Kỳ3: Bảo tàng tư nhân sẽ cạnh tranh với bảo tàng nhà nước?

KHẢI LY| 17/07/2009 00:12

Từ năm 2001, Luật Bảo vệ di sản văn hóa ra đời cho phép các nhà sưu tầm tư nhân được vận chuyển, mua bán, thành lập bảo tàng văn hóa, lịch sử. Bảo tàng tư nhân bắt đầu xuất hiện và với các hoạt động phong phú đã chính thức cạnh tranh với các bảo tàng nhà nước trên nhiều phương diện.

Kỳ3: Bảo tàng tư nhân sẽ cạnh tranh với bảo tàng nhà nước?

Từ năm 2001, Luật Bảo vệ di sản văn hóa ra đời cho phép các nhà sưu tầm tư nhân được vận chuyển, mua bán, thành lập bảo tàng văn hóa, lịch sử. Bảo tàng tư nhân bắt đầu xuất hiện và với các hoạt động phong phú đã chính thức cạnh tranh với các bảo tàng nhà nước trên nhiều phương diện.

>> Kỳ 1: Bảo tàng sáng giá nhất Việt Nam
>> Kỳ 2: Tại sao người Việt ít đến bảo tàng

Tại Thanh Hóa, Bảo tàng Hoàng Long được sáng lập bởi một doanh nhân ngành xây dựng, ông Hoàng Văn Thông, sau hơn 20 năm sưu tầm cổ vật liên quan đến nền văn hóa Đông Sơn, đồ gốm, sành từ đời nhà Lý đến nhà Nguyễn. Theo thống kê, Bảo tàng Hoàng Long có 5.600 di vật, cổ vật trưng bày trong diện tích hơn 3.000m2. “Nếu cứ để cổ vật trong nhà mãi thì rất lãng phí. Hội đồng Giám định đánh giá có những cổ vật đã tồn tại khoảng hơn ba nghìn năm, một số bộ cổ vật đang “cất trong kho” không dễ gì tìm thấy đầy đủ một bộ thứ hai và có lẽ ngay cả Bảo tàng Lịch sử Việt Nam hiện cũng không có. Vậy cứ giữ cho riêng mình, không đưa ra cho công chúng thưởng ngoạn để tự hào về văn hoá của dân tộc là một sai lầm”, ông Thông tâm sự sau khi khánh thành bảo tàng. Hiện nay, công chúng tìm đến bảo tàng này khá đông do nó được thiết kế, vận hành như một điểm du lịch khám phá.

Cổ vật tiêu biểu văn hóa Đông Sơn của bảo tàng Hoàng Lang

Bảo tàng tư nhân của ông Nguyễn Vĩnh Hảo ở Quy Nhơn được mở cửa cách đây hai năm, có 1.300 hiện vật gốm Gò Sành của người Chăm. Trong bộ sưu tập của ông Hảo có hiện vật đất nung tượng thần Brahman, Vishnu, Siva, tu sĩ, bò thần Nadin, phù điêu, mặt nạ (kala) được làm sắc sảo không kém hiện vật còn ở khu đền tháp Mỹ Sơn. Bảo tàng giới thiệu dòng gốm ngự dụng vẫn gây hồ nghi là gốm của người Trung Quốc đời Tống, có màu men trắng (gọi là bạch định), như chiếc đĩa có hoa văn rồng năm móng (dấu hiệu đồ dùng của vua). Đây là nhóm cổ vật rất quý mà người sưu tầm cả trong lẫn ngoài nước đều săn lùng. Bảo tàng này hấp dẫn du khách bởi nó được thiết kế theo phong cách kiến trúc đền tháp Chăm ở Bình Định, bên trong xây dựng theo tiêu chuẩn trưng bày hiện vật của bảo tàng hiện đại, đáp ứng yêu cầu bảo vệ, giúp du khách tiếp cận thông tin giá trị của hiện vật.

Ở tận Phú Quốc cũng có một doanh nhân sau nhiều năm say mê sưu tầm cổ vật đã mở bảo tàng tư nhân mang tên Cội Nguồn, trưng bày gần 3.000 hiện vật, trong đó có gần 2.000 cổ vật, có nhiều cổ vật quý hiếm có niên đại hàng ngàn năm. Phần chính của Bảo tàng Cội Nguồn là gian nhà 1.200m2, sắp xếp những hiện vật, cổ vật theo ý đồ người sưu tầm muốn giới thiệu về Phú Quốc, một mảnh đất con người đã đến lập nghiệp từ hàng nghìn năm trước và để lại nhiều tầng văn hóa.

Và còn rất nhiều bảo tàng tư nhân khác ở TP.HCM, Hà Nội, Huế đã đóng góp vào ngành bảo tàng không chỉ những giá trị cổ xưa được gìn giữ, mà ở cách kéo người xem đến bảo tàng. Bảo tàng tư nhân thu hút đông khách vì luôn có tổ chức sự kiện, các hình thức tham quan, giải trí thư giãn kèm theo. Dù vậy, bảo tàng tư nhân chỉ có thể góp thêm một mảng nghiên cứu, sưu tầm, chứ không thể “qua mặt” về chất lượng so với bảo tàng nhà nước vốn được đầu tư lớn về kinh phí, chất xám, nhưng lại hấp dẫn người xem ở thế mạnh về kiến trúc bảo tàng, một số cổ vật độc đáo, tổ chức các hình thức kinh doanh dịch vụ kèm theo. Bảo tàng tư nhân dù không thể thay thế bảo tàng chính thống có lịch sử hình thành lâu đời, nhưng sẽ đóng vai trò cầu nối, “giúp” cho người Việt có thói quen đến bảo tàng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kỳ3: Bảo tàng tư nhân sẽ cạnh tranh với bảo tàng nhà nước?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO