Một thế hệ nhà sưu tập mới đã xuất hiện

HỒNG BÍCH| 16/04/2014 09:07

Nhiều người giàu có đã trải qua giai đoạn treo bức "Khải hoàn môn", "Người đàn bà xa lạ”, tranh những con ngựa phong thủy với cái khung gắn đá quý...

Một thế hệ nhà sưu tập mới đã xuất hiện

Nhiều người giàu có đã trải qua giai đoạn treo bức "Khải hoàn môn", "Người đàn bà xa lạ”, tranh những con ngựa phong thủy với cái khung gắn đá quý, giờ đang bước vào giai đoạn để mắt đến các triển lãm và đi hội chợ nghệ thuật các nước ASEAN.

Đọc E-paper

Cách đây 3 năm, một họa sĩ trẻ đã chuyển nghề thành nhà môi giới bán tranh Việt Nam ra thị trường châu Á, đưa tác giả - tác phẩm sang các chợ nghệ thuật của Singapore giới thiệu, chào hàng.

Mới đây, trở về từ chuyến tham quan Hội chợ Nghệ thuật Hồng Kông "Art Basel Hongkong 2014", nhà môi giới này cho rằng một thị trường mỹ thuật đầy triển vọng đang xuất hiện ngay tại Việt Nam, bởi anh đã gặp nhiều người Việt trong nước đến hội chợ này dịp mở cửa 5 ngày cuối tháng 3 vừa qua.

Có lẽ bây giờ không cần phải bàn với những người giàu về tiêu chí "biệt thự-xe hơi-cổ phiếu ngân hàng" nữa, bởi mốt thời thượng của những nhà giàu mới nổi, các doanh nhân trẻ sau thời gian du học Âu - Mỹ, những người chịu ảnh hưởng của văn hóa phương Tây là sưu tập mỹ thuật như một tiêu chí "sang trọng" về văn hóa, thẩm mỹ cho bản thân.

Khởi đầu từ "tranh pháo" của các công ty trang trí nội thất tìm hàng độc trang trí cho biệt thự, đến nay, nhiều người giàu đã nhìn "tranh - tượng" trong phòng khách của nhau để đánh giá về đẳng cấp! Và thị trường mỹ thuật đã ló dạng những điểm sáng từ việc xuất hiện một thế hệ những nhà sưu tập mới, trẻ hơn, có vốn "Tây học" và yêu thích văn hóa đương đại, nên đã đi tìm những người trẻ.

Tại một cuộc triển lãm tranh lụa của họa sĩ Bùi Tiến Tuấn tổ chức ở khách sạn Furama, người xem đã chứng kiến một nửa số tranh gắn dấu hiệu đã bán ngay sau khi kết thúc buổi khai mạc.

Dấu hiệu đó không bất ngờ vì tranh của họa sĩ này dừng ở mức giá người Việt chấp nhận được, và anh là một họa sĩ hoạt động rất chuyên nghiệp, từ xây dựng phong cách, giới thiệu tác phẩm đến tổ chức triển lãm, tìm kiếm khách hàng tiềm năng.

Một nữ doanh nhân trẻ đã mua ngay ba bức tranh lụa tại triển lãm với giá vài ngàn đô la mỗi bức. Đó cũng là chân dung một nhà sưu tập bước đầu chuyên nghiệp hóa đam mê khi số tiền đầu tư không nhỏ.

Nhà sưu tập tranh có hồ sơ về họa sĩ, theo dõi phong cách sáng tác và sưu tập có hệ thống về một vài tác giả. Đó cũng là cách sưu tập tương đối an toàn.

Theo quan sát từ các gallery nổi tiếng tại trung tâm TP.HCM như Tự Do, Quỳnh, Mai, Đức Minh..., tuy các triển lãm vẫn hướng đến khách nước ngoài nhưng gần đây, một vài triển lãm đã bắt đầu hướng vào lượng khách trong nước với việc quảng bá rầm rộ, giá của tác phẩm đứng ở mức 30 - 60 triệu đồng, nhiều tác phẩm ở mức 10 - 15 triệu đồng mang tính thăm dò thị trường.

Thậm chí, để kích cầu thị trường, tại Hà Nội đã mở hẳn triển lãm tranh ba ngày "đại hạ giá” do các họa sĩ trẻ hưởng ứng để tác phẩm đến gần hơn với công chúng. Tại phiên chợ đó, giá tranh đứng ở mức vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng và bán khá chạy.

Một thế hệ sưu tập tranh xuất hiện phải đi cùng với các gallery chuyên nghiệp. Những gallery này giống các ông bầu nghệ thuật, có chuyên môn, xây dựng uy tín lâu dài để đảm bảo quyền lợi cho người mua tranh không bị mua nhầm tranh nhái ý tưởng, tranh chép nguyên mẫu, thẩm định về các trường phái mới xuất hiện.

Lâu nay các nhà sưu tập mới bước vào cuộc chơi giai đoạn đầu rất ngại đến gallery mua tranh vì sợ tranh bị đẩy giá, là tranh chép, chủ yếu nhờ bạn bè, người quen thân tư vấn. Giống như người chơi chứng khoán, họ cũng đọc báo theo dõi từng tác giả, từng triển lãm, và bắt đầu với một vài hồ sơ tác giả được giới thiệu, rồi nếu hợp sẽ theo luôn tác giả đó.

Và cũng như chứng khoán, mỹ thuật cần những nhà tư vấn chuyên nghiệp để kết nối thị trường và hoạt động sáng tác. Tại các triển lãm mỹ thuật gần đây, ban tổ chức đã đưa thêm thông tin quan trọng là tên của nhà giám tuyển đang sống và làm việc tại Việt Nam, coi như chứng nhận về chuyên môn đối với giá trị của tác phẩm.

Giám tuyển không chỉ dừng lại đối với các cuộc triển lãm, làm sách về tác phẩm, dần dần sẽ được nhà sưu tập sử dụng như một kênh tư vấn để quyết định mua những tác phẩm mỹ thuật có giá trị cao.

>Câu chuyện kể về Việt Nam từ một bộ sưu tập tranh quý giá
>Triển lãm bộ sưu tập tranh quý về Việt Nam
>
Bộ sưu tập tranh hoa chất liệu bằng hoa lá
>Những bộ sưu tập độc đáo

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Một thế hệ nhà sưu tập mới đã xuất hiện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO