Nhóm nhạc trẻ sớm nở tối tàn

ĐINH NGUYỄN| 03/11/2016 06:24

Có nhiều nhóm nhạc đầu tư tiền tỷ cho việc đào tạo và có kế hoạch ra mắt bài bản nhưng sự bền chặt của các nhóm nhạc khá mong manh.

Nhóm nhạc trẻ sớm nở tối tàn

Có nhiều nhóm nhạc đầu tư tiền tỷ cho việc đào tạo và có kế hoạch ra mắt bài bản nhưng kể từ sau khi nhóm 365 tan rã có thể thấy sự bền chặt của các nhóm nhạc khá mong manh.

Đọc E-paper

Sau live show đầu tiên có tên "The Impact - Những ngôi sao" mới tổ chức vào cuối tháng 7 vừa qua, nhóm nhạc 365 chính thức "đường ai nấy đi", để lại nhiều tiếc nuối trong giới trẻ yêu nhạc. Được thành lập cuối năm 2010, đây là nhóm nhạc đầu tiên ở Việt Nam học hỏi theo mô hình nhóm nhạc thần tượng của ngành công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc, Nhật Bản vốn có ảnh hưởng lớn tới thị hiếu của giới trẻ Việt trong khoảng 5, 7 năm trở lại đây.

Những năm sau đó, một loạt nhóm nhạc như Monstar, Lime, Lip B, S-Girls, St.319, Uni5... lần lượt ra đời với sự đầu tư và quản lý của những công ty giải trí tên tuổi và ekip chuyên nghiệp.

Được quảng bá là đa tài qua việc sáng tác, hát, nhảy, diễn xuất, âm nhạc của các nhóm kể trên khá đa dạng về thể loại: pop, R&B, EDM (nhạc điện tử) và được đầu tư kỹ lưỡng cho phần hình ảnh, vũ đạo, phong cách và giao tiếp. Có nhóm nhạc còn được công ty quản lý gửi sang Hàn Quốc để đào tạo cho đúng chuẩn.

Tuy được đầu tư "ra trò" nhưng sự ra mắt của những nhóm nhạc này luôn gây ra nhiều tranh luận về phong cách âm nhạc, khi họ chủ yếu là bắt chước, không có được phong cách riêng, ca khúc biểu diễn tuy sôi động song lại chen nhiều ca từ nước ngoài.

Ở cuối thập niên 1990, đầu thập niên 2000, mô hình nhóm nhạc từng khá thành công ở Việt Nam với những cái tên như 1088, Sài Gòn Boy, Quả dưa hấu, AC&M, 5 Dòng Kẻ, Mây Trắng, H.A.T... Vào thời điểm đó, nhạc trẻ Hàn Quốc chưa ảnh hưởng mạnh đến giới trẻ.

Các nhóm nhạc trên sở hữu phong cách và dòng nhạc riêng, nhưng rồi sau vài ba năm cũng dần tan rã khi các thành viên tách ra riêng, hoặc phải thay đổi thành viên so với đội hình ban đầu.

Nhóm 365

Có thể thấy, việc duy trì sự gắn kết giữa các thành viên của nhóm nhạc vốn không dễ dàng, bởi ở bất kỳ nhóm nhạc nào cũng có sự chênh lệch tài năng và độ nổi tiếng giữa các thành viên. Chính điều này đã ngăn cản sự phát triển lâu dài của nhóm nhạc.

Ví như nhóm 365 thường được nhận xét là nhóm "Issac và những người bạn", hay trong nhóm Monstar thì thành viên Erik nổi tiếng hơn cả với ca khúc Sau tất cả tạo hiệu ứng mạnh trên các trang mạng xã hội.

Một thực tế nữa là thị trường nhạc Việt luôn có sự cạnh tranh khốc liệt, những ca sĩ hát đơn chưa mấy tên tuổi còn phải chật vật kiếm sô, thì nhóm nhạc "khó sống" là điều đương nhiên. Do mức cát xê cho nhóm nhạc bao giờ cũng cao hơn, nên bầu sô thường thích chọn ca sĩ hát đơn.

Dù biết trước là khó tồn tại đường dài nhưng các công ty quản lý vẫn đầu tư để lập nhóm nhạc, lý do, theo như chia sẻ của đại diện 6th Sense Entertainment - công ty quản lý của Lip B, là "muốn thử sức ở lĩnh vực đào tạo ca sĩ”.

Thực chất, với nhiều công ty giải trí thì đây là một cách kinh doanh ngắn hạn, vừa có lãi vừa có tiếng, trước nhu cầu trở thành ca sĩ đang rất cao trong giới trẻ hiện nay. Còn về phía những thành viên nhóm nhạc, dẫu biết sớm có ngày chia tay nhưng tham gia nhóm nhạc là bước đệm cho hoạt động cá nhân.

Hầu hết thành viên của các nhóm nhạc hiện nay đều bước ra từ các chương trình truyền hình thực tế, như Nhân tố bí ẩn, Tiếng hát truyền hình, Thần tượng âm nhạc, Học viện Ngôi sao... và những cuộc tuyển chọn nhân tố mới của các công ty giải trí.

Muốn đi tiếp con đường ca hát, việc "đơn thân độc mã” thuở ban đầu không dễ dàng, khi chút hào quang có được từ các cuộc thi vốn lụi tàn rất nhanh, được tham gia một nhóm nhạc dưới sự đầu tư và quản lý của một công ty chuyên nghiệp là cơ hội tốt với họ.

Nhóm S-Girls

Các nhóm nhạc Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản luôn hoạt động theo tiêu chí "chung và riêng". Nghĩa là các ca sĩ được xác định vị trí riêng trong nhóm nhạc theo thế mạnh và còn được đào tạo theo xu hướng đa năng, không chỉ ca hát mà còn đóng phim chẳng hạn.

Các nhóm nhạc ở Việt Nam cũng không ngoại lệ. Ngay từ thời còn gắn kết, mỗi thành viên của nhóm 365 ngoài hoạt động chung là ca hát, họ còn có thể độc lập phát huy thế mạnh riêng. Chẳng hạn, Issac đóng phim, làm giám khảo chương trình truyền hình thực tế, VJ (người giới thiệu các clip video nhạc trên kênh truyền hình âm nhạc) cho chương trình giải trí, Jun thì phát huy thêm sở trường biên kịch, từng tham gia viết kịch bản phim Ngày nảy ngày nay, Tấm Cám: Chuyện chưa kể, hay đóng phim 12 chòm sao - Vẽ đường cho yêu chạy, Cô Thắm về làng, S.T mở lớp dạy nhảy và trực tiếp đứng lớp đào tạo những người tài năng có cùng sở thích nhảy múa, Will trở thành VJ được giới trẻ yêu thích trong một số chương trình, diễn xuất trong một số game show, phim như Bếp hát, Chàng trai năm ấy, Tấm Cám: Chuyện chưa kể...

Tuy nhiên, không phải thành viên của nhóm nhạc nào khi tách ra hát riêng cũng có thể giữ hay phát huy tiếng tăm đã gầy dựng được, có người tiếp tục đi đường dài với ca hát, nhưng cũng có người sau thời gian loay hoay thì chuyển hướng sang đóng phim, thậm chí kinh doanh, xem ca hát chỉ là nghề tay trái.

Dẫu sao, sự ra đời của các nhóm nhạc cũng đã và đang tạo được sự sôi động, nhiều màu sắc cho thị trường nhạc trẻ Việt.

>Đời sống nhạc trẻ: thuận theo thời

>Nhạc Việt với vấn nạn đạo nhạc

>Quán quân truyền hình thực tế cứ mãi loay hoay

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhóm nhạc trẻ sớm nở tối tàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO