Khung cảnh mỹ thuật tại Festival Huế 2016

PHẠM ĐÁN BÌNH/DNSGCT| 09/05/2016 06:42

Trong hàng loạt hoạt động văn hóa nghệ thuật diễn ra tại Festival Huế 2016, có nhiều cuộc triển lãm tác phẩm mỹ thuật đa dạng và phong phú về chủ đề.

Khung cảnh mỹ thuật tại Festival Huế 2016

Trong hàng loạt hoạt động văn hóa nghệ thuật diễn ra tại Festival Huế 2016 (từ ngày 29/4 - 3/5), có nhiều cuộc triển lãm tác phẩm mỹ thuật đa dạng chủ đề với sự tham dự của rất nhiều nghệ sĩ tạo hình ba miền Bắc, Trung, Nam cùng các bạn đồng nghiệp đến từ Pháp, Ấn Độ và Lào.

Đọc E-paper

Phòng tranh “Hội ngộ” mở đầu các hoạt động văn hóa, nghệ thuật chào mừng Festival Huế 2016. Khai mạc tại Bảo tàng Hồ Chí Minh của TP. Huế (số 7 Lê Lợi) sáng 27/4, “Hội ngộ” là cuộc gặp gỡ của các tác giả Pháp, Ấn Độ, Lào và Việt Nam với khoảng 50 tác phẩm hội họa và điêu khắc. Triển lãm do họa sĩ Pháp gốc Việt Nguyễn Quý Kiên Henri khởi xướng và đã được tiến hành nhiều lần trước đây tại các bảo tàng lớn của ba miền.

Tô điểm vào bức tranh chung của các nghệ sĩ trong nước (Trương Bé, Tào Hương, Xuân Lân, Tô Trần Bích Thúy, Nguyễn Văn Vũ, Phạm Huy Hùng…) là các sáng tác đậm dấu ấn văn hóa bản địa của các họa sĩ Ấn Độ và Lào.

Poster triển lãm "Hội ngộ"

Cũng khai mạc trong ngày 27/4 là triển lãm hội họa “Lại về lại” được tổ chức tại tòa soạn Tạp chí Sông Hương (số 9 Phạm Hồng Thái), giới thiệu 24 tác phẩm của 18 tác giả (Đặng Mậu Tựu, Đặng Mậu Triết, Nguyễn Thượng Hải, Nguyễn Thượng Hỷ, Lê Duy Đoàn, Nguyễn Ánh Dương, Tôn Nữ Tâm Hảo, Hoàng Chức, Tuyết Hiền…), qua đó các mặt của đời sống hôm nay, chiều sâu văn hóa Huế được thể hiện dưới lăng kính mỹ thuật.

Được khởi động từ năm 2008, “Lại về lại” năm nay là cuộc trở về lần nữa của các họa sĩ xuất thân từ Huế hay yêu mến xứ Huế để cùng nhau trò chuyện nghệ thuật trên đất cố đô.

Chân dung Trịnh Công Sơn do nhiều tác giả Huế vẽ chung

Đáng chú ý là triển lãm “15 năm nhớ Trịnh Công Sơn” được khai mạc vào chiều 30/4 tại Khách sạn Hoàng Cung; đây là lần đầu tiên có một cuộc tập hợp của khoảng 30 họa sĩ đến từ Huế, Đà Nẵng, Hà Nội và TP.HCM cùng hai tác giả ở Mỹ và Canada, tất cả cùng sáng tác với cảm hứng từ cuộc đời và tác phẩm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - một người con xứ Huế mà năm nay là dịp kỷ niệm 15 năm ngày ông rời cõi tạm.

Ngoài một chương trình ca nhạc hoành tráng được tổ chức ngay trên con đường mang tên Trịnh Công Sơn bên bờ sông Hương vào đêm 1/5, gia đình và các bạn hữu của nhạc sĩ đã thực hiện triển lãm mỹ thuật như nêu trên và được đưa vào chương trình chính thức của Festival Huế 2016.

Tranh sơn dầu của Vũ Duy Tâm

Tại triển lãm “15 năm nhớ Trịnh Công Sơn”, ở mảng tác phẩm của mỹ thuật Huế, ngoài một số tác phẩm được mượn từ triển lãm “Niệm” đã diễn ra khoảng một tháng trước đó tại tòa soạn Tạp chí Sông Hương, có nhiều tranh mới sáng tác của các họa sĩ trẻ.

Các nghệ sĩ tạo hình của xứ Huế như Đặng Mậu Tựu, Đặng Mậu Triết, Phạm Trinh, Lê Văn Nhường, Nguyễn Đăng Sơn, Vũ Duy Tâm, Nguyễn Ánh Dương, Tôn Thất Minh Nhật, Nguyễn Đình Dàng, Trần Hữu Thục…, mỗi người mang đến phòng tranh một đóa hoa với hương sắc riêng, đặc biệt là một bức chân dung Trịnh Công Sơn khổ rất lớn được nhiều họa sĩ vẽ chung, như chia sẻ của họa sĩ Đặng Mậu Tựu: “Chúng tôi đã vẽ tranh trong một không gian lan tỏa âm nhạc của Trịnh Công Sơn bởi sự hứng khởi như một cuộc lên đồng với nhạc nền của ông”.

Tranh dán giấy của Tô Trần Bích Thúy

Các họa sĩ Đà Nẵng cũng rất hào hứng với lời mời tham dự triển lãm “15 năm nhớ Trịnh Công Sơn” nên chỉ trong một thời gian khá ngắn ngủi đã có hàng chục tác phẩm của các họa sĩ Vũ Dương, Trần Thị Cúc, Hồ Đình Nam Kha, Tôn Nữ Tâm Hảo, Nguyễn Hữu Cân, Trần Hải, Nguyễn Quang Hiệp, Đỗ Thanh… gửi đến phòng tranh.

Âm nhạc Trịnh Công Sơn, như nữ họa sĩ Tôn Nữ Tâm Hảo tâm sự, luôn hiện diện trong cuộc sống hôm nay của chị và các đồng nghiệp ở thành phố bên sông Hàn nên cảm hứng đến với họ thật tràn trề khi bắt tay sáng tác.

Tranh sơn dầu của Vũ Dương

Bên cạnh tác phẩm của các họa sĩ Huế và Đà Nẵng, phòng tranh “15 năm nhớ Trịnh Công Sơn” có sự góp mặt của lão họa sĩ Bùi Quang Ngọc và họa sĩ Nguyễn Thế Cường (Cường Tuse) đến từ TP.HCM và 2 tác giả trẻ Nguyễn Gia Bách, Hà Minh Tuấn đến từ Hà Nội.

Đặc biệt, từ Boston, họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi đã gửi về một phác thảo chì tuyệt đẹp thể hiện Trịnh Công Sơn với cây đàn guitar đầy thần thái và tình cảm.

Phòng tranh còn nhận được 2 tác phẩm của họa sĩ Alexandre Slim Mehiri đến từ Canada. Chàng nghệ sĩ trẻ này chính là người đã miệt mài vẽ tranh chân dung Trịnh Công Sơn tại đường sách Sài Gòn những ngày gần đây, thu hút sự quan tâm của nhiều người. Alex, như cách gọi thân mật tên của anh, đã vẽ hai bức tranh khổ lớn ngay tại Huế và mới hoàn thành chỉ 2 hôm trước ngày khai mạc triển lãm.

Là người có “duyên nợ” với Việt Nam (nhiều thế hệ trong dòng tộc của Alex đã sống và làm việc tại Sài Gòn và vùng đất Tây Nam bộ những năm xa xưa) cũng như bị thu hút bởi cuộc đời và tác phẩm của Trịnh Công Sơn nên Alex đã có thật nhiều cảm xúc với chủ đề của triển lãm như anh bày tỏ.

Đến với triển lãm trước giờ khai mạc, họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Phó chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam và PGS, họa sĩ Phan Thanh Bình - Hiệu trưởng Trường đại học Mỹ thuật Huế đều nhận định triển lãm “15 năm nhớ Trịnh Công Sơn” là một sự kiện đáng nhớ tại Festival Huế 2016.

>"Tiệc văn hóa" Festival Huế 2016

>Festival Văn hóa Tơ lụa Việt Nam - Châu Á 2016: Tơ lụa khoe mình

>Tùng Dương tham dự Festival Jazz Châu Á

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Khung cảnh mỹ thuật tại Festival Huế 2016
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO