Phim Tết 2016: Cuộc chơi dành cho kẻ may mắn

MINH ĐỨC| 06/01/2016 01:22

Không như các cuộc thi sắc đẹp rình rang suốt nửa cuối năm 2015, hay một loạt ca sĩ tung MV đẹp mắt cùng thời điểm..., mùa phim Tết chưa bao giờ kín tiếng và thầm lặng như lúc này.

Phim Tết 2016: Cuộc chơi dành cho kẻ may mắn

Không như các cuộc thi sắc đẹp rình rang suốt nửa cuối năm 2015, hay một loạt ca sĩ tung MV đẹp mắt cùng thời điểm..., mùa phim Tết chưa bao giờ kín tiếng và thầm lặng như lúc này.

Đọc E-paper

Ít về số lượng

Nếu không tính Điệp vụ chân dài là phim chiếu Tết (ra mắt đầu tháng 1/2016) hay tác phẩm đầu tay của đạo diễn Khương Ngọc (chưa chắc ngày ra mắt), thì có lẽ khán giả chỉ mới nghe tin vài ba tác phẩm sẽ xuất xưởng. Đó là Lộc Phát của Lê Bảo Trung, một trong số những đạo diễn "mát tay" với kiểu phim mì ăn liền pha trộn nhiều thể loại từ hài đến hành động... 

Lộc Phát tiếp tục đi theo công thức cũ: quy tụ một loạt sao, đề tài giật gân. Phim là câu chuyện về cuộc đua bất đắc dĩ của chàng trai tên Lộc và gã sát thủ tên Cát, với đầy đủ những mảng miếng hài hước đan cài. Phim có sự tham gia của Bình Minh, Đinh Ngọc Diệp, Hiếu Hiền, Nguyễn Phi Hùng, Hoàng Sơn... Khả năng thắng lớn của Lộc Phát khá cao bởi gần như mùa phim Tết 2016 quá ít phim Việt, quá ít đối thủ cạnh tranh.

Đánh mạnh vào lớp khán giả miền Tây và miền Đông Nam bộ là cú chơi có tính toán của bộ ba đạo diễn Trần Ngọc Giàu - Hoài Linh - Việt Hương. Hầu như những nhà làm phim đều nhận ra vài năm gần đây, phim hài chân chất với câu chuyện cảm động luôn thắng đậm vì thu hút không chỉ khán giả trẻ, người lớn, mà cả các em thiếu nhi.

Đơn cử như Nhà có 5 nàng tiên, Trúng số, Quý tử bất đắc dĩ... Riêng Nhà có 5 nàng tiên nhờ hai cái tên Hoài Linh - Việt Hương bảo chứng đã thắng đậm khi chiếu vào dịp Tết tại các tỉnh miền Nam. Bộ ba Trần Ngọc Giàu - Hoài Linh - Việt Hương năm nay sẽ tung ra Tía tui là cao thủ. Trong đó, Hoài Linh - Việt Hương tiếp tục hóa thân thành cặp vợ chồng, nhưng với thân thế giàu có: chủ tiệm thuốc đông y tại một vùng quê yên bình. Tuy nhiên, chính vì dư dả tài chính mà gia đình lâm vào những mối bất hòa. Buồn chán, bà vợ bỏ lên thành phố cùng cậu con trai út, từ đó hàng loạt tình huống dở khóc dở cười xảy ra...

phim tết 2016 doanhnhansaigon


Siêu trộm do BHD sản xuất, dự định công chiếu vào đúng mùng 1 Tết, đây là phim chiếu Tết đầu tiên của Hàm Trần sau một loạt thể nghiệm từ phim hài đến phim kinh dị sau thời gian về nước. Kịch bản phim Siêu trộm được Hàm Trần cùng một số những người bạn ấp ủ cũng đã khá lâu và tương đối mới với màn ảnh trong nước khi xoay quanh đề tài "hacker" trong xã hội Việt Nam. Bộ phim xây dựng theo phong cách Hollywood với một loạt vai chính dành cho những diễn viên ít tên tuổi như Nhung Kate, Petey Nguyễn, Huyme..., trong khi vai phụ lại là tên tuổi bảo chứng phòng vé: Ngô Thanh Vân.

Và nhạt nhòa nội dung

Mùa phim Tết 2016 đáng lẽ ra có sự góp mặt của những "bom tấn" cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, thế nhưng vì nhiều lý do, đã phải lỗi hẹn. Đó là Tấm Cám (Ngô Thanh Vân sản xuất và đạo diễn), hay Tèo Em 2 (đạo diễn: Charlie Nguyễn) bởi Ngô Thanh Vân và Cường Ngô từng gây ấn tượng với Ngày nảy ngày nay với 500.000 vé bán ra sau 18 ngày công chiếu vào dịp Tết 2015.

Nhìn chung, diện mạo phim Tết 2016 khá nhạt nhòa, không sôi động như cùng thời điểm các năm trước. Có lẽ, phép màu đã hết thiêng, hay cuộc tranh giành phòng vé khiến các nhà sản xuất không còn đặt nặng hai chữ "phim Tết"? Đạo diễn Bá Vũ, phim Ngủ với hồn ma, cho biết: "Phim Tết vẫn đang là niềm mơ ước của nhiều người, những nhà làm phim trẻ chẳng hạn, nhưng chính cuộc chiến giành thị phần khốc liệt khiến chẳng mấy nhà sản xuất dám mạo hiểm.

Trung bình một mùa có khoảng 5 phim Việt, với xác suất chỉ có 2 phim thắng, 1 hòa và 2 bại. Rủi ro cao, chỉ cần 3 - 5 ngày đầu mà kém khách là bị cắt suất chiếu ngay, thậm chí yếu quá còn bị đẩy ra luôn! Thêm nữa là các phim của nước ngoài cũng đổ bộ vào dịp này khiến đất sống càng thêm chật, nguy cơ thất bại càng lớn".

Đồng quan điểm với việc rủi ro phát hành phim dịp Tết, dưới góc độ người làm truyền thông, nhà thơ Nguyễn Phong Việt cho rằng: "Phim Tết vài năm gần đây đều cho chúng ta thấy phần thắng chỉ nghiêng về một hoặc cùng lắm là hai phim, còn lại đều chịu cảnh thất bại. Thử đặt một bài toán về tỷ lệ cạnh tranh, thì một phim thay vì chiếu vào các thời điểm khác trong năm sẽ giảm bớt cạnh tranh đi và khả năng thắng cũng cao hơn".

Các nhà sản xuất thông minh không còn cho mùa phim Tết là mùa phim hái ra tiền, dù các nhà phân phối theo nhiệm vụ của họ, vẫn chiếu phim dịp Tết phục vụ khán giả. Năm nay, CGV hay Galaxy đều nhập phim hài về chiếu dịp Tết, rõ ràng là một hướng đi hợp lý ngay thời điểm mà nhiều khán giả bị áp đặt tâm lý rằng phim Tết thường chỉ có hài nhảm, phi điện ảnh... "Thêm một lý do nữa khiến phim Tết ít nhiều bị giới nghệ sĩ ái ngại, do thời điểm cuối năm họ bận rộn, dự án chồng chất nên việc tham gia phim Tết có thể khiến tình trạng nhanh vội phát sinh, dẫn đến ảnh hưởng chất lượng, kiểu Tết phải ra phim cho bằng người ta...", nhà thơ Phong Việt phân tích.

Tất nhiên, 30 chưa phải là Tết. Có lẽ, phim Tết không dành cho kẻ mạnh, mà là mùa phim dành cho những ai may mắn!  

>Người nước ngoài chia sẻ Tết Việt Nam

>Phim Tết: Mua vui không nổi nửa tiếng cười

>Liên hoan Phim Việt: Khi nào mới hết cảnh "cả nhà cùng vui"?

>Sáu bộ phim Việt Nam đi giao lưu ngoại giao tại Mỹ

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phim Tết 2016: Cuộc chơi dành cho kẻ may mắn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO