PETA: Nghệ thuật vị cuộc sống

HOÀNG YẾN| 05/12/2009 08:18

Từ năm 2005, Hiệp hội Sân khấu Giáo dục Philippines đã tổ chức nhiều kỳ liên hoan nghệ thuật, hình thành các tác phẩm ở nhiều thể loại có nội dung về giới, tình dục và HIV/AIDS.

PETA: Nghệ thuật vị cuộc sống

Từ năm 2005, Hiệp hội Sân khấu Giáo dục Philippines (The Philippine Educational Theater Association - PETA) đã tổ chức nhiều kỳ liên hoan (LH) nghệ thuật, hình thành các tác phẩm ở nhiều thể loại có nội dung về giới, tình dục và HIV/AIDS. LH này cho những góc nhìn mới mẻ về “nghệ thuật phục vụ cuộc sống”, chuyển tải những thông điệp đối với những vấn đề nóng bỏng của xã hội...

Dấu ấn Stereo Man

Từ 23 - 27/11, LH Nghệ thuật và Truyền thông Mekong 2009 tại Phnom Penh, Campuchia được coi là cuộc tổng kết và “báo công” của nghệ sĩ và các đoàn nghệ thuật đến từ các nước. Từ nhiều năm nay, VN tham gia khá tích cực các chương trình của PETA, gồm các LH và tập huấn. Năm 2005, vở kịch Chuyện tình AIDS của nhóm kịch trẻ của Trường Cao đẳng Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM dự “Liên hoan Thể nghiệm nghệ thuật biểu diễn Mekong 2005” cùng chương trình của các nước Lào, Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc và nước đăng cai là Philippines.

Từ đó đến nay, VN có rất nhiều đoàn tham gia LH này với nhiều tác phẩm dự thi ở mọi thể loại. Gần đây nhất, năm 2008, VN cũng có đại diện đến từ Nhà hát Nhạc vũ kịch VN. Tuy nhiên, Stereo Man vẫn là tiết mục gây được chú ý hơn cả. Vở diễn 40 phút phát triển từ tiểu phẩm năm 2005 này đã biểu diễn gần 40 suất tại các trường đại học và cao đẳng trong cả nước, tiếp tục đến với các trường ở phía Nam với 10 suất diễn nữa sau khi các Stereo Man trở về từ Camphuchia.

Đến đâu vở cũng đều gây được ấn tượng với khán giả. Sau mỗi buổi diễn còn có các buổi giao lưu giữa nghệ sĩ và người xem để trao đổi các vấn đề vở diễn đặt ra. Ngoài ra, một số chương trình còn mời các chuyên gia tâm lý, các nhà nghiên cứu về giới và các vấn đề xã hội cùng chia sẻ, thảo luận. Có thể nói, vở diễn này “gánh” được “thiên chức” của một tác phẩm nghệ thuật chuyển tải các thông điệp xã hội sâu sắc. Không còn nỗi lo sau LH, các tác phẩm sẽ “đi đâu, về đâu” khi các nghệ sĩ mỗi người một ngả.

Vở diễn “làm chùn tay kẻ chích thuốc”

Tổ chức PETA đặt ra mục tiêu tổ chức các hoạt động nghệ thuật để nó đóng vai trò như chất xúc tác làm thay đổi cách nhìn tích cực hơn trong xã hội, và sân khấu là một hình thức tác động trực quan mạnh mẽ để bày tỏ thái độ đối với những cảnh báo đang đặt ra đối với xã hội. Tuy nhiên, không riêng sân khấu, những tác phẩm nghệ thuật gắn với các đề tài về giới, tình dục và HIV/AIDS dễ gây cảm giác nặng tính tuyên truyền và nhạt nhẽo. Không ít người định kiến với các vở diễn như vậy, thậm chí cho rằng đó không phải nghệ thuật mà chỉ là một hình thức thông tin cổ động thuần túy.

Đưa các vở diễn này đến với những đối tượng có HIV lại càng là một thách thức không nhỏ, vì nhu cầu tiếp nhận những hình thức giáo dục, tuyên truyền của họ hầu như là số 0. Điều này đòi hỏi sự sáng tạo tinh tế cũng như những am hiểu sâu sắc từ các nghệ sĩ, từ khâu viết kịch bản, đạo diễn cho đến diễn xuất. Vì vậy, ngoài các nghệ sĩ giảng viên sân khấu chuyên nghiệp của PETA, các chuyên gia trong lĩnh vực sức khỏe sinh sản hay y tế cộng đồng cũng được mời cùng tham dự một số kỳ LH.

“Làm sao để những người chẳng may gặp bất bình thường trong cuộc sống khi đến với các vở diễn này, họ cảm thấy có người nói hộ lòng mình những điều mà lâu nay người khác không hiểu họ hoặc hiểu chưa đúng về họ... Muốn vậy, nghệ sĩ phải đặt mình vào vị trí của người trong cuộc để truyền được động lực thực sự đến người xem. Có thể ảo tưởng khi nghĩ một vở diễn làm chùn tay một kẻ chích thuốc hay sắp hít thứ bột màu trắng chết người, nhưng còn hơn là ra rả tuyên tuyền về tác hại, về ảnh hưởng của ma túy nhưng người trong cuộc không muốn nghe nữa”, chị Nguyễn Thị Minh Ngọc, một trong những người khởi xướng các LH của PETA, tâm sự.

Khoảng cách còn lại

Không ít nghệ sĩ có tên tuổi e ngại tham gia các dự án sân khấu giáo dục. Có nhiều lý do nhưng có người xuất phát từ quan niệm, vở diễn tuyên truyền không phải là đất diễn của họ. Trong dịp PETA sang VN làm phóng sự tổng kết dự án, nghệ sĩ Hoàng Tùng trả lời phỏng vấn: “Sân khấu giáo dục nếu thu được sự hứng thú và quan tâm của các nghệ sĩ chuyên nghiệp thì sẽ hiệu quả hơn”.

Không chỉ ở VN mà ở các nước, vấn đề lôi kéo các nghệ sĩ chuyên nghiệp, với khả năng và tên tuổi, họ sẽ góp phần làm chương trình hấp dẫn hơn nhiều. Nếu các vở diễn tuyên truyền không nâng cao chất lượng để ngày một hấp dẫn hơn, chuyên nghiệp thì càng tạo khoảng cách với không chỉ với các nghệ sĩ chuyên nghiệp mà với cả khán giả... Giá như các dự án sân khấu giáo dục thu hút được “sao” thì chắc hẳn tác phẩm sẽ đến được với nhiều người hơn và có thể phát huy hiệu quả hơn.

“So với một số loại hình nghệ thuật khác, sân khấu đề cập đến vấn đề giới, HIV/AIDS, tình dục... rất khó. Nhưng nghệ thuật có thể chuyển tải nhiều hơn những gì chúng ta mong muốn”, bà Lea L.Espallardo, Chủ tịch Hội Sân khấu giáo dục Philippines - đồng chủ tịch LH năm nay, chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
PETA: Nghệ thuật vị cuộc sống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO