Màu da - chuyện chưa kể ở Hollywood

MINH ĐỨC| 18/06/2016 06:26

Sau phim nhiều phần, phim chuyển nhượng, phim làm lại, phim siêu anh hùng, hàng loạt phim điện ảnh xoay quanh các chuyện tình đặc biệt từ hai người có màu da khác nhau đang được đưa vào sản xuất.

Màu da - chuyện chưa kể ở Hollywood

Sau phim nhiều phần, phim chuyển nhượng, phim làm lại, phim siêu anh hùng, hàng loạt phim điện ảnh xoay quanh các chuyện tình đặc biệt từ hai người có màu da khác nhau đang được đưa vào sản xuất. Kết hợp giữa tính tư liệu (chuyện có thật, dựa theo tác phẩm văn học) và đề tài gây tranh luận (những mối tình khác màu da), liệu Hollywood có tìm được đáp số khan hiếm kịch bản?

Đọc E-paper

Tuần rồi, các tờ báo điện tử hàng đầu đưa tin ngôi sao người Anh Kate Winslet sẽ xuất hiện trong Mountain Between Us bên cạnh nam diễn viên da đen Idris Elba. Họ sẽ vào vai đôi nam nữ bị kẹt lại giữa rừng vì tai nạn máy bay và nảy sinh tình cảm khi cùng nhau vượt qua hiểm họa thiên nhiên.

Chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên, Mountain Between Us là tác phẩm kế tiếp đi theo xu hướng mới đang gây chú ý tại Hollywood: tình yêu không phân biệt màu da.

Cuộc chiến mang tên “chất xám”

Năm ngoái, nữ đạo diễn Amma Asante công bố phim cổ trang A United Kingdom (công chiếu cuối năm nay) tác hợp cặp đôi David Oyelowo và Rosamund Pike trong câu chuyện tình ngang trái giữa chàng trai hoàng gia Seretse Khama xứ Botswana và cô phiên dịch viên da trắng Ruth Williams những năm 50 thế kỷ trước.

Cuộc hôn nhân của họ bị ngăn cản, thậm chí cấm đoán vì tập tục. Trước khi thực hiện A United Kingdom, Asante đã theo đuổi những trắc trở tình duyên của thân phận khác màu da trong Belle năm 2013. Bộ phim kể về cuộc sống nhiều thăng trầm của Belle - một phụ nữ trung lưu thoát khỏi ách nô lệ từ thế kỷ XVIII và có một tình yêu đẹp với người đàn ông da trắng gốc Anh.

Nối tiếp Amma Asante, đạo diễn Mỹ Jeff Nichols chọn câu chuyện có thật về đôi vợ chồng Mildred Jeter và Richard Loving, từng bị bỏ tù một năm vì vi phạm luật hôn nhân (cấm người da trắng lấy người da đen) vào năm 1958 tại Virginia. Loving - tựa đề tác phẩm, có đầy đủ cơ sở để gây sức ép dư luận khi ra mắt vào tháng 11 tới.

Trào lưu hay cảnh tỉnh sự kỳ thị?

Trước đây Hollywood từng có một vài tác phẩm tương tự, nhưng thành công chỉ chiếm thiểu số. Nổi tiếng và gần gũi với công chúng có thể kể đến chuyện tình giữa nàng ca sĩ da màu và chàng vệ sĩ điển trai trong The Bodyguard năm 1992.

Bộ phim đoạt doanh thu kỷ lục 411 triệu USD (25 triệu USD kinh phí), trở thành hiện tượng thập niên 1990 phần lớn nhờ tên tuổi của ngôi sao ca nhạc quá cố Whitney Houston. Sau đó, đều đặn mỗi năm các hãng phim làm một hai phim na ná nhưng không thành công.

Mãi đến năm 2002 khi Far From Heaven ra đời, đặt bối cảnh thập niên 1950, người hâm mộ mới có dịp khắc khoải và day dứt khôn nguôi về những cản ngăn thời cuộc khiến tình yêu giữa hai người ở hai nền văn hóa trở nên khó hơn lên trời. Đây cũng là phim hiếm hoi sau năm 2000 nhận được sự chú ý của AMPAS (Viện hàn lâm Điện ảnh Hoa Kỳ) với 4 đề cử Oscar.

Lần cuối cùng một phim chống phân biệt chủng tộc giữa nam nữ giành chiến thắng lớn là Guess Who’s Coming to Dinner năm 1967. Phim đoạt giải 2 giải Oscar (Nữ chính và Kịch bản) với doanh thu 167 triệu USD - con số cực kỳ lớn vào thời điểm đó. Phim kể về một phụ nữ da trắng trí thức tranh đấu với bố mẹ để đến với chàng trai da đen góa vợ.

Không phải ngẫu nhiên mà Hollywood ngập tràn các phim về tình yêu đôi lứa trong bối cảnh phân biệt chủng tộc như hiện nay. Cần nhắc lại rằng sau khi đề cử Oscar lần thứ 88 công bố, hàng loạt ngôi sao da màu lên tiếng chỉ trích AMPAS phân biệt chủng tộc vì danh sách chỉ toàn người da trắng.

Will Smith và vợ cùng nhiều nghệ sĩ khác quyết tâm tẩy chay Oscar thông qua dòng chữ OscarSoWhite, kéo theo nhiều tên tuổi đang hoạt động nghệ thuật đăng đàn bày tỏ quan điểm riêng, tạo nên sự chia rẽ không đáng có ở Hollywood. Những điều luật mới được bổ sung vào AMPAS về giới tính, màu da, độ tuổi... là động thái đầu tiên nhằm cảnh tỉnh sự kỳ thị.

Gần đây Hollywood vấp phải những phản ứng trái chiều khi "lăng xê" các tài tử da trắng trong một số dự án phim cần diễn viên da vàng. Một chiến dịch nho nhỏ nổ ra, dù không gây ồn ào như OscarSoWhite nhưng WhitewashedOut vẫn cần được nhắc đến như tiếng nói của các diễn viên châu Á.

Cụ thể, khi Hãng Marvel chọn diễn viên Tilda Swinton vào vai người Tây Tạng trong bộ phim Doctor Strange (ra mắt tháng 11/2016) đã nhận sự châm biếm từ diễn viên Nhật George Takei. Hay phim bom tấn đang quay Ghost in the Shell vốn là truyện tranh của xứ Phù tang và tất nhiên nhân vật chính phải là người Nhật nay đổi thành da trắng vì mỹ nữ nổi tiếng Scarlett Johansson. Tương tự, diễn viên kiêm đạo diễn Elizabeth Banks vừa được nhận vai Riteva Repulsa (vốn được biết đến là nhân vật gốc Á) trong phim Power Rangers dự kiến ra rạp năm 2017.

>AMPAS buộc phải "cân bằng giới tính, màu da"!

>Vợ chồng Obama từng bị kỳ thị vì màu da

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Màu da - chuyện chưa kể ở Hollywood
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO