Quảng cáo trên phim: Trông người để ngẫm đến ta

VIỆT PHONG| 24/06/2009 08:55

Phim ảnh VN vài năm gần đây có thêm sắc màu của những nhãn hiệu tài trợ. Tuy nhiên, việc tài trợ và nhận tài trợ không đúng cách nhiều khi làm nhiều bộ phim trở thành thứ “chẳng giống ai”, dù rằng ở những bộ phim này, yếu tố thương mại vẫn được đặt lên hàng đầu.

Quảng cáo trên phim: Trông người để ngẫm đến ta

Phim ảnh VN vài năm gần đây có thêm sắc màu của những nhãn hiệu tài trợ. Tuy nhiên, việc tài trợ và nhận tài trợ không đúng cách nhiều khi làm nhiều bộ phim trở thành thứ “chẳng giống ai”, dù rằng ở những bộ phim này, yếu tố thương mại vẫn được đặt lên hàng đầu.

Hollywood, quảng cáo hay hơn phim

Khán giả xem bộ phim Lời tự thú của một tín đồ shopping gần như chưng hửng khi không hiểu tại sao nhân vật chính là cô nàng Becky cứ hay nói dối với những người lạ là mình đến từ Phần Lan. Mãi cho đến gần cuối phim, mọi người mới ồ lên ngạc nhiên hiểu ra bởi vì... Nokia – nhà tài trợ chính cho bộ phim - đến từ Phần Lan.

Với bộ phim Lời tự thú của một tín đồ shopping, Nokia tham gia vào ngay từ khâu sản xuất để có thể chuyển đi tốt nhất thông điệp về sản phẩm đến khách hàng là những người xem phim

Đây là một trong những trường hợp mà sản phẩm quảng cáo tham gia vào bộ phim ngay từ khâu kịch bản và sản xuất. Một loạt phim hành động nổi tiếng khác cũng được một nhãn bia đình đám “bắt tay” ngay từ công đoạn lên kế hoạch là loạt phim 007 mà khán giả nào cũng biết.

Những hợp đồng kiểu như thế sẽ khiến nhà quảng cáo tiêu tốn số tiền không nhỏ, nhưng ngược lại, hiệu ứng thành công gần như là chắc chắn. Một trong những pha độc đáo nhất trong các phim hành động hiện đại chính là màn rượt đuổi của những chiếc xe trên xa lộ.

Từ Fast and Furious 4 cho đến Người vận chuyển 3, hay tập phim mới nhất của anh chàng điệp viên James Bond...,đâu đâu cũng thấy các thương hiệu xe hơi. Ngay cả bộ phim lãng mạn tình cảm I love you, man mới vừa ra rạp tại VN cũng được tài trợ bởi một thương hiệu xe nổi tiếng là Volkswagen.

Chỉ xuất hiện duy nhất một lần vài giây đồng hồ trong cảnh quay của bộ phim Mong em hạnh phúc (diễn viên Kwon Sang Woo, Lee Bo Yeong... đang chiếu tại các rạp VN), lúc nhân vật nhớ về quá khứ khi còn là một cậu bé, nhưng KFC vẫn ghi được dấu ấn trong lòng khán giả.

Phim ta, phim dở hơn quảng cáo

Khán giả xem phim VN (nhất là phim truyền hình) thường lắc đầu ngán ngẩm trước những khuôn hình quảng cáo quá lộ liễu. Một phần là do các đạo diễn của chúng ta quá thiếu tinh tế trong những chuyện này, phần còn lại là do nhà sản xuất (dưới áp lực của nhà quảng cáo) yêu cầu đạo diễn phải quay như thế.

Hẳn khán giả còn nhớ những pha quảng cáo “thô mộc” trong Lọ Lem hè phố xuất hiện Samsung, Suzuki, Vera, Diana. Những cô gái chân dài tiếp bước với hang loạt sản phẩm đa dụng: điện thoại Nokia, mì gói Vifon, taxi Mai Linh, mỹ phẩm Clinique, dầu gội Sunsilk. Hay với 39 độ yêu, ngập tràn hình ảnh tài trợ từ các đại gia Unilever, Samsung, Ford đến hơn chục sản phẩm trang trí nội thất, vật dụng gia đình, nước uống...

Với các phim nước ngoài, tài trợ là một chuyện, còn việc sản phẩm xuất hiện trong phim như thế nào lại là chuyện khác. Và cái quyền “xuất hiện ra sao” đó thuộc về đạo diễn, không một đạo diễn tài năng nào làm một bộ phim để rồi chấp nhận cho quảng cáo xen vào làm hỏng hết cả một tác phẩm.

Còn ở VN vẫn chưa có một công ty tìm tài trợ quảng cáo cho phim một cách chuyên nghiệp. Việc tìm kiếm nguồn quảng cáo tài trợ chủ yếu tự phát dẫn đến việc nhà tài trợ chi phối quá tay khiến một vài hình ảnh trong phim, khiến bộ phim nhiều khi trở thành một biến tướng của quảng cáo.

Những quảng cáo trong phim VN không những không hiệu quả mà còn không để lại ấn tượng tốt đối với khán giả

Chấp nhận tài trợ nghĩa là chấp nhận phải có quảng cáo, mà trong bối cảnh thị trường giải trí hôm nay, việc chia sẻ rủi ro với các nhà đầu tư khác là điều mà bất cứ nhà sản xuất nào cũng mong muốn. Nhưng làm quảng cáo trong phim để khán giả xem và ồ lên ngạc nhiên vì thích thú thay vì chặc lưỡi chê bai vẫn luôn là một bài toán khó cho các đạo diễn.

Khi bắt tay vào làm bộ phim điện ảnh đầu tay Những cô gái chân dài (2004), cát-xê cho vai trò đạo diễn lẫn viết kịch bản của Vũ Ngọc Đãng chỉ có 50 triệu đồng, nhưng anh đã chào đón tất cả các sản phẩm quảng cáo mà nhà sản xuất muốn đưa vào, không hề ngán ngại hay phàn nàn.

Nhưng với những bộ phim truyền hình và điện ảnh mới nhất của anh, luôn có một sự thỏa thuận lại với nhà sản xuất về việc nên hay không nên đưa nhãn hàng nào vào phim. Điều này đã chứng tỏ được ý thức của một đạo diễn trong việc xem trọng tác phẩm của mình tới đâu.

Ý thức này cũng được thể hiện qua hợp đồng tài trợ giữa nhà quảng cáo và nhà sản xuất là bộ phim Bẫy rồng (diễn viên Johnny Trí Nguyễn, Ngô Thanh Vân...) sẽ trình chiếu vào dịp Giáng sinh 2009. Kinh phí ấn định dưới 5 tỷ đồng thì rất khó làm phim vì khung giá của diễn viên, êkíp làm việc, đạo cụ...đều không thể thêm hoặc bớt; mà làm nhiều hơn 5 tỷ đồng thì lợi nhuận thu lại không được bao nhiêu...

Vì vậy, nhà sản xuất Chánh Phương đã quyết định cho nhà tài trợ Enevon tham gia với vai trò đồng sản xuất. Ngoài ra, còn thỏa thuận với cả BMW để tài trợ xe thực hiện các cảnh rượt đuổi mà không tốn bất kỳ đồng nào cho việc thuê xe cũng như sửa chữa nếu hư hại.

Cũng lo lắng về việc can thiệp của các nhãn hiệu này làm khán giả dị ứng, diễn viên Johnny Trí Nguyễn phải đưa ra lời khẳng định: “Khán giả yên tâm là chúng tôi không bao giờ để những cảnh quảng cáo phá hỏng bộ phim của mình!”. Chúng ta chờ xem và hy vọng...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Quảng cáo trên phim: Trông người để ngẫm đến ta
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO