“Phim lai” có còn đất sống?

HOÀNG YẾN| 16/04/2010 00:43

Có vẻ như sau khi bị khán giả và báo chí phản ứng vì có quá nhiều bộ phim “Việt hóa” lê thê và nhạt nhẽo, các nhà đài tỏ ra... cảnh giác khi quyết định sản xuất những bộ phim này.

“Phim lai” có còn đất sống?

Có vẻ như sau khi bị khán giả và báo chí phản ứng vì có quá nhiều bộ phim “Việt hóa” lê thê và nhạt nhẽo, các nhà đài tỏ ra... cảnh giác khi quyết định sản xuất những bộ phim này.

“Kể từ năm 2010, VTV không khuyến khích sản xuất và phát sóng những bộ phim làm từ kịch bản nước ngoài, chuyển sang ưu tiên cho những dự án phim thuần Việt”, ông Đỗ Văn Hồng, Trưởng ban Thư ký biên tập, Đài Truyền hình Việt Nam khẳng định.

Phim “Việt hóa” hay “phim lai” để chỉ những bộ phim sản xuất trong nước được mua bản quyền kịch bản của nước ngoài. Hai bộ phim lai dài hơi nhất mở đầu cho khung “giờ vàng” trên VTV3 là Cô gái xấu xí (178 tập) và Những người độc thân vui vẻ (171 tập) đều gây nên những luồng dư luận trái chiều. Nhìn chung, Cô gái xấu xí chiếm được cảm tình nhiều hơn của khán giả, dù Những người độc thân vui vẻ tung ra cả dàn diễn viên hài từng được yêu thích trong Gặp nhau cuối tuần.

Đạo diễn Cô gái xấu xí Nguyễn Minh Chung vui mừng mà nói rằng, không ít nhân vật trong phim đi vào lòng khán giả. Sau đó, cũng trên sóng VTV3, Cô nàng bất đắc dĩ (100 tập), Có lẽ nào ta yêu nhau (40 tập) và Ngôi nhà hạnh phúc (32 tập) lần lượt ra mắt đều không thành công như mong đợi, dù kịch bản có nhiều yếu tố khác lạ so với các phim trước.

Đây cũng là những bộ phim gặp phải nhiều phản ứng tiêu cực từ phía khán giả. Có ý kiến còn cho rằng phát sóng những bộ phim như vậy làm lãng phí “giờ vàng”... “Phim mua bản quyền từ kịch bản nước ngoài, dù Việt hóa đến mức nào thì vẫn còn phảng phất yếu tố ngoại và nhiều khi những dấu vết đó không phù hợp với khán giả Việt Nam”, ông Đỗ Văn Hồng thừa nhận.

Mua kịch bản nước ngoài để làm phim không còn là chuyện mới mẻ đối với điện ảnh hay truyền hình các nước. Bộ phim Ngôi nhà hạnh phúc của Hàn Quốc được “xuất khẩu” sang nhiều nước cũng mua bản quyền kịch bản của nước khác. Gần như cùng thời điểm ta phát sóng Cô gái xấu xí thì Trung Quốc có một phiên bản như vậy...

Những bộ phim có thể bán bản quyền ra nước ngoài thường có câu chuyện mang tính quốc tế cao, từ nhân vật cho tới bối cảnh, và đặc biệt, kèm theo đó là dự án khá hoàn chỉnh gồm nhiều yếu tố, trong đó có tính tới việc lồng ghép quảng cáo sao cho hiệu quả. Tuy nhiên, khi về ta, phim thành công hay không phụ thuộc rất nhiều vào nhóm “Việt hóa”, từ những người làm kịch bản đến đạo diễn và các nhà làm phim.

Cô gái xấu xí rất ít tình huống hài nhưng đạo diễn Minh Chung và nhóm phim này đã đem đến nhiều tiếng cười thú vị. Trong khi đó, Cô nàng bất đắc dĩ thì ngược lại. Các nhà biên kịch khi chuyển thể Cô gái xấu xí, dù là những người đầu tiên làm quen với công việc này, nhưng đã thật sự thổi vào các nhân vật cuộc sống và tâm hồn người Việt.

Từ thực tế “Việt hóa” không chỉ với các bộ phim trên VTV mà cả ở HTV và nhiều đài khác, có thể thấy những bộ phim theo thể loại Tiểu thuyết truyền hình (telenovela) dễ hút khán giả hơn Hài tình huống (sitcom), vì khi chuyển thể sang một ngôn ngữ khác, nhất là khi phim sản xuất ở những đất nước có sự khác biệt về văn hóa so với nước bán bản quyền kịch bản gốc, những tình huống hài đã rơi rụng đi ít nhiều. Đạo diễn Nguyễn Minh Chung cũng cho rằng Tiểu thuyết truyền hình phù hợp với khán giả, nhưng thể loại không quyết định sức hấp dẫn của bộ phim mà cái chính là câu chuyện phim, diễn xuất của diễn viên và cách làm phim.

Đứng ở góc độ làm nghề, những người đã có dịp “Việt hóa” kịch bản ngoại đều thừa nhận rằng, khi được tiếp cận với kịch bản chuyên nghiệp mà ở đó, sự tính toán, cân nhắc của các nhà biên kịch được thể hịên trong từng phân đoạn, tình huống, từng chi tiết, thậm chí từng câu thoại... thì đến lúc viết kịch bản khác, họ có ý thức sâu sắc hơn về những yếu tố nghề nghiệp này.

Cũng từ kịch bản của nước bạn để nhìn ra những “căn bệnh” khi biên tập kịch bản của các đồng nghiệp hay tự biên tập cho chính mình. Một trong những điểm yếu trong các kịch bản “nội” là tung ra nhiều tình huống và chi tiết nhưng không quản lý được và không tận dụng đến cùng nên câu chuyện diễn ra hời hợt và đôi khi cảm thấy kết cục vô lý. Còn cách khai thác tình huống trong kịch bản “ngoại” thường có gài cắm tình tiết logic, thể hiện cách làm phim chuyên nghiệp cao.

Mặc dù gặp nhiều phản ứng của khán giả và báo chí trong thời gian qua về sự xuất hiện ồ ạt của phim “lai” và ngay cả khi VTV phát tín hiệu “hạn chế”, nhưng dòng phim này vẫn còn nhiều đất sống. Tuần này, Trung tâm Sản xuất phim Truyền hình - Đài Truyền hình Việt Nam (VFC) bấm máy bộ phim Đại gia đình mua bản quyền của Hàn Quốc do đạo diễn Trọng Trinh đảm trách. Khá nhiều dự án “Việt hóa” đang trên trường quay hay sắp sửa lên sóng: Anh em nhà bác sĩ (30 tập), Cô nàng tóc rối (110 tập)...

“Cần tránh cả hai thái cực: những gì mua của nước ngoài đều hay và những gì của ta đều dở. Không nên có thái độ chạy theo dòng phim Hàn Quốc hay Trung Quốc, hoặc ngoảnh mặt không cần học tập phim ảnh của các nước này. Cần bình tĩnh nhìn nhận để tiếp thu trên cơ sở chọn lựa phù hợp. Không nên mua ào ạt mà nên chọn những kịch bản nếu trong nước viết không hay hơn và cần xét cả hiệu quả kinh tế nữa”, nhà văn Thùy Linh, Phó giám đốc VFC, người trong nhóm “Việt hóa” Cô gái xấu xí, cho biết.

“Chất lượng phim trong nước sản xuất chưa được như mong muốn. Với điều kiện hiện nay, điện ảnh chỉ sản xuất được khoảng 10 phim/năm, trong khi truyền hình cần đến 500 - 700 tập phim để đáp ứng nhu cầu khán giả. Đòi hỏi tất cả các khâu trong quy trình sản xuất cùng lúc phải chặt chẽ và chuyên nghiệp là điều khó. Hy vọng đến lúc công nghệ sản xuất và đội ngũ làm nghề của ta không thua kém nước ngoài thì có thể nâng cao được hơn nữa chất lượng cũng như số lượng phim truyền hình”, ông Đỗ Văn Hồng chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
“Phim lai” có còn đất sống?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO