LHP Quốc tế Hà Nội lần thứ 2: Cửa có rộng hơn?

TUYÊN ĐỖ| 29/11/2012 04:51

Lần thứ hai hội ngộ người yêu điện ảnh cả nước, Liên hoan phim (LHP) Quốc tế Hà Nội (25 - 29/11) quy tụ được một vài phim gọi là điểm nhấn tham gia trình chiếu.

LHP Quốc tế Hà Nội lần thứ 2: Cửa có rộng hơn?

Lần thứ hai hội ngộ người yêu điện ảnh cả nước, Liên hoan phim (LHP) Quốc tế Hà Nội (25 - 29/11),  quy tụ được một vài phim gọi là điểm nhấn tham gia trình chiếu. Đề cao tính nhân văn, nhưng các tác phẩm được chọn lựa tranh giải chưa thống nhất về quan điểm chung của Ban tổ chức. Với hy vọng và nhiều lo âu, liệu rằng đây có là thời điểm để điện ảnh Việt cởi mở và hội nhập?

Đọc E-paper

Thiếu cá tính



Nếu như ở hầu hết các LHP quốc tế trên thế giới, các bộ phim (hoặc hầu hết) được tuyển lựa theo một tư tưởng, một tầm nhìn nhất định thì ở LHP Quốc tế Hà Nội, điều này chưa thật sự diễn ra. Mười bốn tác phẩm tranh giải chính thức thuộc đủ mọi thể loại phim chưa cho thấy rõ quan điểm của Ban tổ chức đối với đời sống điện ảnh, đời sống xã hội.

Ngoại trừ khẩu hiệu duy nhất “Điện ảnh châu Á - Thái Bình Dương thống nhất và phát triển” thì có thể nói LHP Quốc tế Hà Nội chưa tạo được cá tính và điểm riêng của mình trên bản đồ LHP thế giới. Hai năm một lần nhưng thực chất, quy mô của LHP Quốc tế Hà Nội không lớn hơn LHP Châu Á - Thái Bình Dương từng được tổ chức ở Hà Nội vào năm 2007, có lẽ cũng vì sự đơn giản và ngắn ngủi quá mức mà đạo diễn chương trình lẫn Ban tổ chức đã áp đặt lên lần LHP này.

Nhìn vào tâm điểm của một LHP - các tác phẩm điện ảnh, dễ dàng nhận thấy phim Việt khá thiệt thòi về chất lượng. So với 67 phim của mùa LHP đầu tiên năm 2010 thì rõ ràng con số 100 là đáng mừng, tuy nhiên, các tác phẩm xuất sắc đều đã thuộc về Anh, Pháp, Đức, Ấn Độ, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Thái Lan, Singapore, Úc...

Phim mới nhất của đạo diễn Lê Hoàng, Cát nóng, được chọn chiếu khai mạc tối 25/11 vừa qua không tạo được ấn tượng. Phong cách làm phim hài hước kém thú vị với đề tài du lịch, resort cộng với diễn viên nghiệp dư dễ khiến khán giả buồn chán.

Giống nhiều LHP khác, tác phẩm mở màn sẽ không tham gia tranh giải, thay vào đó, chỉ có hai phim dán mác Việt “chung sân” với các tác phẩm trong khu vực, là Đam mê của Phi Tiến Sơn và Thiên mệnh anh hùng của Victor Vũ.

Đam mê được cho là một ẩn số bởi có sự tham gia của khá nhiều diễn viên trẻ, từ Trúc Diễm, Kim Hiền, Hứa Vĩ Văn, Trương Minh Cường... cho đến “người quen” Kim Khánh. Lựa chọn thời trang và showbiz làm đề tài chính cho bộ phim, có thể nói Phi Tiến Sơn khá mạo hiểm với lần quay trở lại này sau thành công của Lưới trời.

Mười hai bộ phim còn lại đáng chú ý có Lal Gece của Thổ Nhỹ Kỳ, Song of silence của Trung Quốc... Một vài phim trong danh sách đề cử này đã tham gia các LHP khác và giành được giải thưởng lớn. Tất nhiên khó có thể đòi hỏi một LHP non kém như LHP Quốc tế Hà Nội hội tụ những tác phẩm lần đầu tiên ra mắt khán giả tham gia!

Tầm của ta, tầm của Tây

Thảm đỏ được cho là bộ mặt “ăn tiền” nhất đối với một LHP quốc tế, thế nhưng những “diễn biến” vừa diễn ra tại Cung Văn hóa hữu nghị Việt Xô (Hà Nội) lại khiến cho nhiều khán giả thất vọng về cái gọi là đẳng cấp của một LHP quốc tế. Không có nhiều những ngôi sao thực sự thu hút đến với lễ khai mạc, ngoại trừ một vài tên tuổi tiếng tăm như Hồng Ánh, Lý Nhã Kỳ, Kathy Uyên, Trương Ngọc Ánh...

Tác phong quan trọng nhất của thảm đỏ là trang phục thì tại LHP Quốc tế Hà Nội, xiêm y của những nghệ sĩ Việt luôn bị đánh giá là “quê” và có phần phản cảm. Bên cạnh đó, sự đơn giản quá mức của sân khấu cũng làm giảm đi tính chất thẩm mỹ của một LHP tầm cỡ về điện ảnh.

Nếu như “tầm của ta” ở ngay trên thảm đỏ lẫn trong danh sách tranh giải đều èo uột, thì tại những khu vực khác của LHP, như các buổi chiếu, lại cho thấy tầm của điện ảnh quốc tế bao trùm lấy LHP lần này. Chương trình Tiêu điểm điện ảnh năm nay sẽ giới thiệu hơn 10 bộ phim đình đám của điện ảnh Hàn Quốc, đây cũng được đánh giá là “bài học cho điện ảnh Việt” bởi sự phát triển dữ dội của nền công nghiệp giải trí xứ này.

Danh sách thành viên Ban giám khảo phim truyện năm nay đều không thật sự nổi bật và ít được biết đến, ngoài tên tuổi NSƯT Như Quỳnh. Thành viên Cliff Curtis, diễn viên hạng B của Hollywood, cũng chỉ mới từng bước lấn sân vào lĩnh vực sản xuất phim ảnh vài năm trở lại đây. Trong khi đó, ở hạng mục dành cho phim ngắn, Ban giám khảo lại là những cái tên rất đáng chú ý như Nguyễn Vinh Sơn, Chalida Uabumrungjit...

Ngoài ra, LHP còn có Chùm phim hoạt hình Nhật Bản, Chùm phim Pháp tuyển chọn... Nhìn khách quan thì thấy rõ sự tiến bộ về cách phân chia các hạng mục, nhưng nhìn kỹ hơn lại thấy hạng mục phim Việt không nổi bật cho lắm, nếu không nói là... chiếu cho người nhà xem!

Tâm điểm đổ dồn vào phim Việt Nam đương đại (các phim hoàn thành trong ba năm, từ 2010 - 2012), giới thiệu lại một vài tác phẩm “xem được” như: Chạm, Scandal, Tâm hồn mẹ... bên cạnh các “ông lớn” của những LHP quốc tế hàng đầu khác như: Amour (Cành cọ vàng 2012), Uncle Boonmee (Cành cọ vàng 2010), We need to talk about Kevin (đề cử giải BAFTA 2011), A Separation (Quả cầu vàng 2012)...

Dù đã nỗ lực với hơn 200 suất chiếu tại 9 cụm rạp, khởi động từ sáng ngày 25/11, lịch chiếu chi tiết đăng tải trên trang web của LHP nhằm mở rộng “cửa” cho khán giả và người yêu điện ảnh có thể xem phim đầy đủ nhưng mọi vấn đề về kỹ thuật, nhân lực vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng, dẫn đến vài trục trặc đáng tiếc trong buổi chiếu đầu tiên.

Cùng với việc quảng bá phim ảnh một cách triệt để thông qua rạp chiếu, liệu khán giả có nhận thấy rõ sự tồn tại kém cỏi của điện ảnh Việt so với những tên tuổi lớn mạnh khác? Và liệu những gì LHP Quốc tế Hà Nội đang làm (phơi bày toàn bộ khả năng làm phim của mình và tích tụ tinh hoa điện ảnh của bạn bè quốc tế) có khiến cho những người làm nghề tại Việt Nam thấy được bản chất thật của điện ảnh Việt hiện nay?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
LHP Quốc tế Hà Nội lần thứ 2: Cửa có rộng hơn?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO