Phim hài tình huống khởi sắc

NHƯ THỦY| 05/10/2016 06:21

Tuy không còn mới với khán giả, nhưng sau thời gian chỉ để "lấp sóng", phim hài tình huống (sitcom) lại có cơ hội khởi sắc.

Phim hài tình huống khởi sắc

Tuy không còn mới với khán giả nhưng sau thời gian chỉ để "lấp sóng", phim hài tình huống (sitcom) lại có cơ hội khởi sắc.

Đọc E-paper

Sitcom trở lại

Từ đầu tháng 10 này, phim sitcom Chuyện gì đang xảy ra? được phát sóng vào "giờ vàng" buổi trưa trên kênh HTV7. Điều đáng nói, đây là giờ chiếu phim vốn dành cho giới nhân viên văn phòng, chị em nội trợ giải trí trong lúc nghỉ trưa.

Và đây là phim sitcom đầu tiên của M&T Pictures nhiều năm qua đứng ở vị trí hàng đầu Việt Nam trong sản xuất phim truyền hình dài tập truyền thống, với số lượng lên tới 1.000 - 1.200 tập (khoảng 30 - 40 bộ phim) mỗi năm.

Trong bối cảnh phim truyền hình dài tập truyền thống ở thị trường phía Nam đang gặp khó khăn về doanh thu quảng cáo và rating (chỉ số người xem) sụt giảm mạnh, chọn sitcom là giải pháp mang đến món ăn tinh thần mới, nhẹ nhàng, hài hước để thu hút khán giả của M&T Pictures khi tiếp tục cung cấp phim "độc quyền" cho khung 12h30 - 13h của HTV7 và một số khung giờ khác.

Sau 56 tập (25 phút/tập) Chuyện gì đang xảy ra? phát sóng với tính chất thăm dò thị hiếu khán giả, M&T Pictures sẽ đẩy mạnh sản xuất những phim sitcom tiếp theo.

Ngoài M&T Pictures, Công ty Truyền thông Nét Việt đang quay sitcom đầu tiên Những bức tranh của bé Bơ (50 tập), Công ty Truyền thông Điền Quân chuẩn bị quay sitcom Gia đình là số 1 (Việt hóa từ phiên bản Hàn Quốc), Công ty Truyền thông Phụ nữ châu Á cũng rục rịch quay sitcom Ký túc xá...

Dòng phim sitcom xuất hiện ở Việt Nam từ năm 2004, với những phim như: Lẵng hoa tình yêu, Cô gái xấu xí, Dù gió có thổi, Nhật ký Vàng Anh, Bộ tứ 10A8, Những phóng viên vui nhộn, 5S online..., từng tạo được ấn tượng khá tốt với khán giả khi phát sóng ở khung "giờ vàng" trên các kênh lớn của HTV, VTV.

Sitcom ở Việt Nam được chia thành 2 nhóm đề tài chính và cũng khu biệt thành 2 nhóm đối tượng người xem là tuổi thiếu niên và gia đình. Nhóm phim dành cho tuổi thiếu niên chủ yếu dành đất diễn cho các nam thanh, nữ tú với những câu chuyện liên quan đến học hành, vui chơi, giải trí, thời trang, tình yêu... Còn nhóm phim dành cho gia đình thì tập trung Việt hóa kịch bản mua từ nước ngoài.

Dăm năm trước, gặp thời phim dài tập (45 phút/tập) truyền thống thịnh hành thì sitcom chỉ được xem là sản phẩm "lấp sóng", hay phát vào khung giờ ít người xem. Nhưng gần đây, sitcom đã dần khẳng định được vị thế với những phim dài hàng trăm tập được phát sóng trên các kênh lớn như VTV3, VTV9, HTV7, SCTV, YanTV, Today TV.

Không chỉ ưu ái các nam thanh, nữ tú như trước, sitcom đã huy động được hầu hết diễn viên "gạo cội" như: NSƯT Việt Anh, NSƯT Kim Xuân, Hoàng Trinh, Công Ninh, Kiều Mai Lý, Phi Phụng, Mạc Can, Hữu Châu, Thanh Thủy... đến các diễn viên trẻ đang được yêu thích của phim truyền hình truyền thống như: Ngọc Lan, Lan Phương, Bình Minh, Hứa Vĩ Văn, Tường Vi, Huy Khánh, Cao Thái Hà... và các diễn viên hài, các ca sĩ, người mẫu... như: Đại Nghĩa, Khả Như, Diệu Nhi, La Thành, Hồ Vĩnh Khoa, Băng Di, Ngô Kiến Huy...

Để linh hoạt hơn trong đáp ứng nhu cầu giải trí của khán giả, ngoài những phim dài hàng trăm tập, sitcom có những phim chỉ dài 20 - 30 tập, đồng thời đề tài mở rộng hơn, không chỉ xoay quanh những câu chuyện trong gia đình, công sở, trường học, tình yêu, hôn nhân mà còn cả thời sự xã hội, dân sinh...

Thị trường còn màu mỡ

Ngoài sóng trên các kênh truyền hình đã mở rộng hơn với sitcom, dòng phim này còn có thuận lợi trong xu thế phát triển của truyền hình trên internet. Theo dự báo, nhu cầu về nội dung riêng cho truyền hình internet là rất lớn trong tương lai. Và đây sẽ là thị trường "màu mỡ" cho dòng sitcom nếu có được kịch bản và chất lượng phim tốt, bởi độ dài từ 8 - 25 phút của mỗi tập sitcom rất phù hợp với việc phát sóng trên truyền hình internert.

Từ 2 năm nay, nhiều phim sitcom như 5S online, Kim chi cà pháo, Tiệm bánh Hoàng tử bé, Những phóng viên vui nhộn, Cửa sổ thủy tinh, Bộ tứ 10A8... sau khi phát sóng trên kênh truyền hình truyền thống lại được đưa tiếp lên kênh YouTube cho khán giả xem lại sản phẩm mình yêu thích và có độ tương tác với khán giả nhiều hơn.

Bên cạnh sitcom cho truyền hình truyền thống, nhiều nhà sản xuất (tập trung ở nhóm làm phim trẻ, đạo diễn đơn lẻ) chọn hình thức làm phim sitcom để phát hành trực tuyến hoàn toàn, như loạt phim Tỉnh giấc tôi thấy mình trong ai, hay sitcom Tầng 18+, Kem xôi TV...

Làm sao để sitcom thực sự khởi sắc? Đạo diễn Chu Thiện của phim Chuyện gì đang xảy ra? chia sẻ: "Làm phim sitcom bây giờ không thể tiết kiệm được, chi phí cho một tập sitcom 25 phút còn tốn kém hơn một tập phim truyền thống 45 phút bởi phải đầu tư cho bối cảnh hết sức chỉn chu; kịch bản và lời thoại phải biên tập rất kỹ để sao cho "có bột mới gột nên hồ” và thu hút khán giả xem xong một tập phải đón xem tập tiếp theo; diễn viên phải tập trung cao độ cho diễn xuất vì thu tiếng trực tiếp tại hiện trường quay, "quăng bắt" sáng tạo nhưng phải có sự tiết chế để tự tình huống làm bật lên tiếng cười chứ không được biến mỗi tập sitcom thành một tiểu phẩm tấu hài. Phải như thế sitcom mới có màu sắc mới mẻ, hấp dẫn hơn trước kia".

Trong xu hướng các chương trình giải trí (game show, truyền hình thực tế) có "chất" hài hước đang được ưa chuộng, có rating và doanh thu quảng cáo cao, thì sitcom với đặc trưng là hài kịch tình huống nếu được đầu tư tốt chắc chắn sẽ được đông đảo khán giả ủng hộ.

>YAN ra mắt sitcom "Chiến dịch chống ế”

>Làm phim hài: Đất cho sáng tạo trẻ

>Cười xuyên Việt: Bệ phóng cho những "cây hài" sắp nổi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phim hài tình huống khởi sắc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO