Khán giả Việt chưa sẵn sàng?

CHU TRẦN MINH ĐỨC| 14/02/2014 07:11

Sau 6 năm kể từ ngày Việt Nam Idol, chương trình truyền hình thực tế (reality show) đầu tiên có mặt trên sóng truyền hình quốc gia, đến nay, khán giả vẫn chưa có khái niệm cụ thể về truyền hình thực tế.

Khán giả Việt chưa sẵn sàng?

Sau 6 năm kể từ ngày Việt Nam Idol, chương trình truyền hình thực tế (reality show) đầu tiên có mặt trên sóng truyền hình quốc gia, đến nay, khán giả vẫn chưa có khái niệm cụ thể về truyền hình thực tế. Để rồi, đến khi Big Brother (Người giấu mặt) xuất hiện với những hình ảnh được cho là "phản cảm", ngay lập tức khiến nhiều khán giả hoang mang...

Đọc E-paper

>Giá trị nhân văn trong truyền hình thực tế
>Vì sao truyền hình thực tế khiến đám đông phát cuồng?
>
Truyền hình thực tế nước ngoài chi tiền "khủng"

Có vẻ như truyền hình thực tế về tìm kiếm các tài năng như ca hát, trình diễn thời trang... bắt đầu tụt dốc. Năm ngoái, nếu như khán giả đã "sốt" với phiên bản The Voice đình đám, thì năm nay mọi thứ liên quan đến chương trình này đã hạ nhiệt hoàn toàn.

Việt Nam Idol mặc dù đã hết sức cố gắng mỗi năm tìm ra một nhân tố khác biệt nhưng vẫn không thể phủ nhận thất bại mùa thứ tư đã làm cho mùa thứ năm hạ nhiệt thấy rõ. Thậm chí The Voice Kids chỉ mới năm đầu tiên đã gây ra những điều tiếng trái chiều quanh việc "bán trẻ con" để kiếm tiền quảng cáo.

Thực hư thế nào chỉ có nhà đài và ban tổ chức quan tâm, còn khán giả chê bai những chương trình này vì một lý do khác. Bội thực là yếu tố đầu tiên khiến cho những chương trình tìm kiếm tài năng ca hát trở nên nhàm chán.

Dân số Việt Nam đang phát triển nhưng không hẳn tỷ lệ thuận với số lượng tài năng ca hát, nhảy múa... Cứ mỗi năm, người ta tìm kiếm nhân tài qua hàng loạt cuộc thi, dễ dẫn đến cạn kiệt thí sinh lẫn chiêu trò.

Điều này có thể thấy rõ qua X-Factor sắp sửa phát sóng mùa đầu tiên, khi chương trình này quy tụ toàn người quen khiến khán giả chưa xem đã... hết tò mò muốn xem. Khán giả càng ngán cảnh ca sĩ hạng B, hạng C giành sân chơi vốn chỉ dành cho những nhân tố "from zero to hero" - những thí sinh vô danh, chưa được đào tạo.

Khán giả Việt vốn tò mò nên những chương trình đầu tiên bao giờ cũng mang lại vinh quang và đã làm nhà sản xuất lầm tưởng. Điển hình, chương trình truyền hình thực tế "sạch sẽ” nhất hiện nay là So you think you can dance (Thử thách cùng bước nhảy) cũng chỉ "nóng" trong phút chốc.

Những giọt nước mắt của mùa thứ hai gần như không còn sức thuyết phục. Nhất là khi chỉ sau một năm, hàng loạt sân chơi về khiêu vũ, nhảy múa đua nhau mọc lên, như Bước chân hoàn vũ, Got to dance... lấn sóng.

Tất nhiên, dù So you think you can dance bài bản hơn nhưng để đi đường dài, nó cần phải thay một kịch bản khác để đảm bảo tính hấp dẫn. Những chương trình còn lại như cũng gặp phải phản ứng dữ dội từ truyền thông vì thiếu thuyết phục về cả thí sinh lẫn giám khảo (Việt Nam Next Top Model, Cặp đôi hoàn hảo), thiếu chuyên nghiệp (Việt Nams Got Talent)...

Có ý kiến cho rằng, khán giả Việt vẫn chưa hoàn toàn hiểu về truyền hình thực tế, đặc biệt là những chương trình đúng nghĩa như Cuộc đua kỳ thú (Amazing Race) và Người giấu mặt (Big Brother).

Khái niệm không rõ ràng về "reality show" khiến cho mặt bằng khán giả xem truyền hình thực tế được phân luồng thấy rõ. Trải nghiệm mang tính nhân cách trong Cuộc đua kỳ thú Người giấu mặt được trình bày cụ thể, đánh thẳng vào tâm lý người xem nên nếu chưa chuẩn bị tâm lý sẽ dễ bị dội gáo nước lạnh.

Khán giả Việt vừa lên án những chiêu trò dàn xếp, trao đổi kết quả mờ ám, vừa tẩy chay những sự thật trần trụi của truyền hình thực tế. Họ mặc định tất cả phải là những gì đẹp đẽ nhất phô diễn trên truyền hình, bất kể giả hay thật.

Nên người ta trách cứ tại sao một anh diễn viên điển trai chuyên đóng "kép chính" lại cư xử thô lỗ, tại sao một người mẹ đơn thân lại cởi áo trên truyền hình... mà không hề theo dõi đường dây câu chuyện từ trước.

Nếu như Cuộc đua kỳ thú phải chờ đến mùa thứ hai mới gây sốt thì Người giấu mặt mùa đầu tiên đã không may chạm phải luồng dư luận gay gắt chỉ vì khán giả không hiểu định nghĩa của một "reality show" truyền thống.

Bản chất của "reality show" là khiến cho người xem hiểu rõ bản chất của chính mình, và với những tranh luận thời gian vừa qua, điều đó đã đúng phần lớn khi không chỉ "vạch trần" thí sinh mà với cả nhóm khán giả thiểu số còn lại cũng nhận ra được giá trị thật sự từ những chương trình truyền hình thực tế.

Chương trình truyền hình thực tế Thần tượng âm nhạc Việt Nam (Vietnam Idol) mùa đầu tiên được đơn vị sản xuất là Đông Tây Promotion và đơn vị tài trợ là Unilever xác nhận bỏ ra 2 triệu USD để mang phiên bản này về Việt Nam. Theo thống kê, các chương trình Tìm kiếm tài năng Việt, Cặp đôi hoàn hảo, Gương mặt thân quen thu hút khoảng 50 - 70 quảng cáo mỗi chương trình. Tính theo chi phí quảng cáo dài 10 giây là 90 triệu đồng, 108 triệu đồng cho quảng cáo dài 15 giây, 135 triệu đồng cho quảng cáo dài 20 giây và 180 triệu đồng cho quảng cáo dài 30 giây thì có thể thấy sau hơn hai giờ phát sóng, một chương trình truyền hình thực tế có thể thu về khoảng 10 tỷ đồng.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Khán giả Việt chưa sẵn sàng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO