Hương Xuân muôn nẻo miền Tây

Quyền Trân| 29/01/2023 07:00

Thiên nhiên trong lành, ruộng đồng mênh mông, đan xen là kênh rạch chằng chịt... những nét đặc trưng của miền Tây đã tạo nên không khí Tết miệt sông nước gam màu riêng chân chất, đậm đà. Tết miền Tây dù xưa hay nay, dù trong cảnh thiếu thốn hay sung túc cũng ngời sáng nghĩa tình của những tấm chân quê.

Dấu ấn từ thuở khai hoang mở cõi đã ăn sâu vào nếp sống, lối sinh hoạt của con người miền Tây. Sống trên vùng đất trù phú, được thiên nhiên ưu ái cho nhiều sản vật, cùng với đó là những dòng sông trĩu nặng phù sa... người miền Tây đã hình thành nên nét tính cách đặc trưng là hồn hậu, phóng khoáng và hào sảng. Do vậy, cách người dân ở đây đón Tết cũng thật đặc biệt, tạo nên nét chấm phá độc đáo trong dòng chảy văn hóa của vùng sông nước Cửu Long.

-2834-1674025043.jpg

Phong tục đón Tết miền sông nước

Một năm được ba ngày Tết nên ở bất cứ gia đình nào, dù giàu hay nghèo, dù sang hay khó, dù cuộc sống lênh đênh sông nước hay ở trên bờ... thì mâm cúng ông bà, tổ tiên phải luôn được chuẩn bị đầy đủ những món ăn đặc trưng. Nếu miền Bắc có thịt đông, bánh chưng thì mâm cỗ Tết của người miền Nam nói chung và miền Tây nói riêng phải có thịt kho và bánh tét, điểm tô bằng chậu hoa vạn thọ và không thể thiếu nhành mai Xuân đằm thắm sắc vàng của nắng phương Nam.

Ngày trước, người miền Tây chỉ thường gói bánh tét vào những dịp trọng đại như lễ Tết, đám tiệc hay cúng quảy. Trước là cúng ông bà, sau là để con cháu được thưởng thức hương vị của món bánh truyền thống. Có khi cả xóm hùn nhau nấu một nồi bánh tét, nhà góp thịt, nhà góp nếp, nhà góp đậu, nhà góp lá, nhà góp công. Người lớn nấu bánh, trẻ nhỏ canh lửa... tuy vất vả nhưng tiếng nói cười không giây phút nào ngơi.

Ngày nay, điều kiện cuộc sống đủ đầy hơn, hình ảnh cả xóm xúm xít bên nồi bánh tét to đùng đêm giao thừa dần trở thành quá vãng. Người miền Tây đến nay vẫn còn giữ thói quen nấu bánh tét, nhưng đã chuyển từ quy mô xóm làng sang quy mô gia đình. Trong đêm giao thừa, cả nhà quây quần bên nhau canh nồi bánh tét đã trở thành hình ảnh không thể quên trong lòng mỗi đứa con miền Tây.

Rộn ràng chợ Tết trên sông

-1862-1674025043.jpg

Với hơn 54.000km chiều dài của sông rạch, miền Tây Nam Bộ chứa đựng một nền văn minh, văn hóa sông nước đặc trưng không nơi nào có được ở Việt Nam. Nổi bật trong đó là những chợ nổi được hình thành từ thời di chuyển bằng ghe xuồng trên sông nước còn phổ biến. Ở đồng bằng sông Cửu Long hiện còn nhiều chợ nổi khá nổi tiếng như Phong Điền, Cái Răng (Cần Thơ), Ngã Năm (Sóc Trăng)...

Xuân về, cách đón năm mới độc đáo của nhịp sống thương hồ là điều không thể không nhắc đến khi nói về không khí Tết ở miền Tây. Ngày thường, chợ nổi vốn đã tấp nập, những ngày cận Tết, chợ lại càng thêm sôi nổi. Tiếng rao, tiếng mời chào, trả giá râm ran, mang lại sức sống cho cả một khúc sông dài. Nét đẹp phiên chợ quê miền sông nước trở nên lãng mạn hơn khi đi vào rất nhiều thi ca.

Từ Tết ông Công ông Táo, ghe xuồng từ miệt vườn lũ lượt về họp chợ với khoang chất đầy cây trái tươi ngon, nào là bưởi, khóm, xoài, dừa... Một loại trái không thể thiếu trong những ngày Tết và được tiêu thụ mạnh bậc nhất ở miền Tây là dưa hấu. Theo phong tục, hằng năm, mỗi nhà đều chọn cặp dưa lớn cân đối, tròn trịa chưng trên bàn thờ tổ tiên. Hầu như địa phương nào ở miền Tây cũng trồng được dưa hấu, nên ở phiên chợ Tết trên sông, các ghe dưa hấu có số lượng vượt trội hơn hẳn.

Những lượt ghe, xuồng chở đầy hoa cũng làm cho không khí chợ nổi những ngày giáp Tết thêm rộn ràng. Có nhiều loại hoa được bày bán, nhưng được tiêu thụ mạnh nhất là mai vàng và hoa cúc, mồng gà đỏ, vạn thọ. Sắc vàng trở thành gam màu chủ đạo, báo hiệu một mùa Xuân nữa lại về trên những phiên chợ trên sông.

Bình thường, nhìn vào cây bẹo treo ở đầu ghe là người mua có thể biết ghe đó bán đồ dùng, trái cây, đồ ăn, thức uống hay nông sản... Với những ghe hoa Tết, chỉ cần nhìn màu sắc là đủ để biết chiếc ghe đó đang bán loại hoa nào.

Tết ở miền Tây không cầu kỳ, khuôn sáo mà đơn giản, ấm áp, đề cao tình cảm gia đình, tình nghĩa xóm làng, thể hiện rõ nét đặc trưng trong tính cách của những con người miền sông nước mênh mang. Ngày Tết chỉ cần vài cây hoa vạn thọ trước nhà, nhành mai chưng cho vui nhà vui cửa; không có pháo thì có tiếng trẻ con chúc Tết, chạy chơi quanh sân nhà; bạn bè, gia đình đến nhà nhau chúc Tết, ăn miếng bánh tét, mứt dừa... cũng đã quá đủ đầy. Tết là phải vui, cho năm mới vạn sự hanh thông. Tết miền Tây là vậy, đơn giản mà nhiều nghĩa, nặng tình! 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hương Xuân muôn nẻo miền Tây
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO