việc xuất nhập gạo, nông sản và chợ hoa khi mùa Xuân đến, “đóng vai chính” trong sự giao thoa này là dòng kênh Đôi, biến thành dòng sông hoa tuyệt đẹp giữa lòng thành phố. 

Năm 1771, chúa Nguyễn Cửu Đàm cho đào kênh Ruột Ngựa, tạo ra đường thủy giữa miền Tây và Sài Gòn. Kênh Ruột Ngựa nối liền kênh Tàu Hủ, kênh Tẻ và rạch Bến Nghé dẫn ra sông Sài Gòn; mở đường giao thương giữa Sài Gòn - Gia Định - Đồng Nai. Sau đó, người Pháp cho nạo vét kênh Tàu Hủ thông với kênh Đôi; đào kênh Tẻ rộng hơn nối vào sông Sài Gòn, thông ra cảng Sài Gòn để tàu thuyền lớn xuất cảng gạo, muối, nông sản... 

Link bài viết

Sông và kênh rạch đã tạo nên vóc dáng Sài Gòn - TP.HCM. Những thủy lộ, kinh mạch lan tỏa ra khắp nước và thế giới. Những cảng lớn nhỏ hình thành, những phố chợ trên bến dưới thuyền cũng phát triển, cư dân khắp nơi đổ về, tạo ra nền văn hóa sông nước Sài Gòn. Những dòng kênh tự nhiên và kênh đào kết hợp sông lớn, sông nhỏ giao cắt, tạo ra dòng giao thoa văn hóa thành thị - nông thôn. 

Sài Gòn - TP.HCM thức dậy sau bao năm ngủ vùi trong bao cấp, ngăn sông cấm chợ. Khi phương tiện xe hai bánh tràn ngập, khi đô thị nhà phố lên ngôi... thì thủy đạo công cộng bị xem nhẹ. Quy hoạch cứ thế quay mặt với dòng sông, lạnh nhạt với kênh rạch, thậm chí quay lưng lại với dòng chảy, tạo ra những dòng kênh đen, rạch xả thải, ô nhiễm trầm trọng. Có quay lại cũng chỉ là đề nghị san lấp, thay cống hộp, dành đất phát triển nhà. “Phát triển mở rộng” theo kiểu làm cống hộp thay dòng chảy kênh rạch đồng nghĩa với việc phải đối diện với ngập úng.

Chưa hết, phía Nam là phễu thu nước khi mưa xuống cho cả vùng Đông Nam bộ bây giờ bị chặn lại, dòng chảy quay ngược vào nội ô thành phố, cộng thêm việc khai thác nước ngầm quá mức khiến thành phố bị lún xuống hằng năm. Phản ứng tự nhiên của thiên nhiên đang buộc các cơ quan chức năng của TP.HCM phải xem lại cách phát triển đô thị, nếu không muốn bị thiên nhiên đưa Sài Gòn - TP.HCM quay lại thực trạng mấy trăm năm về trước: một khu đầm lầy.

Mỗi kế hoạch 5 năm, TP.HCM đều quyết tâm xóa các điểm ngập. Nhưng qua thời gian, những điểm hết ngập lại tái ngập, mức độ ngập càng nặng hơn, hoặc hết ngập nơi này, nước lại dồn về nơi khác. Lý do là cống nhỏ không đủ sức thoát lượng mưa trên 100mm, những dự án vừa hoàn thành đã trở nên lỗi thời, đỉnh triều cường ngày càng cao... Có nên chống ngập nữa không? Hay là tìm cách ứng phó và sống chung với ngập? Giống như đồng bằng sông Cửu Long đang chung sống hòa bình với lũ? Tất nhiên, sự so sánh này là khập khiễng vì đặc điểm thiên nhiên mỗi vùng mỗi khác. 

Nhiều giải pháp được đưa ra, như xây đê bao cho toàn thành phố, xây cống hộp lớn dưới hệ thống cống hiện hữu, làm mương hở thoát nước mặt cho các con đường lớn... Ở tầm vĩ mô hơn là xây đê biển Vũng Tàu, Gò Công; quy hoạch lưu vực sông thoát nước từng cụm; mở rộng hồ điều tiết nước ở Trị An, Dầu Tiếng...Mỗi ngành đề ra một giải pháp nhưng có những giải pháp chống ngập do mưa lại đối nghịch với giải pháp do triều cường, năng lực công trình thiết kế có hạn, xây dựng xong một dự án thì thông số đầu vào biến đổi, đỉnh triều ngày càng cao, lượng mưa ngày càng lớn...

Nhìn ra thế giới, Tokyo (Nhật Bản)trong thế kỷ trước từng bị sóng thần và bão dữ làm ngập hệ thống tàu điện ngầm, hàng nghìn người chết đuối; họ đã xây dựng hệ thống hầm ngầm trong lòng đất với địa đạo dài 80km, rộng 10m để thu nước mưa. Ở Thái Lan cũng xây dựng hàng loạt kênh đào ở phía Đông và Tây thành phố hướng nước lũ ra biển, để giải bài toán xây dựng thành phố chắn ngay dòng sông dưới hạ nguồn...

Trở lại câu chuyện sông nước và chống ngập cho Sài Gòn - TP.HCM, chưa có một bài toán với đáp số thỏa mãn các yêu cầu đặt ra. Những bài toán tổng hợp của tài nguyên môi trường, thủy lợi đê điều, giao thông vận tải, quy hoạch kiến trúc... với người tổng chỉ huy thực hiện theo kịch bản dài hạn ngắn hạn, nguồn vốn và sự đồng bộ. Những đồ án quy hoạch chung đô thị, phần nhiều chỉ quan tâm đến tỷ lệ đất vàng xây dựng, giao thông, trung tâm hành chính... mà rất ít quan tâm đến “nước”. Điều này chẳng khác nào chúng ta đang đối kháng trực tiếp với thiên nhiên thay vì hòa hợp! 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sài Gòn thức với những dòng sông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO