Mê hồn trận cổ vật giả

HỒNG BÍCH| 15/09/2009 08:34

Bước vào thế giới cổ vật, ngoài những mê hoặc của những huyền tích cổ, người chơi còn bị lạc lối trong mê cung của những cổ vật, thật giả lẫn lộn...

Mê hồn trận cổ vật giả

Bước vào thế giới cổ vật, ngoài những mê hoặc của những huyền tích cổ, người chơi còn bị lạc lối trong mê cung của những cổ vật, thật giả lẫn lộn...

Những cổ vật này có thể tìm mua ở các chợ bán đồ cổ Hà Nội hay TP.HCM nhưng rất khó xác định thật giả

Có một lần đến xem bộ sưu tập gốm sứ mậu dịch (dân chơi đồ cổ gọi là đồ vớt biển) của một nữ doanh nhân, chúng tôi mời theo một chuyên gia trong lĩnh vực này. Không ngờ chỉ bằng mắt nhìn, vị chuyên gia nhận định 60% số đồ này ít giá trị và trộn khá nhiều đồ giả! Càng đi sâu vào thế giới đồ cổ, qua những câu chuyện mua bán của các tay chơi, càng nhận thấy một mê hồn trận đồ giả đã sẵn sàng giăng ra trước con đường ai đó lỡ bước chân vào.

Muốn chơi cổ vật, không chỉ học hành, nghiên cứu để có kiến thức uyên thâm, kinh nghiệm dồi dào là đủ. Ông Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ học VN từng tuyên bố như vậy trong một hội thảo cấp quốc gia về nạn cổ vật giả đã chui vào các bảo tàng địa phương. Ông khuyên các chuyên gia phải đi nghiên cứu các trung tâm đồ giả. Đó là bài học đầu tiên các nhà sưu tập lão làng khuyên quý vị mới nhập hội chơi đồ cổ để khỏi phải trả “học phí” quá đắt!

Tất cả người sưu tập đồ cổ đều đã một vài lần “dính chưởng” đồ giả mạo. Trong một lần đến thăm làng nghề Thiệu Trung đúc đồng nổi tiếng đất Thanh Hóa, nơi cách đây không lâu đã đúc chiếc trống đồng có đường kính lớn vào loại kỷ lục tại VN, không ngờ chúng tôi đã chạm vào nghề làm trống đồng Đông Sơn giả cũng rất nổi tiếng của các nghệ nhân nơi đây. Một nghệ nhân của Thiệu Trung từng làm trống đồng Đông Sơn giả theo đơn đặt hàng, kể chuyện, các cụ không nghĩ là mình làm giả mà chỉ “khoe nghề” đúc đồng. Thế nhưng đơn đặt hàng nhiều lên, khác thường, nên nghệ nhân ngày càng lún sâu vào công nghệ làm giả y thật. Ông này nói, chúng tôi sửa chữa những thứ bị bể vỡ thành lành lặn để bán được với giá cao.

Sau này công nghệ làm giả đã thành quy trình, từ đúc trống mới, rồi dùng hóa chất làm biến đổi màu cho cũ, chuyển màu. Trong lòng trống, dùng muối ăn và axít dạng nhẹ trộn vào đất, đắp vào để tạo thành những vết han, rỗ. Công nghệ làm hàng giả còn tinh vi hơn như “kỹ xảo” lấy vật liệu của đồ đồng Đông Sơn hoặc mảnh trống bé, không có hoa văn, không phục hồi được đem trộn với composit, sau đó ép thành từng tấm, đưa vào khuôn trống, tạo trống mới và trang trí hoa văn...
Tuy nhiên, các nghệ nhân không nghĩ mình làm hàng giả, chỉ coi như làm hàng lưu niệm mỹ nghệ, khi món hàng giả được các tay lừa đảo bán với giá “thật”, chỉ có người sưu tập khóc ròng!

Trong giới sưu tập cổ vật Chăm Pa, người ta đồn đại có một bức tượng thần Siva bằng đá sa thạch giả nhưng rất đẹp. Một nhà sưu tập lỡ mua rồi đành bán “tháo” lại cho một tay buôn. Người buôn đồ cổ này đưa món hàng dỏm vào Ninh Thuận cho ngâm “bùn” ba năm, "mông má" thêm, cuối cùng món đồ cổ này được bán cho một Việt kiều ở Đức và bị phát hiện hàng dỏm lần thứ hai ngay tại cửa khẩu sân bay! Các loại tượng đá sa thạch, tượng đất nung cổ ngày càng có giá, thì bọn trộm đến các di tích đào luôn cả những tảng đá lót nền, bệ cột (cùng niên đại) về làm nguyên liệu tạo đồ giả. Với đồ vớt biển, tức cổ vật được sưu tập từ các cuộc khai quật từ xác tàu đắm, sự “mông má” càng ghê gớm hơn. Từ súng thần công đến gốm sứ, người ta còn cho gắn từng mảng hà, sò ốc vào cổ vật cho thêm phần tin cậy. Các triển lãm cũng trưng đồ “vớt biển” còn nguyên vỏ sò, hà bám dày đặc...

Vậy các tay làm hàng giả chẳng ngần ngại gì mà không chiều theo sự ngây thơ đó. Các mánh khóe ngâm xác trà cho đồ gốm, ngâm axít cho đồ đồng, bôi hắc ín, đất cát cho đồ đá, ngâm nước, bỏ vào tổ mối, phơi nắng mưa hàng tháng trời cho đồ gỗ... giờ đã bị lộ tẩy. Thay vào đó, nay người buôn đồ giả lấy mẫu trong catalogue rồi mang sang Trung Quốc, Thái Lan đặt hàng, hàng chỉ chọn một đến hai cái đẹp nhất, hủy bỏ tất cả cái còn lại, tạo thành vật độc nhất vô nhị, kích thích mốt sưu tầm món độc bản của các nhà sưu tập...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Mê hồn trận cổ vật giả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO