Rơi vãi tài năng

THIÊN KIM| 02/02/2010 00:17

Không kể những cuộc tranh tài chính thống diễn ra định kỳ hằng năm, thời gian gần đây, khán giả không thể nhớ hết những cuộc thi với danh nghĩa tìm kiếm tài năng âm nhạc do các nhãn hàng tổ chức.

Rơi vãi tài năng

Không kể những cuộc tranh tài chính thống diễn ra định kỳ hằng năm, thời gian gần đây, khán giả không thể nhớ hết những cuộc thi với danh nghĩa tìm kiếm tài năng âm nhạc do các nhãn hàng tổ chức. Dù có tài năng đến mấy, triển vọng đến mấy thì tất cả đều đặt dấu chấm hết ngay khi cuộc chơi hạ màn, chiến dịch quảng bá thương hiệu kết thúc...

Nhà nhà “tìm tài năng”

Chọn một gương mặt nổi tiếng trong làng giải trí làm “đại sứ” quảng cáo cho nhãn hiệu không còn là chuyện hấp dẫn đối với công chúng trẻ. Vì vậy, gần đây, nhiều đơn vị còn tổ chức thêm nhiều sự kiện giải trí để đẩy mạnh hiệu ứng quảng bá thương hiệu. Một trong những cách được chọn nhiều nhất là tổ chức tìm kiếm giọng hát hay bên cạnh các cuộc thi nhan sắc.

Cuộc thi Pepsi Talent Show Việt Nam 2009 vừa qua là một ví dụ điển hình. Cuộc thi kéo dài gần một tháng, thu hút cả ngàn thí sinh, tranh tài online (nghe bản thu trên mạng Nhacso.com) và cả tranh tài trực tiếp trên sân khấu, với giải thưởng được treo rất hấp dẫn: người chiến thắng sẽ có vé đến Mỹ để thu âm ca khúc Global Hit (ca khúc toàn cầu) cho mục đích từ thiện (doanh thu của ca khúc này sẽ gởi tặng Quỹ Cứu giúp trẻ em châu Phi).

Trong khi đó, đối thủ của Pepsi là Coca-Cola cũng quảng bá thương hiệu với hình thức tương tự. Nếu Pepsi Talent Show kết hợp với mạng Nhạc số để tuyển chọn tài năng âm nhạc, thì cuộc thi K4Teen - Không thử sao biết của Coca - Cola kết hợp với mạng Zing Star (Zing.com) có hàng ngàn thí sinh đăng ký tham gia.

Hãng Honda cũng tung ra chương trình tranh tài Be U-nik với mục đích chăm sóc khách hàng trẻ tuổi. Cuộc tranh tài online Be U-nik được tổ chức với các phần thi từ ban nhạc, âm nhạc (thực hiện các video clip ca nhạc) đến cả múa đơn, múa đôi hay nhảy breakdance, hiphop...). Tất nhiên, vì là quảng bá thương hiệu hướng đến khách hàng trẻ tuổi nên đối tượng của tất cả các cuộc tranh tài này chủ yếu ở độ tuổi từ 14 đến 22 tuổi.

Tìm kiếm để làm gì?

Số tiền 14.000USD (tương đương 250 triệu đồng) không phải là nhỏ, nhưng nếu là mức chi phí dành cho cuộc tuyển chọn kéo dài từ Bắc chí Nam, quảng bá cho những thương hiệu lớn, thì lại quá rẻ. Có lẽ vì “rẻ” nên những cuộc thi này cũng chỉ mang tính “đại khái”, ngoại trừ đêm biểu diễn chung kết xếp hạng và công bố kết quả, sân khấu cũng được dàn dựng và thí sinh tranh tài được trang điểm, chuẩn bị trang phục. Thật ra, đây cũng không phải là điều gì “phải suy nghĩ” vì thực tế tất cả các cuộc thi này có mục tiêu chính là quảng bá thương hiệu trong giới trẻ, chứ không phải tìm kiếm những tài năng âm nhạc thực thụ.

Điều đáng tiếc là nhiều thí sinh cóù năng lực thực sự, được phát hiện trong các sân chơi này lại bị rơi sau cuộc thi. Không phải ngẫu nhiên, ca sĩ Minh Ánh (thành viên ban giám khảo chuyên môn của cuộc thi Pepsi Talent Show Việt Nam 2009) thừa nhận: “Cuộc thi này tìm được không ít giọng ca triển vọng so với nhiều cuộc tranh tài chính thống hiện nay”. Thế nhưng, dù có tài năng đến mấy, triển vọng đến mấy thì tất cả đều đặt dấu chấm hết ngay khi cuộc chơi hạ màn, chiến dịch quảng bá thương hiệu kết thúc.

Trong hàng ngàn thí sinh tham dự chương trình thi âm nhạc các loại, không ai được trọng dụng hay phát triển quả là một sự lãng phí. Tất cả chỉ dừng lại ở một cuộc chơi dành cho giới trẻ. Không riêng gì các cuộc thi nhằm mục đích thương mại này, ngay các cuộc thi tìm kiếm tài năng chính thống như Sao Mai, Sao Mai Điểm Hẹn, Ngôi sao Tiếng hát truyền hình,... vẫn chưa thể làm được điều này dù trước đó cũng đầy những lời hứa hẹn.

Đêm hội rock III, vừa diễn ra tại sân vận động Tao Đàn (TP.HCM), dành cho phần biểu diễn của 6 ban nhạc chiến thắng tại cuộc thi Be U-nik do hãng Honda tổ chức được xem là phần thưởng thực tế nhất cho 6 nhóm đoạt giải tại cuộc thi này. Không nói thì ai cũng hiểu, thật khó để 6 ban nhạc đoạt giải tại cuộc thi này có thêm những buổi diễn khác hay cơ hội để phát triển tài năng ca hát đúng nghĩa. Những ban nhạc tham gia Đêm hội rock II do Sony Ericsson tổ chức một năm trước đó cũng chỉ có “phần thưởng” như vậy.

Nói là người đoạt giải cao nhất cuộc thi Pepsi Talent Show Việt Nam 2009 đi thu âm cùng thần tượng âm nhạc Akon, nhưng thực tế, cơ hội được hát chung với Akon được bao nhiều phần trăm? Có chăng, thí sinh này sẽ cùng với các đại diện đến từ các nước khác hát đồng ca, đảm nhiệm phần bè cho tiết mục biểu diễn của Akon thêm hiệu ứng.

Tất nhiên, ngoài những ràng buộc với nhãn hiệu Pepsi sau khi đoạt giải (sử dụng hình ảnh để phục vụ chiến dịch quảng cáo sau đó), cơ hội phát triển sự nghiệp ca hát của người đoạt giải chỉ dừng lại ở video clip Global Hit này mà thôi. Trong khi đó, ba thí sinh chiến thắng trong cuộc thi K4Teen - Không thử sao biết có cơ hội biểu diễn duy nhất là chương trình Hòa nhịp bạn trẻ, được phát sóng trên HTV9 mỗi tháng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Rơi vãi tài năng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO