Rạp chiếu phim ở Mỹ bị... lấy bớt khách

VI ANH| 19/08/2016 06:19

Doanh thu chiếu phim 6 tháng đầu năm 2016 chỉ đạt 5,57 tỷ USD và cùng với phát kiến mới về Screening room liệu có góp phần khiến rạp chiếu phim ở Mỹ đứng trước nguy cơ bị... thất sủng.

Rạp chiếu phim ở Mỹ  bị... lấy bớt khách

Doanh thu chiếu phim 6 tháng đầu năm 2016 chỉ đạt 5,57 tỷ USD và cùng với phát kiến mới về Screening room (phòng chiếu giới thiệu phim mới) liệu có góp phần khiến rạp chiếu phim ở Mỹ đứng trước nguy cơ bị... thất sủng.

Đọc E-paper

Khán giả chán đến rạp

Theo Hiệp hội Rạp chiếu phim Quốc gia (Mỹ), số lượng khán giả tới xem phim tại rạp đạt cao nhất vào năm 2002, sau đó lại giảm xuống rất thấp. Để thu hút khán giả, các rạp tung ra hàng loạt công nghệ mới như 3D, IMAX..., nhưng giá vé đắt hơn. Kết quả, doanh thu phòng vé tăng, song số lượng khán giả lại giảm. Và để bù đắp cho sự sụt giảm người xem, những phòng chiếu định dạng mới lại ra đời với giá vé tiếp tục tăng, cứ thế tạo thành vòng luẩn quẩn.

Hiện nay, giá vé xem phim ở Mỹ trung bình là 8,7 USD, cộng thêm chi phí cho bắp, nước ngọt, kẹo, bánh ăn kèm thì một gia đình 4 thành viên có thể tốn tới 100 USD cho mỗi lần tới rạp xem phim. Nhưng quan trọng hơn là các bộ phim chiếu rạp không còn hấp dẫn như trước.

Ví như năm 2016 này, khán giả than phiền rằng Hollywood đã hết ý tưởng khi cứ tiếp tục sản xuất phim phần tiếp theo (sequel) hay "làm lại" (remake). Dẫu rằng suốt một thời gian dài, chúng đã giúp Hollywood cầm cự qua thời kỳ khó khăn cùng với phim chuyển thể từ truyện tranh, phim hoạt hình, nhưng nay thì không còn sức hút như trước nữa.

Kết quả là, nếu Alice in wonderland (2010) đạt được 116 triệu USD trong 3 ngày đầu công chiếu ở Bắc Mỹ, thì Alice through the looking glass chỉ dừng lại ở 28,1 triệu USD; The Huntman 2: Winters War chỉ thu về 19 triệu USD trong tuần đầu công chiếu, giảm 64% so với phần 1 (năm 2014); Ice Age 5 thu 21 triệu USD trong tuần chiếu đầu tiên, chưa bằng 1/2 so với phần 4 (2012); X-men: Apocalypse có doanh thu mở màn 65 triệu USD, thấp hơn 30% so với Xmen: Days of future past (2014).

Dù tổng doanh thu của một bộ phim bao gồm ở nhiều thị trường trên toàn cầu, song doanh thu "mở màn" ở Bắc Mỹ luôn báo hiệu tương đối chính xác khả năng "thắng" hay "thua" sau đó.

Thất bại của những phim trên và những "bom tấn" từng có phần trước rất thành công khác như: The legend of Tarzan, Independence day, Resurgence, Teenage mutant Ninja turtles: Out of the shadows, Now you see me 2, The Divergent... khiến doanh thu 6 tháng đầu năm 2016 của Hollywood chỉ đạt 5,57 tỷ USD.

Số phim "sequel" và "remake" của Hollywood vẫn đang tiếp tục ra rạp trong các tháng còn lại của năm 2016. Như thế, các bộ phim mới mẻ về cả nội dung lẫn cách thể hiện là vô cùng hiếm. Đã vậy, nhiều bộ phim truyền hình cũng đang được đầu tư về chất lượng không kém gì phim điện ảnh.

Nhà phân tích thị trường điện ảnh uy tín Paul Degarabedian nhận định, ngày nay khán giả có hàng chục lựa chọn giải trí khác nhau và những bộ phim "bom tấn" Hollywood xuất hiện trên Netflix rất nhanh, có phim còn phát hành trực tiếp, nên họ sẽ không còn háo hức đến rạp nếu đó không phải là những bộ phim xuất sắc. Được biết, Netflix sẽ phát hành ít nhất 16 bộ phim "độc quyền" không chiếu rạp trong năm 2016 với nhiều ngôi sao gạo cội Hollywood tham gia.

Nguy cơ bị... thất sủng

Nguy cơ không chỉ đến từ internet, mạng xã hội, truyền hình..., mà sự tồn tại của các rạp chiếu phim và những cụm rạp (cineplex) truyền thống còn đang bị de dọa bởi phát kiến Screening room do Sean Parker - một doanh nhân trưởng thành từ Silicon Valley (Thung lũng Silicon), từng là chủ tịch đầu tiên của mạng xã hội Facebook - đã giới thiệu tại CinemaCon (triển lãm thương mại thường niên dành cho rạp chiếu phim, hãng phim và nhà cung cấp) ở Las Vegas vào tháng 4 vừa rồi.

Screening room cho phép khán giả xem phim tại nhà vào cùng ngày phim công chiếu trên các rạp toàn thế giới, chỉ cần mua một "set-top box" giá 150 USD kết nối với truyền hình và sau đó dùng box để thuê những bộ phim mới với giá 50 USD/phim và xem trong vòng 24 giờ (không giới hạn số lượng người xem).

Sean Parker nói rằng, Screening room không tranh giành khán giả của các rạp chiếu phim, vì nhắm đến những người có tuổi, trẻ em và những người bận rộn không thể đến rạp xem phim.

Các nhà phát hành phim cũng được hưởng một phần của phí mua "set-top box" và 20% số tiền 50 USD cho thuê phim. Bởi vậy, sáng kiến này đã nhận được sự ủng hộ của nhiều tên tuổi nổi tiếng của Hollywood như Steven Spielberg, Ron Howard, Peter Jackson, J.J. Abrams...

Trong đó, Peter Jackson đã nói với tờ The Hollywood Reporter rằng: "Screening room nhắm tới số đối tượng không đi xem phim tại rạp. Như thế, nó sẽ mở rộng khán giả cho một bộ phim mà không làm giảm doanh thu của rạp chiếu phim. Và nó sẽ hỗ trợ lâu dài cho cả nhà sản xuất lẫn nhà phân phối, giúp cho công nghiệp điện ảnh phát triển hơn".

J.J. Abrams cũng đồng ý rằng Screening room sẽ giúp tăng doanh thu nên có lợi cho nhà sản xuất, nhất là khi có thể "lấy được tiền" của cả nhóm khán giả vốn không thích đi xem phim ở rạp.

Tất nhiên vẫn có những nhân vật nổi tiếng như đạo diễn Christopher Nolan và James Cameron cùng với Hội Chủ rạp quốc gia (National Association of Theatre Owners) phản đối Screening room. James Cameron cho rằng, cần "độc quyền" ở các rạp chiếu trong đợt phát hành đầu tiên vì Screening room sẽ tạo thêm cơ hội cho kẻ cắp tác quyền khi "set-top box" không thể ngăn chặn hoàn toàn hacker phim ảnh chuyên nghiệp.

Tóm lại, dù chưa thật hoàn hảo và gây nhiều tranh cãi, nhưng khi có hàng trăm triệu khán giả trẻ đang lớn lên cùng TV Show, YouTube, Facebook và phim trực tuyến trên các công cụ cầm tay như smartphone, máy tính bảng... thì phát hành phim truyền thống theo con đường rạp chiếu phim sẽ không còn "độc quyền", và một loại hình mới như Screening room sẽ không khó để được họ chấp nhận, vấn đề chỉ là sớm hay muộn. 

>Xe vào rạp phim

>Lồng tiếng cho phim chiếu rạp: Thị phần hấp dẫn

>Đầu tư rạp phim: Hàn Quốc chiếm ưu thế tuyệt đối

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Rạp chiếu phim ở Mỹ bị... lấy bớt khách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO