Phép thử văn hóa Tây Nguyên

KHẢI LY| 30/08/2012 03:55

Diễn ra từ ngày 28/8 - 2/9 tại Hà Nội, Những ngày văn hóa Tây Nguyên xem ra rất hấp dẫn với các loại hình hội chợ, biểu diễn nghệ thuật, dàn dựng không gian văn hóa cồng chiêng để người dân và du khách chiêm ngưỡng những giá trị đặc sắc từng được UNESCO công nhận và ra khuyến nghị bảo vệ khẩn cấp.

Phép thử văn hóa Tây Nguyên

Diễn ra từ ngày 28/8 - 2/9 tại Hà Nội, Những ngày văn hóa Tây Nguyên xem ra rất hấp dẫn với các loại hình hội chợ, biểu diễn nghệ thuật, dàn dựng không gian văn hóa cồng chiêng để người dân và du khách chiêm ngưỡng những giá trị đặc sắc từng được UNESCO công nhận và ra khuyến nghị bảo vệ khẩn cấp.

E-Paper

Một trong những hoạt động vui chơi tại lễ hội

Với chương trình mang tên Những ngày văn hóa Tây Nguyên, mới đây, trong chương trình họp báo, những người tổ chức cho biết đây là dịp thử thách để biết văn hóa Tây Nguyên có còn sức hấp dẫn, và cách khai thác văn hóa đặc sắc này ra sao trong đời sống hiện đại, trong phát triển kinh tế xã hội của vùng đất này.

Đem Tây Nguyên đến thủ đô

Đó là thử thách khi đem cả một không gian văn hóa cồng chiêng đi “rung chuông” nơi có nghìn năm văn hóa thủ đô. Những nhà rông Bana, váy áo Churu hay tiếng cồng chiêng tuyệt vời của phụ nữ tộc Bih và các dân tộc khác nhau sẽ được tái hiện ở một không gian khác
không có đại ngàn Tây Nguyên.

Văn hóa Tây Nguyên sẽ được cảm nhận thế nào khi diễn ra với loại hình sân khấu hóa và rời bỏ cái nơi mà UNESCO chỉ rõ chỉ có không gian ấy chính là đời sống của các dân tộc với rừng, với nương rẫy, với nguồn nước linh thiêng, làng cổ và lễ hội tâm linh được bao bọc không gian đa thần giáo.

Khó có đủ chiều sâu văn hóa để tái hiện không gian văn hóa của cồng chiêng Tây Nguyên, để cho văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được tái hiện đúng với bản chất thì việc giao lưu văn hóa với thủ đô cũng nên xem xét ở mức độ giới thiệu nguyên bản, đừng cầu thị trở thành bàn đạp bắt buộc Tây Nguyên nhận gánh nặng làm du lịch văn hóa bằng việc vắt cạn các sản phẩm có sẵn như vẫn thấy trước nay.

Ngày 25/11/2005, văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên của Việt Nam đã được UNESCO chính thức công nhận là kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại. Không gian văn hóa này trải rộng trong phạm vi các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Chủ nhân của loại hình văn hóa đặc sắc này là cư dân các dân tộc Tây Nguyên như: Bana, Xêđăng, Mnông, Cơho, Rơmăm, Êđê, Giarai...

Gần 7 năm đã trôi qua kể từ festival đầu tiên vinh danh không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, đến nay các festival vẫn tiếp tục diễn ra để ca ngợi, truyền bá vẻ đẹp của thứ âm nhạc tâm linh huyền bí ấy, vừa để kiểm điểm với chính mình, không gian văn hóa đặc biệt này sẽ tồn tại phát triển ra sao?

Bảy năm trước, GS. Trần Văn Khê đã nói, các nhà nghiên cứu văn hóa phải góp ngay một tay vào bảo vệ di sản đúng với giá trị giúp Tây Nguyên phát triển, đừng biến nó thành món hàng hóa đơn thuần. Sự cảnh báo của giáo sư đã trở thành sự thật khi Tây Nguyên như bừng tỉnh trong cơn lốc kinh doanh du lịch văn hóa.

Thực tế xót xa

Các thầy cúng (Riu Yang) khấn để mong thần Ia Pôm mang lại sự ấm no cho dân làng, không để cho con chồn, con cheo phá hoại mùa màng

Tham chiếu nhu cầu bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng với những sản phẩm văn hóa bị biến tướng để đưa ra phục vụ du khách, sẽ thấy hiện diện điều hết sức nguy hiểm.

Một lớp trẻ các tộc người Tây Nguyên bị lẫn lộn giữa các giá trị thật giả và không giữ được truyền thống, không hiểu được cần bảo vệ toàn bộ không gian văn hóa chứ không chỉ là ồ ạt học đánh cồng đánh chiêng, nhảy múa.

Không gian văn hóa nhà mồ rất đặc sắc là nơi diễn ra lễ hội quan trọng kết hợp giữa các tập tục lễ giáo với kiến trúc, điêu khắc, âm nhạc và vũ đạo nay đang bị bỏ rơi. Muốn thưởng thức nghệ thuật điêu khắc tượng nhà mồ, hãy ghé quán cà phê ngồi ngắm, hoặc vào cửa hàng bán đồ lưu niệm!

Đi đến các bản làng Tây Nguyên, đếm những ngôi làng cổ sâu trong rừng với những lối kiến trúc độc đáo của người bản địa đang bị bỏ hoang ngày càng nhiều mà xót xa tiếc nuối.

Người dân chuyển sang các ngôi làng tái định cư gần đường giao thông. Đó là nhu cầu của cuộc sống, nhưng ra đi đến với cái mới không quen thuộc, bỏ lại sau lưng và để mất mát các giá trị truyền thống thì du lịch văn hóa ở Tây Nguyên khó có cơ hội phát triển thành sản phẩm bền vững.

Đến nay thì những tour du lịch văn hóa Tây Nguyên đã đưa ra khỏi danh mục những thứ du khách không “nuốt được” như lễ hội đâm trâu, và rồi đây du khách cũng sẽ đủ trình độ phân biệt được thật giả để yêu cầu các nhà hoạt động văn hóa không nên đưa bừa bãi những điệu cồng chiêng linh thiêng, một cuộc chuyện trò đặc sắc bằng âm nhạc của văn hóa tôn giáo, ra phục vụ tràn lan du khách.

Hãy tưởng tượng sự giao lưu văn hóa làm những điệu múa cồng chiêng cổ truyền mang tính linh thiêng lai căng với những kiểu cách lắc lư pop-rock mà đôi lúc đã thấy xuất hiện ở những đội văn nghệ phục vụ du lịch tại Gia Lai sẽ đem lại sự tiếc nuối thế nào cho du khách trước một nền văn hóa đặc sắc như “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”.

Những sản phẩm văn hóa hời hợt phục vụ du khách bốn phương không thể đại diện cho không gian văn hóa cồng chiêng với các giá trị đúng như UNESCO công nhận và yêu cầu phải bảo tồn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phép thử văn hóa Tây Nguyên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO