Quảng Ngãi: Đánh thức di sản độc đáo bị lãng quên 200 năm

17/04/2010 09:02

Công trình Trường lũy được đánh giá dài nhất Đông Nam Á nhưng bị lãng quên 200 năm.

Quảng Ngãi: Đánh thức di sản độc đáo bị lãng quên 200 năm

Công trình Trường lũy được đánh giá dài nhất Đông Nam Á nhưng bị lãng quên 200 năm. Sáng 16/4, Hội thảo khoa học về bảo vệ, khai thác và phát huy tiềm năng di tích Trường lũy cổ đã được tổ chức tại Quảng Ngãi với sự tham gia của nhiều nhà khoa học.

Hiện vật được khai quật lên từ Trường lũy Quảng Ngãi - Bình Định

Hội thảo đã nghe tiến sĩ Nguyễn Tiến Đông, Viện khảo cổ học giới thiệu tóm tắt nội dung Dự án nghiên cứu Trường lũy Quảng Ngãi - Bình Định (Hợp tác giữa Viện Viễn đông Bác cổ Pháp và Viện Khoa học xã hội Việt Nam).

Đây là Trường lũy độc đáo, một di sản văn hóa chứa đựng nhiều giá trị được thể hiện rõ nét về khảo cổ học, kiến trúc, nhân loại học, câu chuyện lịch sử và cảnh quan nhưng tại Hội thảo, các nhà khoa học cảnh báo, Trường lũy này gần như đã lãng quên từ 200 năm nay.

Trường lũy Quảng Ngãi - Bình Định được các nhà khảo cổ học trong và ngoài nước bắt đầu nghiên cứu từ năm 2005, có chiều dài khoảng 200 km kéo dài từ huyện Trà Bồng (tỉnh Quảng Ngãi) đến huyện An Lão (tỉnh Bình Định) qua 9 huyện dọc theo dãy Trường Sơn.

Tại cuộc họp, các nhà nghiên cứu khảo cổ trong và ngoài nước đã đánh giá giá trị của di tích này. TS. Christopher Young - đại diện Hội đồng Di sản Anh - cho rằng, Trường lũy Quảng Ngãi - Bình Định là công trình Trường lũy dài nhất Đông Nam Á và có thể đứng thứ 2 châu Á sau Vạn Lý Trường Thành ở Trung Quốc.

Giáo sư Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam nhấn mạnh tính khác biệt giữa Trường lũy Quảng Ngãi - Bình Định với các công trình khác ở chỗ có sự giao thoa giữa cách sắp xếp đá, đất của Trường Lũy.

Lũy đắp bằng đất và đá chiều cao thông thường từ 1 - 3 m nhưng có điểm cao đến 4 m, mặt trên rộng 2,5 m, chân dày tới 4 m. Khai quật tại một số điểm phát hiện nhiều đồ gốm, đất nung, sành. Điều đặc biệt là sự phối hợp, thỏa thuận giữa hai cộng đồng dân tộc Việt và Hrê trong quá trình xây dựng Trường lũy.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Tiến Đông, những nghiên cứu về kiến trúc, đặc biệt là đồ gốm phát hiện được ở các điểm di tích khai quật được cho thấy đây là di tích quan trọng. Ngoài ý nghĩa quân sự, thì trong lịch sử các đồn (Bảo) được tìm thấy còn là một điểm kiểm soát thông thương giữa miền núi và đồng bằng (những hiện vật gốm khai quật có xuất xứ từ Chu Đậu (tỉnh Hải Dương), Bát Tràng (Hà Nội) niên đại thế kỷ 17 - 18 rồi những mảnh gốm men, sứ Trung Hoa thời Thanh, gốm nung, sành của miền Trung…).

Các nhà nghiên cứu vẫn chưa thống nhất được quan điểm về lý do xây Trường lũy (công trình che chở cho lực lượng quân sự đi dọc theo tuyến Bắc - Nam, lũy được xây do căng thẳng trong quan hệ kinh tế giữa cư dân cao nguyên và hạ du, để chống lại những cuộc nổi dậy ủng hộ nhà Tây Sơn sau khi Nguyễn Ánh lên ngôi…) nhưng đều thống nhất: Đây là công trình có ý nghĩa rất lớn về lịch sử, quân sự, văn hóa và kinh tế dưới triều Nguyễn.

Ông Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Ngãi cho biết, Sở đang hoàn tất hồ sơ để sớm công nhận bờ lũy là di tích cấp tỉnh, sau đó sẽ tiếp tục đệ trình lên cấp quốc gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Quảng Ngãi: Đánh thức di sản độc đáo bị lãng quên 200 năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO