Quyền lực "mềm" của văn hóa Hàn

BÍCH HỒNG| 21/11/2012 04:15

Thời gian gần đây, phim điện ảnh, âm nhạc, thời trang, mỹ phẩm Hàn Quốc chiếm lĩnh thị phần ở châu Á và một phần châu Âu, châu Mỹ.

Quyền lực

Thời gian gần đây, phim điện ảnh, âm nhạc, thời trang, mỹ phẩm Hàn Quốc chiếm lĩnh thị phần ở châu Á và một phần châu Âu, châu Mỹ.

Đọc E-paper

Nhóm bạn trẻ Việt Nam hâm mộ các ngôi sao K-pop

Mỗi lần ghé tòa nhà Vincom là lại nhìn thấy những người trẻ Việt đang ăn ngon lành món "kim bắp" hay xì xụp món canh rong biển của người Hàn. Những món ăn lan ra từ bàn ăn của các ngôi sao điện ảnh, thủa ban đầu là Jang Dong Gun, rồi nay đến Lee Min-hoo, Kim Tae-hee.

Trải qua một khoảng thời gian khá lâu, giờ đây khi đã quen với nhịp độ lê thê của phim Hàn thì khối người Việt lại đâm ra nghiện phim truyền hình Hàn Quốc, ngày nào mà không thấy mặt các diễn viên quen thuộc là thấy nhớ.

Nhiều người bảo phim Hàn chỉ phù hợp với tầng lớp bình dân, nhưng thực tế thiếu gì người trình độ văn hóa cao vẫn thích xem phim Hàn, bởi chất văn hóa truyền thống xứ Hàn đã thẩm thấu vào người xem một cách lặng lẽ và ngọt ngào!

Nào là nếp sống có tôn ti trật tự mà gia đình Á châu nào chẳng muốn duy trì; rồi cách người ta khéo léo giới thiệu ẩm thực trên phim khiến đến nay nhiều khán giả hầu như thuộc các món ăn truyền thống Hàn; tiếp đến là vẻ đẹp rạng ngời, nền nã của "sao Hàn", dù đó là vẻ đẹp của công nghệ dao kéo nhưng vẫn đủ sức mạnh tạo nên một chuẩn mới về gu thẩm mỹ ở những nơi phim Hàn ngự trị.

Sau ẩm thực là thời trang, là trào lưu đi thẩm mỹ viện, là đổ xô đi học tiếng Hàn và cuối cùng là giới trẻ Việt đang thừa nhận K-pop đã giúp họ lấp khoảng trống mà thảm họa V-pop để lại trong lòng công chúng. Đó là chưa kể đến chuyện nhiều gia đình đang hoảng hốt trước hiện tượng con em họ "thần tượng" đến rồ dại các ngôi sao điện ảnh, các ca sĩ Hàn.

Ngày 16/11, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch kết hợp với Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tổ chức hội thảo chủ đề "Hiện tại và tương lai phát triển của làn sóng Hàn Quốc - Hallyu tại Việt Nam", trong đó nêu rõ Hallyu là làn sóng văn hóa đại chúng.

Hóa ra từ cách đây hơn một thập niên, người Hàn đã có chủ trương phát triển "quyền lực mềm" của quốc gia từ văn hóa truyền thống và đại chúng.

Cả thế giới, hay ít nhất là nhiều nước châu Á mê mệt hình ảnh một xứ Hàn với những đặc trưng văn hóa truyền thống rất tiêu biểu, những giá trị đẹp vẫn hiển hiện trong các câu chuyện điện ảnh. Hàn Quốc hiện diện đĩnh đạc trước cả thế giới trên nền chất liệu bền vững từ văn hóa, đầu tư tốt cho thương hiệu các sản phẩm của xứ Hàn.

Chính từ các thành công trong phủ sóng ảnh hưởng văn hóa Hàn như vậy cùng lúc với phát triển kinh tế, Hàn Quốc đã tạo nên được một thương hiệu quốc gia tốt, người Hàn đi ra thế giới được nể trọng.

Bài học nào cho người Việt giữ truyền thống văn hóa và nâng nó lên thành sức mạnh? Trong lúc người Hàn đưa văn hóa Hàn ra khắp thế giới thì chúng ta đang đối diện với "thảm họa văn hóa" trên nhiều lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật đến lối sống đạo đức.

Dường như không có sự liên kết nào về thị hiếu văn hóa giữa các thế hệ người Việt? Trong khi các thế hệ trẻ còn đang nghe K-pop và bỏ mặc những thế hệ già nua hơn trong thế giới nhạc Trịnh, thì vấn đề này còn bị bỏ ngỏ bao lâu nếu như vẫn không xuất hiện những tài năng mới đủ chinh phục nhân tâm.

Ngày trước ca khúc của Trịnh Công Sơn và tiếng hát Khánh Ly bắt đầu nổi tiếng với những đêm nhạc sinh viên. Bây giờ phải thừa nhận sinh viên không nghe nhạc Trịnh, có thể đến 30 - 40 tuổi họ sẽ nghe, chứ không phải bây giờ, khi họ mới 20.

Xã hội thay đổi, nhưng dường như các chính sách chưa thích ứng kịp, để rồi các dòng sản phẩm văn hóa trong nước ra đời bị đè bẹp trước dòng văn hóa ngoại lai không chỉ từ Hàn Quốc, mà còn từ Nhật Bản, châu Âu, Mỹ...

Những tài năng nghệ thuật non trẻ nhanh chóng bị thui chột trước sự thiếu đầu tư định hướng, nhanh chóng bị khuất phục trước gánh nặng áo cơm.

Chúng ta nghĩ đến những công trình hàng nghìn tỷ đồng như xây dựng bảo tàng, sân vận động, đăng cai Đại hội Thể thao Châu Á, nhưng các biện pháp mang tính kỹ thuật để phát triển văn hóa thì không có gì rõ nét.

Có ai tự hỏi tại sao các đạo diễn phim truyền hình Hàn Quốc lặp đi lặp lại cảnh đám cưới với các tập quán đặc trưng, cảnh muối kim chi và làm các món ăn truyền thống? Đó là chính sách rõ ràng của Chính phủ Hàn, đặc biệt là việc phổ biến ẩm thực Hàn trên phim được nhà nước hỗ trợ, nhằm mục tiêu quảng bá ẩm thực, làm bước đệm cho tương lai xuất khẩu thực phẩm Hàn.

Sắp tới người Hàn sẽ đưa dòng phim điện ảnh Hàn Quốc đi giới thiệu khắp thế giới. Đó là sản phẩm của chính sách bỏ kiểm duyệt và xây dựng các rạp xem phim để tạo môi trường làm việc hưng phấn nhất cho các đạo diễn phim nhựa.

Sau 15 năm, bây giờ Hàn Quốc đã là một lực lượng đáng nể ở các liên hoan phim thế giới. Tính thức thời của chính sách văn hóa mới là chiếc chìa khóa mở cánh cửa thành công. Đó là thứ chúng ta nên học

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Quyền lực "mềm" của văn hóa Hàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO