Làng phát mệnh đế vương

HỒNG BÍCH| 10/06/2009 01:15

Khắp vùng châu thổ sông Hồng, người dân đã xây rất nhiều đền, chùa để tưởng nhớ công lao của Lý Quốc Sư, một vị cao tăng nổi tiếng thời Lý. Thế nhưng ngôi làng nơi ông sinh ra ở xã Gia Sinh, ven núi Bái Đính thì lại không có một vết tích gì tưởng nhớ đến người thầy thuốc trứ danh này.

Làng phát mệnh đế vương

Khắp vùng châu thổ sông Hồng, người dân đã xây rất nhiều đền, chùa để tưởng nhớ công lao của Lý Quốc Sư, một vị cao tăng nổi tiếng thời Lý. Thế nhưng ngôi làng nơi ông sinh ra ở xã Gia Sinh, ven núi Bái Đính thì lại không có một vết tích gì tưởng nhớ đến người thầy thuốc trứ danh này.

Một trong những tượng Phật lớn nhất chùa Bái Đính


Pháp sư Nguyễn Minh Không tên thật là Nguyễn Chí Thành, là người phủ Tràng An, gần núi Bái Đính, Ninh Bình hiện nay. Ông là người thông minh, tài năng xuất chúng nhưng lại theo nghiệp tu hành. Truyền thuyết kể rằng, một lần sư thầy Từ Đạo Hạnh giả tiếng hổ để dọa, ông trách thầy sẽ phải ăn năn về việc làm của mình. Từ Đạo Hạnh thở dài và nói với ông rằng: “Kiếp sau ta sẽ đầu thai vào một vị vua, nếu cơ thể ta mọc toàn lông hổ thì con sẽ là người cứu ta nhé”. Sau đó Từ Đạo Hạnh truyền cho ông bí quyết trị bệnh.


Tương truyền vị vua Lý Thần Tông do Từ Đạo Hạnh hóa kiếp thành. Vào tuổi trưởng thành, vua bị bệnh rất lạ: Trên khắp cơ thể mọc toàn lông lá, miệng thì cứ gầm gừ như hổ. Triều đình buộc phải nhốt vua vào cũi và truyền gọi thần y khắp nơi chữa trị. Trong lúc đó từ đất Tràng An, Ninh Bình, bọn trẻ chăn trâu truyền nhau câu sấm: “Muốn trị bệnh cho thiên tử, chỉ có Nguyễn Minh Không”.

Triều đình nhà Lý cho mời pháp sư vào. Quả thật, ông trị được bệnh hóa hổ của vua Lý Thần Tông. Nhà vua phong cho ông là Quốc sư, quản lý các sư sãi của quốc gia. Lý Quốc Sư đồng thời cũng là ông tổ của nghề đúc đồng, tên tuổi của ông gắn với tứ đại khí của Đại Việt, tiêu biểu như chuông Quy Điền, vạc Phổ Minh. Chính vì thế mà ông được nhân dân phong thánh.

 Điện thờ ba vị Tam Thế tại chùa Bái Đính


Mảnh đất sinh ra vị thánh này nay là một ngôi làng nhỏ nằm ngay dưới chân núi Bái Đính, đột nhiên nổi tiếng khắp trong Nam ngoài Bắc vì những công trình kỳ vĩ mới mọc lên từ cách đây dăm năm. Những nẻo đường ngày xưa sư Minh Không đi hái thuốc cứu bậc đế vương nay tấp nập bước chân của người bốn phương về thăm chùa Bái Đính.


Mặc dù chưa xây dựng hoàn chỉnh, nhưng với những tác phẩm văn hóa Phật giáo quý giá, ngôi chùa này vẫn tiếp đón khách thập phương đến viếng cảnh. Nằm trên đồi cao là điện Tam Thế với ba tầng mái cong có 12 mái ở bốn phía, cao 30m, dài 52m, rộng 47m. Trong điện đặt ba tượng Tam Thế bằng đồng, mỗi tượng nặng 50 tấn. Xuống thấp hơn là một vườn sinh vật cảnh quý hiếm với những hòn non bộ độc đáo. Theo độ dốc của đồi là đến điện thờ Pháp chủ gồm hai tầng mái cong, có tám mái ở bốn phía và một hàng cổ lâu.

Điều đặc biệt ở điện thờ Pháp chủ có tượng Phật A Di Đà bằng đồng rất lớn, nặng 100 tấn. Pho tượng này được công nhận là tượng Phật lớn nhất VN. Tiếp đó là một sân chùa rộng, sừng sững tượng Quan Âm Bồ Tát bằng đá to, cao, rồi đến điện thờ Quan Thế Âm Bồ Tát với một tầng mái cong. Lại có một sân chùa và một vườn cây nữa rồi mới đến tháp chuông lớn, kiến trúc bát giác theo kiểu chồng diêm, gồm ba tầng mái cong, tất cả là 24 mái ở tám phía với các đầu đao.

Trong tháp chuông này treo một quả chuông nặng 36 tấn. Trên đồi cao về phía bên trái toà Tam Thế cũng treo một quả chuông cao 5,6m, nặng 27 tấn. Từ hai phía của Tam quan là các dãy nhà hành lang bao bọc khu chùa lên đến điện Tam Thế. Trong các nhà hành lang này đặt 500 vị La Hán bằng đá, mỗi tượng một dáng hình khác nhau nhưng đều cao to, đồ sộ.

Độ dài từ thấp đến cao tính từ Tam quan ở dưới lên đến điện Tam Thế ở trên là gần 800m. Khu vực chùa Bái Đính còn tỏa ra một không gian rộng lớn hơn nữa, có giếng Ngọc, hồ Phóng Sinh, hồ Đàm Thị, khu thờ Mẫu, khu thờ Tổ, khu tháp mộ sư, khu nhà tăng thiền viện, khu nhà khách, bảo tháp 14 tầng và khu bảo tàng Phật giáo VN.


Số phận một ngôi làng trung du ở Ninh Bình thật kỳ lạ. Nó là mảnh đất hội tụ nhiều khí thiêng, không chỉ là quê hương của pháp sư Minh Không, mà còn là nơi phát mệnh đế vương của Đinh Bộ Lĩnh và Lê Hoàn, từng là nơi vua Quang Trung dừng lại làm lễ tế cờ trước khi đánh vào thành Thăng Long năm 1789, là khu căn cứ cách mạng thời kháng chiến chống Pháp

. Vì vậy mà nơi này đã được công nhận là Khu Di tích văn hóa lịch sử quốc gia vào năm 1997. Và nay một phần đất làng có thêm quần thể chùa Bái Đính có quy mô hoành tráng và đẹp đẽ nhất từ trước đến nay ở VN. Tương lai, nó sẽ trở thành trung tâm lớn của Phật giáo VN. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Làng phát mệnh đế vương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO