Lụa không phù phiếm

HỒNG BÍCH| 16/08/2012 09:47

Chất liệu lụa và những nguyên tắc của nó giữ lại cho các nhân vật vẻ mộng mơ, nhưng từng tác phẩm đều tồn tại một không gian nội tâm riêng...

Lụa không phù phiếm

Chất liệu lụa và những nguyên tắc của nó giữ lại cho các nhân vật vẻ mộng mơ, nhưng từng tác phẩm đều tồn tại một không gian nội tâm riêng, cảm nhận ngay cả sự phù phiếm cũng chẳng chút thoải mái dễ dàng, nó cũng đầy khắc khoải, chứa chất những tinh vi, những ham muốn.

Đọc E-paper

Tại triển lãm mang tên "Phù phiếm" vừa diễn ra tại khu du lịch Furama Resort Đà Nẵng (10-15/8), Bùi Tiến Tuấn đã giới thiệu 23 tác phẩm lụa, một số bức quan trọng được sử dụng bằng lụa Mã Châu, thứ lụa mềm cổ truyền của Quảng Nam quê anh, không sử dụng lụa Hà Đông.

Dường như anh muốn người xem cảm nhận rõ rệt cuộc sống đang thay đổi mạnh mẽ trong cách phối hợp từ bối cảnh cuộc triển lãm đến hình thức biểu hiện của hội họa và cuộc tìm tòi chất liệu. Cả ba thứ đều mới trên nền tảng một loại hình nghệ thuật truyền thống đem đến nhiều thú vị.

Hành trình từng tác phẩm là cuộc so đo, chắt lọc biểu hiện những khối mảng hội họa đương đại đi “êm ả” vào chất liệu lụa để không gây sốc cho những cặp mắt “bảo thủ” về lụa, nhưng tạo dựng được thế giới “Phù phiếm” của họa sĩ khi nhìn vào đời sống của phụ nữ thành thị.

Và Tuấn làm cho người xem thích lụa, thích ngắm nghía thế giới nội tâm của “Phù phiếm”, những phụ nữ đang tìm kiếm cái đẹp bên ngoài như một nhu cầu sinh tồn.

Chất liệu lụa và những nguyên tắc của nó giữ lại cho các nhân vật vẻ mộng mơ, nhưng từng tác phẩm đều tồn tại một không gian nội tâm riêng, cảm nhận ngay cả sự phù phiếm cũng chẳng chút thoải mái dễ dàng, nó cũng đầy khắc khoải, chứa chất những tinh vi, những ham muốn.

Sự giao thoa đề tài và chất liệu trong tranh lụa Bùi Tiến Tuấn còn thể hiện ở những đôi mắt phương Đông, cặp mắt một mí xếch mà người Việt định danh là mắt lá dăm. Trong nhiều tác phẩm, cặp mắt lá dăm vẫn hút hồn khi nó dẫn dụ người ta lạc vào sự phù phiếm, yêu thích nó.

Với bước đi như hiện nay, chắc chắn Tuấn sẽ tìm được sự đồng cảm rộng rãi từ công chúng, những người trong tiềm thức đã có tình cảm với tranh lụa truyền thống, nhưng anh tránh cho người xem cảm giác mệt mỏi vì sự quen thuộc nhàm chán của tranh lụa trang trí, bởi sự cách tân khéo léo từng bước một của những mảng khối mới.

Craig Thomas, nhà giám tuyển từng làm việc với Tuấn, nhận xét: “Tại các quốc gia mới nổi, sự phát triển kinh tế thường dẫn đến việc xem nhẹ các truyền thống văn hóa, phong tục, nhiều khi bị bỏ lại phía sau và bị thay thế bởi những gì được cho là mới mẻ và hiện đại hơn. Hiện tượng này thường được chứng kiến trong lĩnh vực nghệ thuật. Các nghệ sĩ trong những xã hội đang biến đổi này đối mặt với sự khuyến khích mạnh mẽ theo đuổi những hình thức biểu hiện được cho là có chất đương đại nhiều hơn, thay thế các chất liệu truyền thống. Nhưng Tuấn thì khác, anh ấy muốn giữ lụa lại cho hội họa Việt”.

Bùi Tiến Tuấn hiện là giảng viên, Trưởng khoa Lụa Đại học Mỹ thuật TP.HCM.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lụa không phù phiếm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO