Nhà văn biết bán sách, đạo diễn chưa biết bán phim

THIÊN THANH| 10/10/2014 07:14

Coi sách là một sản phẩm được bán trên thị trường, người viết sách từ lâu đã học hỏi từ các công ty phát hành sách năng động những chiêu quảng bá cho tác phẩm của mình. Nhưng ở lĩnh vực điện ảnh thì lại khác...

Nhà văn biết bán sách, đạo diễn chưa biết bán phim

Coi sách là một sản phẩm được bán trên thị trường, người viết sách từ lâu đã học hỏi từ các công ty phát hành sách năng động những chiêu quảng bá cho tác phẩm của mình. Nhưng ở lĩnh vực điện ảnh thì lại khác...

Hamlet Trương ký tặng sách cho độc giả

Cách đây 3 năm, hình thức quảng bá sách thông thường là tổ chức giới thiệu sách trong giới báo chí, bạn bè làng văn, sinh viên. Nhưng hình thức ấy đã không còn nhàm chán như trước. Cứ xem lại các buổi giới thiệu sách dành cho giới trẻ, sẽ thấy khác. Tác giả Huyền Chíp với Xách balô lên và đi có hẳn công ty tổ chức sự kiện, người nổi tiếng đến hỗ trợ giới thiệu.

Rồi các nhà văn Phan Việt (Nước Mỹ, nước Mỹ; Ly hôn là một tài sản), Nguyễn Phương Mai (Tôi là một con lừa; Con đường Hồi giáo...), Nguyễn Hữu Hồng Minh (Ổ thiên đường; Người ăn bóng), Linh Lê (Không khóc ở Kuala Lumpur; Mùa mưa ở Singapore; Người tình Sài Gòn) và nhiều cây bút trẻ khác đều thích ra mắt sách bằng những cuộc gặp gỡ thân hữu và bạn đọc ở các thành phố lớn.

Ngay các nhà văn lớn tuổi như Nguyễn Xuân Khánh, nhà nghiên cứu mỹ thuật Phan Cẩm Thượng khi ra sách cũng đều tham gia nhiệt tình những buổi giới thiệu sách khắp cả nước.

Từ các sự kiện văn học đó, truyền thông sẽ giúp tác giả quảng bá sách. Các nhà văn còn có thế mạnh vừa bán sách, vừa ký làm kỷ niệm trên bìa sách, coi như là lời cảm ơn độc giả đã mua sách.

Trong 3 năm trở lại đây xuất hiện nhà văn rao sách trực tuyến, giới thiệu tác phẩm trên Facebook như nhà thơ người Chăm Inrasara. Nhà thơ kể: "Bỏ tiền ra in hai cuốn Thơ Việt, hành trình chuyển hướng say (NXB Thanh niên, 2014) và Nhập cuộc về hướng mở (NXB Văn học, 2014), tôi bố cáo trên Facebook rằng: Độc giả nào có nhu cầu, xin chuyển tiền vào tài khoản, sách sẽ được gửi đến tận địa chỉ yêu cầu. Và chỉ trong vòng 15 ngày, hơn 300 bộ sách đã được phát hành qua bưu điện. Số còn lại được ký gửi ở nhà sách theo cách thức cổ điển. Tân cổ giao duyên như vậy là một kinh nghiệm không phải không đáng truyền đạt".

Mới đây nhất, các cây bút còn có động thái ra sách và đi hội chợ sách để giao lưu và giới thiệu như Hamlet Trương và Iris Cao. Ngày ngày, hai cây bút này còn lên Facebook viết lách tâm sự, giao lưu để giữ "fan".

Bộ phim Sống cùng lịch sử ra rạp không bán được vé đang nóng lên trên các diễn đàn mấy tuần nay về thực trạng phim làm bằng ngân sách nhà nước. Đạo diễn cho rằng phim của mình luôn "nghiêm túc", một cụm từ rất mơ hồ nếu như hiểu đó là thương hiệu về chất lượng.

Nhưng vẫn còn một đánh giá khác từ phía người xem là phim quốc doanh khô cứng và không tiếp cận nổi ngôn ngữ của điện ảnh hiện đại. Nhưng đã là phim quốc doanh, từ kịch bản đến xét duyệt phim giống như người đẽo cày giữa đường, gọt cho vừa mắt tất cả ban bệ xét duyệt thì dĩ nhiên làm sao gọi là nghệ thuật.

Chỉ đáng giận là đến bây giờ, từ cơ quan quản lý điện ảnh đến những người trực tiếp làm phim coi chuyện tiêu những khoản tiền khổng lồ của ngân sách không liên quan đến trách nhiệm của họ khi bộ phim giao qua khâu phát hành đã thất bại.

Núp bóng tiêu chí tuyên truyền, không thấy trách nhiệm phải đổi mới chất lượng điện ảnh, làm nghệ thuật lại ăn lương ngân sách như công chức thì làm sao sáng tạo? Chưa kể muốn thay đổi thì phải chờ đội ngũ đó đủ tuổi về hưu mới thực hiện được.

Ai cũng hiểu chỉ vì lợi ích nhóm mà người ta cố tình duy trì lối làm ăn trái ngược với nhu cầu phát triển, kể cả trong văn hóa nghệ thuật.

Điện ảnh thị trường ở Việt Nam đã hình thành gần 25 năm, nhiều đơn vị tư nhân phải tự thân vượt qua khó khăn để tiếp cận công nghệ hiện đại, nâng chất lượng kỹ thuật, mạnh dạn dùng người đào tạo ở nước ngoài, sử dụng các phương tiện truyền thông để đưa điện ảnh đến người xem và còn phải chịu rủi ro rất cao khi phát hành phim.

Các đơn vị tư nhân làm phim này đang có một lượng khán giả trẻ rất lớn, chính vì vậy, khi nhớ lại những bộ phim núp bóng ý nghĩa tuyên truyền, là mang tính nghiêm túc nhưng chất lượng kém, phong cách cũ kỹ, không kéo được người xem đến rạp, có phim buộc sinh viên phải đi xem nếu không sẽ hạ hạnh kiểm, thấy thật tiếc cho sự lãng phí vô ích kia...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhà văn biết bán sách, đạo diễn chưa biết bán phim
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO