Những "chiến binh" da màu của nghệ thuật thế giới

TUYÊN ĐỖ| 23/06/2015 01:22

Trong khi các diễn viên, người mẫu tóc vàng, da trắng luôn được ngành điện ảnh, thời trang ưu ái, thì những người mẫu da màu lại bị lép vế. Sau cuộc ký kết mới nhất giữa ca sĩ da màu Rihanna với Dior, vấn đề sắc tộc lại được xới lên.

Những

Trong khi các diễn viên, người mẫu tóc vàng, da trắng luôn được ngành điện ảnh, thời trang ưu ái, thì những người mẫu da màu lại bị lép vế. Sau cuộc ký kết mới nhất giữa ca sĩ da màu Rihanna với Dior, vấn đề sắc tộc lại được xới lên.

Đọc E-paper

Tiền lệ để phá vỡ rào cản

Cuộc "đảo chính" của người da đen năm 1965 tại Mỹ chắc chắn ảnh hưởng không nhỏ đến đại đa số những người da màu đang phải chật vật đấu tranh với nạn phân biệt chủng tộc ở khắp nơi. Chính trị là một chuyện, giới văn nghệ sĩ lại là chuyện khác, cũng đầy bi kịch và những cuộc tráo đổi không ngừng.

Năm 1974, Vogue, tạp chí tiên phong về thời trang, đã làm một "cuộc cách mạng" khi đưa người mẫu da đen Beverly Johnson lên bìa, từ đó mở ra các giai đoạn mới trong giới giải trí vốn chỉ dành cho người da trắng.

Như Grace Jones tạo dựng thành công hình tượng nghệ sĩ toàn năng khi vừa catwalk, vừa diễn xuất, vừa ca hát, cô cũng chính là nguồn cảm hứng cho những nghệ sĩ cách tân sau này như Rihanna hay Lady GaGa...

Nhưng thành công nhất và vẫn còn miệt mài hoạt động đến tận hôm nay phải kể đến Naomi Campell và Tyra Banks vì lối sống "thật" của họ, từ sàn diễn, chương trình truyền hình thực tế đến cả chuyện riêng tư. Cả hai đều là biểu tượng của sắc đen kiên cường cho đến khi xuất hiện Joan Smalls như một niềm hy vọng mới.

Chiến binh da đen

Ít ai biết, nhà thiết kế người Pháp Yves Saint Laurent mới thật sự là người tiên phong khi chọn người mẫu da đen cho các chiến dịch quảng cáo của ông. Năm 1962 ông đã giới thiệu đến giới mộ điệu cái tên Fidelia trong buổi diễn "haute couture" giới thiệu các bộ sưu tập thời trang gợi hứng từ nền văn hóa châu Phi...

Hay như Joan Smalls, một trong 10 người mẫu có thù lao cao nhất thế giới hiện nay, cũng may mắn ký được hợp đồng với Gucci, Chanel trong suốt quá trình hợp tác với các hãng thời trang bình dân. Nhưng thành công lớn là ở các hợp đồng mà những nhãn hàng cao cấp ký kết với các nghệ sĩ giải trí nổi tiếng.

Chẳng hạn như Dior, nhắm vào giới thượng lưu và văn nghệ sĩ, họ thường xuyên chọn các diễn viên Marion Cotillard, Natalie Portman, Jennifer Lawrence, Charlize Theron (gốc Nam Phi), hầu hết là da trắng. Đầu tháng 6, họ bất ngờ ký hợp đồng với ca sĩ nổi tiếng Rihanna và bắt đầu cuộc phiêu lưu mới với 80 triệu khán giả theo dõi cô ca sĩ bốc lửa này mỗi ngày trên mạng xã hội.

Trước đó, người mẫu da màu không có quá khứ hào nhoáng với Dior cho lắm, chẳng hạn Naomi Campbell cũng chỉ từng biểu diễn trong các bộ sưu tập thời trang cao cấp chứ chưa làm người đại diện hình ảnh. Đến năm 2013, Joudan Dunn được tuyển chọn diễn cho Tuần lễ Thời trang Paris, nhưng sau đó cô lại bị đuổi việc, dẫn tới nhiều cuộc bàn luận sôi nổi trên các mạng xã hội cũng như các diễn đàn trực tuyến.

Hầu hết đánh giá Raf Simons, Giám đốc Nghệ thuật của Dior, không chuộng các cô người mẫu da đen. Tương tự, thương hiệu hàng đầu thế giới Louis Vuitton cũng tỏ ra chẳng mấy mặn mà với người mẫu da màu, điển hình họ chỉ mới chọn Naomi Campbell hay Nyasha Matonhodze chụp quảng cáo. Năm ngoái, chủ một cửa hàng Louis Vuitton còn làm dậy sóng vì chửi bới nhân viên da màu một cách thậm tệ.

Nhìn chung, cho đến thời điểm này, chỉ một vài nghệ sĩ da màu hoặc da đen nổi danh ở các lĩnh vực giải trí mới có cơ hội làm việc với các hãng thời trang hàng đầu. Đôi khi chẳng phải vì quan niệm cái đẹp dần thay đổi, mà chỉ vì họ muốn mượn sự nổi tiếng của các nghệ sĩ để quảng bá cho thương hiệu.

Chanel mời nam ca nhạc sĩ Pharell Williams về đóng phim ca chụp ảnh cho chiến dịch quảng cáo mới của họ. Các thương hiệu mỹ phẩm thì chọn Halle Berry, Beyonce vì họ không chỉ có cơ thể đẹp mà còn có sự ảnh hưởng từ nghề nghiệp.

Sự lạm dụng sắc tộc bị đẩy lên cao trào khi các thương hiệu thời trang hàng đầu biến diễn viên da đen xinh đẹp Lupita Nyongo (người Kenya) trở thành "bình hoa di động" trên thảm đỏ với váy áo lộng lẫy trình diễn như người mẫu.

Sự thể chỉ xảy ra khi Lupita mặc chiếc đầm xanh da trời của Prada, ôm tượng vàng Oscar và diễn thuyết một bài khá dài, khá văn học về màu da của mình, cách nay hai năm, ngay lập tức, các tín đồ thời trang (đa số da trắng) nhảy dựng lên cho rằng cô diễn viên trẻ đang diễn xuất quá mức nhằm đánh bóng không chỉ cho bản thân mà còn cho những thương hiệu cao cấp đang cạn kiệt ý tưởng quảng bá.

Suốt một năm sau đó, gu thời trang của Lupita Nyongo được săm soi từng chút một, thậm chí họ chỉ quan tâm tới chuyện Lupita mặc gì mà chẳng cần biết tương lai nghiệp diễn của Lupita khá mờ mịt vì bị các đạo diễn chê là "quá thương mại". Rõ ràng, Lupita là cái tên nhạy cảm với công chúng, chẳng hạn như đầu năm, chuyện cô bị mất áo đầm đính 6.000 viên ngọc trai của Calvin Klein trong phòng khách sạn sau lễ trao giải Oscar cũng làm giới thời trang chao đảo.

Càng sóng gió hơn khi ít lâu sau, tên trộm trả lại chiếc áo với câu nói gây sốc: "Ngọc trai giả, và chiếc váy không đáng giá 150.000USD". Chưa biết hắn có tráo đổi hay không, nhưng càng như thế, cả Lupita Nyongo và Calvin Klein lại được thể xuất hiện ào ạt trên mặt báo. Các thương hiệu từ Ralph Lauren, Chanel, Gucci... đều tìm đến Lupita như một hấp lực của truyền thông.

Nhìn chung, sau 40 năm, người mẫu da màu hay tạm gọi là các nghệ sĩ da màu đã tìm được chỗ đứng riêng trong làng thời trang, bất kể họ chấp nhận đánh đổi sự nghiệp hay cá tính nghệ sĩ chỉ để phục vụ mục đích của bản thân: nổi tiếng, giàu có và phục vụ cho các chiêu trò tiếp thị hình ảnh của các "ông lớn" trong ngành thời trang toàn cầu.

>Hội nghị Durban II chống phân biệt chủng tộc: Lịch sử bước lùi

>Bóng ma phân biệt chủng tộc

>Phân biệt chủng tộc và thiếu fairplay

>Tôn vinh sự cống hiến của các tài năng da màu

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Những "chiến binh" da màu của nghệ thuật thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO