Một góc nhìn

Nguồn SGTT| 16/08/2009 08:40

Việc bộ phim Chơi vơi của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên được chọn chiếu ở Orizzonti – mục quan trọng thứ hai của liên hoan phim quốc tế Venice – là một tin mừng cho điện ảnh Việt Nam.

Một góc nhìn

Việc bộ phim Chơi vơi của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên được chọn chiếu ở Orizzonti – mục quan trọng thứ hai của liên hoan phim (LHP) quốc tế Venice – là một tin mừng cho điện ảnh Việt Nam. Đi liên hoan phim quốc tế, điều này có ý nghĩa gì?

Poster phim Chơi vơi của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên

Thứ hạng LHP quốc tế

Mỗi năm trên toàn thế giới diễn ra hàng ngàn LHP quốc tế (sau đây gọi tắt là LHP) lớn nhỏ khác nhau. Việc cạnh tranh thứ hạng giữa các LHP thường rất quyết liệt, nhưng theo những luật chơi nhất định. Nhà làm phim cũng cần biết điều này khi chọn lựa cho mình LHP phù hợp.

Mỗi LHP quốc tế là một dịp lễ hội dài ngày với hoạt động chiếu phim đến từ nhiều miền đất khác nhau trên toàn cầu cho người trong giới điện ảnh và khán giả xem. LHP tạo điều kiện cho các nhà làm phim quốc tế gặp gỡ, trao đổi, đồng thời tạo sự tương tác giữa người làm phim và báo chí, khán giả. Thông thường, trong các mục khác nhau của LHP có một mục chính với sự tranh giải giữa các bộ phim được chọn. Ba cái tên nổi tiếng gồm Cannes, Berlin và Venice với các giải thưởng tương ứng Cành cọ vàng, Gấu vàng và Sư tử vàng là những LHP tiêu biểu. Ngược lại, giải thưởng Oscar của viện Hàn lâm điện ảnh Hoa Kỳ không phải là một LHP như đôi khi vẫn bị lầm tưởng.

Nếu xét theo tiêu chí của hiệp hội Các nhà sản xuất phim thế giới (FIAPF) với lịch sử thành lập từ năm 1933 thì có 12 LHP với mục chính tranh giải cho phim truyện dài tất cả các thể loại được đánh giá là LHP loại A phân theo khu vực bao gồm: Tây Âu (Berlin, Cannes, Venice, Locarno, San Sebastian), Đông Âu (Moscow, Karlovy Vary), Bắc Mỹ (Montreal), Nam Mỹ (Mar Del Plata), Bắc Phi (Cairo), Đông Á (Thượng Hải, Tokyo).

Tuy nhiên, danh sách này hiện nay đã tỏ ra khá lỗi thời về thứ hạng quốc tế thực sự của các LHP nếu xét về hai tiêu chí quan trọng là lượng khán giả tham dự và lực lượng truyền thông đến đưa tin. Cannes, với tư cách là LHP chỉ dành riêng cho giới hoạt động điện ảnh và báo chí, dẫn đầu về khả năng thu hút truyền thông với trên 4.000 người đưa tin đến thành phố nhỏ bé miền nam nước Pháp hàng năm.

Theo sát sau đó là Berlin, rồi mới đến Venice. Tuy nhiên, Pusan (Hàn Quốc) và Bangkok (Thái Lan) cũng lọt vào trong nhóm 10 LHP hàng đầu về mặt thu hút chú ý của báo giới.

Nếu xét về yếu tố khán giả thông qua số vé bán ra, Berlin đứng đầu với gần nửa triệu lượt khán giả đến xem trong 10 ngày diễn ra LHP. Đứng hàng thứ hai là LHP trẻ tuổi Tribeca do diễn viên Robert De Niro đồng sáng lập năm 2002 tại thành phố New York với 400.000 lượt khán giả. Rotterdam – LHP chú ý đến dòng phim độc lập và các tác phẩm đầu tay – đứng thứ ba.

Ngoài Berlin, chỉ có ba LHP khác từ danh sách loại A vào được top 12 LHP thu hút đông khán giả là Montreal, San Sebastian và Thượng Hải.

Premiere – điều kiện tiên quyết

Một thông tin thường được nhấn mạnh trong thông cáo báo chí của các LHP là số bộ phim được trình chiếu lần đầu trên toàn thế giới (world premiere) hoặc trong một khu vực địa lý. Cannes, Venice và Berlin đều đòi hỏi các phim tranh giải chính thức ít nhất phải là lần đầu ra mắt ngoài lãnh thổ nước sản xuất khi tham dự LHP (international premiere).

Toronto đòi hỏi phim phải lần đầu được trình chiếu tại Bắc Mỹ, còn nếu muốn tham dự Sundance, phim phải lần đầu tiên được chiếu trên lãnh thổ Hoa Kỳ. Tất nhiên, LHP nào cũng muốn world premiere.

Nhà làm phim nào cũng mong mỏi phim của mình được trình chiếu ở các LHP hàng đầu. Vì vậy, các LHP khác được tổ chức quanh thời điểm ba LHP gạo cội (Berlin tháng 2, Cannes tháng 5 và Venice tháng 9) thường hoặc phải chịu nhường chiếu trước, hoặc phải nới lỏng quy định cho các phim tham dự.

Trừ trường hợp cả LHP và nhà làm phim cùng tập trung vào một cuộc chơi chính cho một đối tượng khán giả, một dòng phim hay một thị trường nhất định khi chọn nơi chiếu premiere.

Trương Ngọc Ánh trong Hạt mưa rơi bao lâu (Đoàn Minh Phượng – Đoàn Thành Nghĩa), bộ phim từng tham dự trên 50 LHP khắp năm châu và giành bốn giải thưởng quốc tế

Đi LHP nào?

Đây là câu hỏi làm đau đầu các nhà làm phim, sau khi quyết định muốn ra mắt lần đầu trên toàn thế giới tại một LHP quan trọng, trong lúc cửa vào ba LHP hàng đầu thường đóng im ỉm.

Để gây tiếng tăm và tăng khả năng thu hút quan tâm nhờ cơ hội đoạt giải cao hơn, các nhà làm phim nên tập trung vào mục chính của một LHP ví dụ như Rotterdam hay Locarno, thay vì vào được mục phụ như Orizzonti ở Venice hay Panorama của Berlin, tuy rằng đến được ba LHP hàng đầu thế giới dù ở mục nào chăng nữa cũng là một vinh dự.

Để tạo chú ý ở thị trường chủ đích, nhà làm phim cần xác định “bán” cái mác world premiere của phim ở đâu. Toronto là lựa chọn hàng đầu cho Bắc Mỹ. Đây là LHP lấy được hầu hết các premiere khu vực của các tác phẩm quan trọng của năm. Đối với thị trường nói tiếng Đức gồm cả Áo và Thuỵ Sĩ thì Berlin là tối quan trọng, dù tham dự mục chính hay phụ. Để gõ cửa thị trường Nam Mỹ, San Sebastian và Rio de Janeiro được đánh giá cao hơn Mar del Plata. Thị trường châu Á nói chung không thể bỏ qua Pusan, trong khi nếu muốn đến Nhật Bản thì Tokyo vẫn là chọn lựa tốt nhất. Sundance hay Rotterdam là lựa chọn số một cho các nhà làm phim độc lập với kinh phí thấp theo chuẩn thế giới (dưới 1 triệu đô la).

Trở lại với việc Chơi vơi đi Venice: đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, khi báo tin với truyền thông trong nước là lúc chương trình LHP được công bố ra thế giới, vẫn hy vọng vào một phép mầu có thể đưa phim vào tranh giải Sư tử vàng. Mới đây, anh thổ lộ rằng kinh phí đi dự LHP không được ban tổ chức đài thọ và anh cân nhắc có trực tiếp đến LHP hay không. Đáng lẽ, điều này phải được dự trù từ trước. Bởi một bộ phim dự LHP quan trọng mà thiếu đạo diễn thì hiệu quả gần như bằng không.

Để ngày càng được chú ý trên thế giới và có cơ hội xuất hiện ở các LHP, cả các LHP hàng đầu, điều quan trọng nhất hiện nay đối với điện ảnh Việt Nam thực ra lại là điều cơ bản nhất: một nền điện ảnh nội địa có sức bật với tư nhân làm chủ đạo cùng sự trợ giúp của Chính phủ, một thế hệ nhà làm phim đam mê tài năng và lượng người quan tâm điện ảnh sâu rộng. Chỉ như vậy mới mong có ngày phim Việt Nam đàng hoàng đứng trong phần tranh giải chính thức của một trong những tên tuổi lớn thế giới mà không phải hy vọng hão huyền về sự chiếu cố bất ngờ nào đó như đang diễn ra hiện nay.

Đi LHP để mong bán được phim? Đi LHP khác với đi chợ phim ở chỗ, mục đích chính không phải là bán được phim mà là gây tiếng tăm và chú ý với giới điện ảnh hay với thị trường phát hành. Bán được phim chỉ là hệ quả (nếu có) của việc tham dự LHP. Đi LHP để giới thiệu hình ảnh Việt Nam? Từ sự ra mắt lần đầu tiên trên toàn thế giới ở một LHP quan trọng và được đánh giá tốt, các nhà lựa phim của các LHP khác sẽ tự tìm đến chọn phim mang về chiếu ở LHP của họ. Nhờ sự góp mặt trên bản đồ điện ảnh, cái tên Việt Nam có ý nghĩa văn hoá và sức mạnh truyền bá to lớn. Làm thế nào để được đi LHP? Tham dự một LHP có tiếng tăm thông thường không phải là chuyện được Nhà nước hay cục Điện ảnh cử đi, mà các nhà làm phim phải tự đăng ký rồi được mời, hoặc được chính những người lựa phim của các LHP tìm đến và chọn. Cần chú ý đến yếu tố nào khác khi đi LHP? Những yếu tố kinh tế tác động đến việc đi LHP thường là chuyện kinh phí liên quan: ban tổ chức có trả tiền đi lại và sinh hoạt phí cho cá nhân tham dự và chịu tiền chuyển bản phim hay không?
(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Một góc nhìn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO