Nối dài tình yêu Sài Gòn từ sách

PHÚC THIỆN| 20/11/2016 06:51

Những năm qua đã hình thành hẳn một dòng sách của nhiều người viết về Sài Gòn. Và gần đây có khá nhiều sách của các tác giả là nhà văn, nhà báo, nhà khoa học viết về Sài Gòn.

Nối dài tình yêu Sài Gòn từ sách

Những năm qua đã hình thành hẳn một dòng sách của nhiều người viết về Sài Gòn. Và gần đây có khá nhiều sách của các tác giả là nhà văn, nhà báo, nhà khoa học viết về Sài Gòn, cung cấp nhiều tư liệu, những câu chuyện liên quan đến lịch sử, văn hóa, phong tục, bản sắc, con người của vùng đất phương Nam này.

Đọc E-paper

Đáng kể là tủ sách về Sài Gòn của Phương Nam Book với các tác phẩm: Sài Gòn xưa màu hoài niệm (họa sĩ Trọng Lee), Sài Gòn cà phê 47 và đủ chuyện quàng xiên, Sài Gòn - Chợ Lớn rong chơi (Hiền Hòa), Sài Gòn - Úm ba la (Trung Nghĩa), Vẩn vơ giữa phố (Minh Đức), Sài Gòn không phải ngày hôm qua (Phúc Tiến).

Nếu Sài Gòn xưa màu hoài niệm mang đến cho độc giả những bức họa về Sài Gòn rất đẹp, thì Sài Gòn - Úm ba la là những góc nhìn về showbiz của tác giả là một nhà báo có nhiều năm theo dõi lĩnh vực này. Sài Gòn cà phê 47 và đủ chuyện quàng xiên, Sài Gòn - Chợ Lớn rong chơi là những lát cắt, sự suy ngẫm về cuộc sống.

Trong khi đó, đọc Sài Gòn không phải ngày hôm qua, độc giả có cơ hội tiếp cận những tư liệu quý hiếm: tấm bản đồ cổ 1834 của Anh ghi địa danh Sài Gòn và cảng Sài Gòn, cuốn sách cũ A voyage to cochinchina in the years 1792 - 1793 của John Barrow in năm 1806, poster của Hãng Hàng không Air Vietnam đường bay Sài Gòn - Paris, chiếc bao thư Pháp kỷ niệm 20 năm đường bay Saigon - Paris (1930 - 1950)... và từ những tư liệu ấy mở ra một Sài Gòn hiện đại đầu thế kỷ XX.

Bên cạnh đó, sau 3 tập sách Sài Gòn - Chuyện đời của phố, nhà báo Phạm Công Luận vừa ra mắt tập thứ tư. Trong đó, anh len lỏi đến từng ngõ ngách, con hẻm, thăm từng ngôi nhà cổ, tìm những nhân chứng sống, rồi thu nhặt, chắt lọc những tư liệu quý giá, kể lại những câu chuyện mới mẻ, thú vị về Sài Gòn.

Đọc cuốn sách này, độc giả còn có thể thấy Sài Gòn của hơn 70 năm trước qua con mắt của người miền Trung với nhà cửa, phố sá đông nghẹt, có nhà cao ba tầng, có đường đi rộng ba thước, trên bộ xe hơi chạy, dưới nước tàu thủy lướt sóng... Rồi từng câu chuyện về quán cơm đầu tiên, phòng trà đầu tiên... như những mảnh ghép nhỏ làm nên bức tranh lớn về một thành phố hội nhập và đa dạng.

Ngoài Phạm Công Luận, một tác giả khác cũng có nhiều sách cung cấp thêm nhiều góc nhìn về một Sài Gòn xa xưa, đó là tiến sĩ khoa học Nguyễn Đức Hiệp với Sài Gòn - Chợ Lớn - Qua những tư liệu trước 1945, Sài Gòn - Chợ Lớn - Ký ức đô thị và con người, Sài Gòn - Chợ Lớn - Thể thao và báo chí trước 1945.

Hiện Nguyễn Đức Hiệp đang thực hiện một cuốn sách viết bằng 4 thứ tiếng Việt - Anh - Pháp - Hoa, liệt kê và chọn lọc hình ảnh, tư liệu về các tòa nhà và cảnh quan xưa có giá trị văn hóa, lịch sử để giới thiệu di sản văn hóa Sài Gòn - Chợ Lớn; và cuốn thứ 2 là về sân khấu nghệ thuật hát bội và cải lương ở Sài Gòn trước năm 1945.

Dường như Sài Gòn không đơn thuần chỉ là một địa danh mà còn chứa đựng biết bao ký ức và tình yêu thương của bao người. Mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm sẽ còn nhiều người đến với Sài Gòn, và cả những người phải chia xa.

Chắc chắn sẽ có thêm nhiều cuốn sách mới ra "lò" hay tái bản có cập nhật để nối dài thêm tình yêu Sài Gòn bởi cả những người đến và đi ấy.

>Đa sắc tản văn về Sài Gòn

>Những góc nhìn chân thực về Sài Gòn xưa và nay

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nối dài tình yêu Sài Gòn từ sách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO