Lời tòa soạn: Nhân kỷ niệm lần thứ 131 ngày sinh của Bác, 80 năm ngày Bác về nước lãnh đạo Cách mạng Việt Nam, Doanh nhân Sài Gòn thực hiện tuyến bài về những nhân vật, câu chuyện có đóng góp thiết thực để xây dựng quê hương, thành phố mang tên Bác ngày một giàu đẹp.
Bài 1:Ông Phan Đình Tuệ - Phó tổng giám đốc Ngân hàng Sacombank, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Nghệ Tĩnh: "Chúng tôi tự hào là người con quê hương Bác"
Bài 2: Sinh nhật Bác trong ký ức nhà văn Nguyễn Ngọc Ký
Câu chuyện hai bàn tay trắng
Năm 1911, năm ấy Bác khoảng 21 tuổi.
Nói đến việc, một thanh niên người mảnh khảnh với hai bàn tay trắng nhắc nhở chúng ta về một ý chí kiên định, dũng cảm và sáng suốt, dám nghĩ dám làm với quyết tâm cao, xuất phát từ tình cảm thương dân, yêu nước mà xả thân cho sự nghiệp giải phóng dân tộc thống nhất đất nước. Ngày nay là Doanh nhân Cựu chiến binh trong thời bình tiếp tục phát huy bản chất truyền thống anh Bộ đội Cụ Hồ trên mặt trận kinh tế với tinh thần đổi mới, sáng tạo, dấn thân.
Câu chuyện mua chiếc vòng bạc cho cháu gái ở Pắc Pó
Giữ chữ tín là phẩm chất cao quý. Nó là lời thề danh dự của quân nhân đối với Đảng, với Quân đội và nhân dân. Đó còn là chữ tín của doanh nhân trong xây dựng thương hiệu, trong cung cấp sản phẩm cho người tiêu dùng, cho đối tác, cho xã hội.
Câu chuyện về lòng quan tâm đến binh lính
Tháng 7/1967, thời tiết giữa hè nóng như thiêu như đốt, thương các chiến sĩ phòng không trực chiến trên nóc Hội trường Ba Đình không đủ nước uống, Bác đã dành số tiền tiết kiệm tặng lực lượng bộ đội phòng không Hà Nội mua thêm nước giải khát. Điều đó cho thấy, Bác quý trọng và thương chiến sĩ đến nhường nào. “Muôn vàn tình thân yêu” của Bác dành cho bộ đội còn thể hiện ở lời căn dặn của Người đối với Đảng, Nhà nước sau khi chiến tranh kết thúc, cần phải quan tâm chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và tạo công ăn việc làm cho bộ đội phục viên, chuyển ngành.
Khi còn là những quân nhân, sĩ quan trong quân đội, chúng tôi học và làm theo tấm gương đạo đức của bác, vượt qua mọi khó khăn gian khổ, hết lòng cống hiến, hy sinh và làm tròn nhiệm vụ vẻ vang, bổn phận thiêng liêng đối với Tổ quốc, với Đảng và nhân dân. Trong thời chiến, lúc hòa bình, ba chức năng chiến đấu, công tác và sản xuất đều được coi trọng. Gan dạ và dũng cảm, mưu trí và sáng tạo, tự lực tự cường, kiên nhẫn và nhiệt tình luôn luôn là những truyền thống tốt đẹp của người chiến sĩ QĐND Việt Nam.
Một nét đặc trưng tiêu biểu khác của “Bộ đội Cụ Hồ”, đó là tinh thần kỷ luật, tự giác cao. Chúng tôi nguyện mãi xứng đáng với danh xưng, danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ mà nhân dân trìu mến trao tặng, xứng đáng với lời khen ngợi của Bác Hồ kính yêu: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.
Mặc dù bận trăm công nghìn việc lo cho sự nghiệp kháng chiến kiến quốc, nhưng Bác Hồ đã dành nhiều tâm sức cho việc lãnh đạo, chỉ đạo, giáo dục quân đội từ việc lớn đến việc nhỏ. Bác căn dặn bộ đội không bao giờ được tơ hào từ cái kim, sợi chỉ của nhân dân và phải kính yêu dân, tôn trọng dân, bảo vệ dân ở mọi lúc, mọi nơi. Có rất nhiều câu chuyện mà mỗi lần nhắc lại, chúng ta đều rưng rưng xúc động về tình cảm cao đẹp của vị lãnh tụ đã dành cho cán bộ, chiến sĩ quân đội. Tình cảm của Bác Hồ với bộ đội và bộ đội với Bác Hồ là một tình cảm đặc biệt, hiếm có giữa lãnh tụ với chiến sĩ, đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi, một lòng một dạ vì Nước vì Dân và giữa các chiến sĩ với lãnh tụ như đàn con với người cha của mình. Tình cảm của Bác với bộ đội rất đỗi đời thường, rất đỗi con người, giản dị mà vĩ đại, bền bỉ sâu lắng.
Niềm tin của Bác dành cho giới công thương
Ngày 13/10/1945, trong bức thư động viên, đặt niềm tin và khẳng định vai trò, sứ mệnh của doanh nhân, Bác viết: “Trong lúc các giới khác trong quốc dân đang nỗ lực giành lấy hoàn toàn nền độc lập, thì giới công thương cũng phải cố gắng nỗ lực để xây dựng nền kinh tế, tài chính vững vàng và thịnh vượng. Việc nước, việc nhà bao giờ cũng đi liền với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là sự kinh doanh của các nhà công thương nghiệp thịnh vượng. Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới công thương trong cuộc kiến thiết này…”.
Tư tưởng nhân văn của Hồ Chủ tịch về doanh nghiệp và doanh nhân, về mục tiêu phát triển nền kinh tế đất nước đã tạo được lòng tin như một lời hiệu triệu để tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội, tạo làn sóng tích cực cho phong trào thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được hiện thực hóa. Đại hội VI Đảng Cộng sản Việt Nam (12/1986) khởi xướng công cuộc đổi mới với chính sách kinh tế nhiều thành phần.
Thực hiện quan điểm của Đảng phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Phát huy tinh thần “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời bình và “chống dịch”
Tiếp tục thực hiện tư tưởng của Người, và các Nghị quyết của Đảng những anh Bộ đội Cụ Hồ trở về đời thường lại bước vào “Chiến trường mới” với tâm thế, bản chất, truyền thống quý báu trong đời quân ngủ, chúng tôi những chủ hộ kinh doanh, chủ trang trại, chủ doanh nghiệp tiếp tục phát huy bản chất truyền thống anh bộ đội mang tên Bác, sản xuất kinh doanh tạo sản phẩm cho xã hội, phát triển kinh tế góp phần củng cố quốc phòng. Với những kiến thức được trang bị, kinh qua thực tiễn chiến đấu, lao động và công tác ,cộng với bản chất truyền thống anh Bộ đội Cụ Hồ ,chúng tôi những doanh nhân Cựu chiến binh trân trọng những năm tháng ở môi trường quân đội, cám ơn sự dạy bảo, rèn luyện, tu dưỡng theo tấm gương đạo đức của Bác, chúng tôi nguyện xứng đáng những doanh nhân Cựu chiến binh của thành phố mang tên Bác.
Trong thời gian qua mặc dù ảnh hưởng Covid 19, nền kinh tế thế giới đa số tăng trưởng âm nhưng kinh tế Việt nam, kinh tế TP.HCM, trong đó có doanh nhân Cựu chiến binh phát triển khởi sắc. Đặc biệt các doanh nhân cựu chiến binh với ý chí, đổi mới sáng tạo dám nghĩ dám làm đã chuyển đổi từ sản xuất giày da sang găng tay y tế xuất khẩu thành công như đồng chí Hùng, phát triển đội tàu duy trì hoạt động cảng biển như đồng chí Chuyền và nhiều đồng chí khác trong các lĩnh vực: kinh doanh, dịch vụ, phục vụ sản xuất, phục vụ đời sống, sức khỏe của nhân dân.
Không chỉ phát triển cho riêng mình với tinh thần đồng đội chúng tôi hỗ trợ củng cố, thành lập các câu lạc bộ Hội viên làm kinh tế giỏi ở phường, xã. Thành lập câu lạc bộ Cựu chiến binh - Cựu quân nhân cấp quận, huyện và cấp Thành phố có Hội doanh nhân Cựu chiến binh. Mục đích của Hội hay câu lạc bộ là để tập hợp giúp đỡ nhau trong khởi nghiệp, hổ trợ vốn, nghề, con, cây giống, tương trợ, hợp tác giúp đỡ như tình đồng đội năm xưa xóa nghèo, làm giàu hợp pháp.
Tình bạn chiến đấu, nay được duy trì bằng các hoạt động: “ Nghĩa tình đồng đội”, các quỹ “Xóa đói, giảm nghèo”, quỹ “Giúp nhau phát triển kinh tế”, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa,thăm hỏi người có công,sửa chữa, xây nhà nghĩa tình đồng đội ,các hoạt động thiện nguyện giúp đỡ đồng bào thiên tai lũ lụt ,được các doanh nhân, Hội Cựu chiến binh thành phố thực hiên thường xuyên . Không những vậy chúng tôi luôn hướng về biên giới, biển đảo, những đồng đội của chúng tôi đang ngày đêm căng mình chống Covid, chống buôn lậu, thổ phỉ, giữ vững biển đảo, biên cương của Tổ quốc, bằng hành động thăm hỏi động viên tặng quà cho bộ đội đang làm nhiệm vụ.
Chúng ta đã làm theo lời Bác, giữ trọn lời thề với Bác, biến niềm tin son sắt, ý chí mãnh liệt và nghị lực phi thường của Bác thành hiện thực, thỏa lòng mong ước của Người. Chỉ tiếc rằng, trong ngày toàn thắng, Bác của chúng ta không còn nữa.
Giờ đây, trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, quân dân ta đã và đang tiếp tục thực hiện lời Bác dạy: “Xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, xây dựng thành công một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”. Đó là điều mong muốn cuối cùng, cũng là tâm nguyện thiêng liêng của Người.
(*) Bài viết của tác giả Nguyễn Lương Quân - Phó Chủ tịch thường trực - Tổng Thư ký Hội Doanh nhân Cựu Chiến binh TP. HCM.