![]() |
LTS - Khi vào các trang web quảng bá tour “Hành trình di sản văn hóa miền Trung”, có thể thấy những điểm tham quan khá phong phú, nhưng xin đừng ngạc nhiên vì sao chương trình không hề dẫn du khách nội địa vào bất cứ bảo tàng nào, dù đó là những bảo tàng lừng danh thế giới như Bảo tàng Điêu khắc Chăm (Đà Nẵng) hay Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế. Lý do cũng dễ hiểu, khách có nhu cầu thì nhà tour mới thiết kế, hoặc để giảm bớt chi phí tour khi không mua vé tham quan bảo tàng. Dù với bất cứ lý do gì, 95% tour nội địa gạt các bảo tàng ra khỏi chương trình cũng khiến chúng ta có suy nghĩ là một hệ thống di sản lịch sử, văn hóa không những đang bị chính người Việt bỏ quên, mà nó còn chưa thể trở thành công cụ để giáo dục về văn hóa. Chuyên đề “Bảo tàng: Di sản lịch sử, văn hóa bị bỏ quên” mong muốn cùng bạn đọc Báo Doanh Nhân Sài Gòn tìm một hướng đi cho tương lai của các bảo tàng VN.
![]() |
Đến Bảo tàng Điêu khắc Chăm (Đà Nẵng) bất cứ ngày nào cũng thấy nhộn nhịp xe du lịch đổ khách xuống tham quan. Đây là một bảo tàng lừng danh được tất cả các trang web du lịch khi viết về Việt Nam nhắc đến vì nó là bảo tàng duy nhất trên thế giới có một bộ sưu tập đầy đủ, hệ thống về điêu khắc, kiến trúc của một nền văn hóa đã suy tàn từ lâu.
Đó là bảo tàng duy nhất của VN được xếp đặt theo chuẩn mực kiểu Pháp với những hiện vật tìm thấy ở Mỹ Sơn, Đồng Dương, Trà Kiệu, Tháp Mẫm, Quảng Nam, Bình Định, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Kontum, giới thiệu với du khách những tinh hoa của nghệ thuật điêu khắc Chăm. Bảo tàng sau gần 100 năm vẫn giữ được nét đẹp của những đường gờ trang trí chạy quanh chân tường theo kiểu Chăm phối hợp với lối kiến trúc truyền thống Pháp đầu thế kỷ XX.
Trong số 500 hiện vật được trưng bày có 146 hiện vật điêu khắc đá (có niên đại từ thế kỷ VII - XIV). Có những hiện vật chưa từng được trưng bày tại bảo tàng này như tượng thần Brahma thế kỷ XI - XII, nhóm tượng An Mỹ, chim thần Garuda thế kỷ X, trụ cửa thế kỷ XI - XII, bia ký và nhóm trang trí kiến trúc thế kỷ XI - XII. Bộ sưu tập phong phú về loại hình, từ văn bia Quá Giáng đến các đài thờ, tượng nam thần, nữ thần, bò thần Nadin, rắn thần Naga hay thần Silva..., đều là những tác phẩm điêu khắc có giá trị độc đáo và đặc sắc, góp phần làm phong phú thêm bộ sưu tập của Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng.
![]() |
Khi đến đây, mỗi du khách không chỉ được chiêm ngưỡng nghệ thuật điêu khắc của người Chăm cách đây từ 7 - 13 thế kỷ, mà còn có thể lắng nghe bao chuyện về số phận chìm nổi của từng tác phẩm được đưa về đây từ những đền đài đổ nát, từ rừng già hoặc dưới sâu lòng đất. Bảo tàng trở thành một điểm nhấn đặc biệt khi du khách đi trên con đường di sản miền Trung, lần lượt ghé thăm nhiều tháp cổ ở Quảng Nam, Bình Định, Nha Trang, Phan Rang, kinh đô Trà Kiệu và đặc biệt là thánh địa Mỹ Sơn.
Trong gần 100 năm tồn tại, số phận Bảo tàng Điêu khắc Chăm trải qua rất nhiều chìm nổi, năm 1975 bị những người di tản đem tượng làm bếp nấu ăn, có lúc bị bọn đạo tặc đột nhập để trộm tượng. Sau này, những hiện vật ở đây từng là sứ giả ngoại giao văn hóa giữa VN và thế giới khi được đưa đi triển lãm ở Pháp và nhiều nước Bắc Âu. Tại đây du khách được nhìn tận mắt những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc từng được các công ty bảo hiểm quốc tế định giá từ 20 nghìn - 1 triệu USD khi di chuyển chúng sang châu Âu dự triển lãm. Du khách đến đây được tự do chụp ảnh, được cung cấp nhiều tài liệu quý bằng sách, đĩa VCD về nền văn hóa Chăm bằng tiếng Việt và Anh, giúp khách hiểu biết tường tận về những giá trị Bảo tàng đang lưu giữ. Việc quản lý và trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm được các dự án của Pháp tài trợ, chăm sóc, đảm bảo những tiêu chuẩn bảo tàng học hiện đại nhất, giúp du khách tiếp cận những giá trị văn hóa, lịch sử một cách hiệu quả nhất.
Bảo tàng Điêu khắc Chăm đã thật sự thoát khỏi số phận bị quên lãng với lượng khách mỗi năm lên đến 300 nghìn lượt người, cao nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước. 80% khách là người nước ngoài. Họ đến để ngắm những tuyệt tác nghệ thuật vĩnh viễn không thể tái hiện trong đời sống thực. Trong hầu hết tour đến Đà Nẵng dành cho khách quốc tế, Bảo tàng Điêu khắc Chăm là một điểm son không thể bỏ qua. Tiếc thay, nó chỉ là một điểm đến tuyệt vời trong suy nghĩ của người ngoại quốc.