Hội nghị Văn hóa 2021: Hiện thực hóa hệ giá trị của người Việt trong thời đại mới

P.V| 23/11/2021 03:30

Ngày 24/11/2021, Ban Tuyên giáo Trung ương cùng Bộ Văn hóa - Thể thao và du lịch sẽ tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc, triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội XIII tại Hà Nội.

Theo Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Ban tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc (Hội nghị) Phùng Xuân Nhạ, Hội nghị lần này nhằm đánh giá việc triển khai đường lối, chủ trương, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ thời gian qua, cũng như kết quả xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn 2021-2026, tầm nhìn đến năm 2045.

[Caption]

Ông Phùng Xuân Nhạ - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo, Trưởng Ban tổ chức Hội nghị

Diễn đàn để lắng nghe

Hội nghị đồng thời là diễn đàn để lắng nghe và là dịp cổ vũ, động viên các nhà văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất trong ý chí, hành động; liên kết các lực lượng làm công tác văn hóa, văn nghệ trong và ngoài nước tạo thành một mặt trận đồng lòng, dốc sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân.

Bên cạnh đó là khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại, triển khai thắng lợi nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Nhiệm kỳ Đại hội XIII đã xác định nhiệm vụ trọng tâm là: "Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế".

Hệ giá trị quốc gia lần đầu tiên được xác định trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng, giữ vai trò chi phối, bao trùm hệ giá trị văn hóa con người Việt Nam, chuẩn mực văn hóa cụ thể của con người Việt Nam và hệ giá trị gia đình Việt Nam. Đây là vấn đề mới, cần được nghiên cứu, xác định.

Định hướng phát triển văn hóa và con người trong giai đoạn mới

Để thực hiện những yêu cầu đề ra, cần xác định một hệ giá trị được sự đồng thuận cao, được khẳng định là những giá trị định hướng cho toàn xã hội và từ đó tổ chức triển khai đồng bộ, bài bản, thực tiễn, cụ thể và kiên trì trong thực tiễn đời sống. Theo đó, có 8 định hướng phát triển văn hóa và con người trong giai đoạn mới như sau:

1. Tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của phát triển văn hóa, xây dựng con người, trách nhiệm, năng lực của các cấp ủy đảng, chính quyền về vai trò của văn hóa và con người trong phát triển bền vững đất nước, xác định phát triển văn hóa, xây dựng con người là một nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị. Gắn các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển văn hóa, xây dựng con người với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành, từng cấp…

Link bài viết

2. Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về văn hóa, đổi mới tư duy quản lý văn hóa, cải cách bộ máy quản lý nhà nước về văn hóa. Kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về văn hóa theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; phân định rõ trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa ở trung ương và địa phương, đề cao vai trò, vị trí, nhiệm vụ của cấp cơ sở. 

Tập trung đầu tư các thiết chế văn hóa quy mô quốc gia, đồng bộ hóa hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, tạo hệ thống dịch vụ văn hóa công hiện đại, phù hợp đặc thù vùng, miền, dân tộc; ưu tiên đầu tư xây dựng, tổ chức hoạt động các thiết chế văn hóa cơ sở ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; phát huy vai trò của chủ thể văn hóa trong xây dựng, tổ chức hoạt động tại các thiết chế văn hóa cơ sở, không áp đặt, khuôn mẫu; khuyến khích thành lập và tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ phát triển, hoạt động các thiết chế văn hóa ngoài công lập.

3. Phát triển nguồn nhân lực ngành văn hóa, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Xây dựng chính sách sử dụng cán bộ văn hóa hợp lý, phù hợp với chuyên môn, trình độ, năng lực ở tất cả các cấp quản lý. Hoàn thiện chế độ, chính sách đãi ngộ đặc thù đối với trí thức, văn nghệ sĩ, nghệ nhân. 

Đầu tư phát triển các trường văn hóa nghệ thuật trên cả nước theo định hướng mới, khoa học, hiện đại, phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Khuyến khích nghệ sĩ, nghệ nhân tham gia giảng dạy các ngành nghệ thuật đặc thù. Thực hiện chính sách miễn, giảm học phí cho học sinh các bộ môn nghệ thuật truyền thống dân tộc.

4. Xây dựng văn hóa trong chính trị, trong kinh tế. Chú trọng xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể; coi đây là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Coi trọng xây dựng văn hóa trong kinh tế. 

Tạo lập môi trường văn hóa pháp lý, thị trường sản phẩm văn hóa minh bạch, tiến bộ, hiện đại để các doanh nghiệp tham gia xây dựng, phát triển văn hóa. Phát huy ý thức và tinh thần dân tộc, động viên toàn dân, trước hết là các doanh nghiệp, doanh nhân xây dựng, phát triển các thương hiệu Việt Nam có uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế.

5. Phát triển thị trường văn hóa, các ngành công nghiệp văn hóa để đáp ứng nhu cầu tiếp nhận, hưởng thụ của người tiêu dùng và thị trường ngoài nước. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các ngành công nghiệp văn hóa gắn với ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại; nâng cao hàm lượng khoa học kỹ thuật trong chuỗi sản xuất sản phẩm, dịch vụ của các ngành công nghiệp văn hóa; phát triển mạng lưới doanh nghiệp. 

Đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ văn hóa. Xây dựng và phát triển thị trường sản phẩm dịch vụ văn hóa của Việt Nam ở nước ngoài. Tổ chức các sự kiện văn hóa nghệ thuật quốc tế tại Việt Nam trở thành các sự kiện thường niên, có uy tín khu vực và thế giới.

[Caption]

Một trong các định hướng phát triển văn hóa trong thời đại mới là ưu tiên đầu tư xây dựng, tổ chức hoạt động các thiết chế văn hóa cơ sở ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Ảnh minh hoạ

6. Tập trung nguồn lực từ Nhà nước và các thành phần kinh tế khác đầu tư cho phát triển văn hóa, xây dựng con người. Xây dựng và thực hiện cơ chế, chính sách ưu đãi về đất, tín dụng, thuế, phí đối với các cơ sở đào tạo và thiết chế văn hóa do khu vực tư nhân đầu tư, đặc biệt là ở vùng còn khó khăn. 

Khuyến khích hình thành các quỹ đào tạo, khuyến học, phát triển nhân tài, quảng bá văn học nghệ thuật, phát triển điện ảnh, hỗ trợ xuất bản. Xây dựng một số công trình văn hóa trọng điểm. Các địa phương, các cơ quan, công sở, trường học, khu công nghiệp, doanh nghiệp, khu dân cư... có thiết chế văn hóa phù hợp để người dân tham gia hoạt động và hưởng thụ văn hóa.

7. Phát triển văn học, nghệ thuật đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế, xây dựng con người Việt Nam theo tinh thần nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới. 

Quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống báo chí đáp ứng yêu cầu phát triển, bảo đảm thiết thực, hiệu quả. Chú trọng công tác quản lý các loại hình thông tin trên mạng Internet để định hướng tư tưởng và thẩm mỹ cho nhân dân, nhất là cho thanh niên, thiếu niên...

8. Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế về văn hóa, thực hiện đa dạng các hình thức văn hóa đối ngoại, đưa các quan hệ quốc tế về văn hóa đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực; tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới. Phát huy tài năng, tâm huyết của trí thức, văn nghệ sĩ người Việt Nam ở nước ngoài trong việc tham gia phát triển văn hóa của đất nước, trở thành cầu nối quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Việt Nam. 

Chú trọng truyền bá văn hóa Việt Nam, dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài ở Việt Nam. Xây dựng một số trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài và trung tâm dịch thuật, quảng bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài. Xây dựng cơ chế, chính sách phát triển văn hóa đối ngoại; hỗ trợ quảng bá nghệ thuật quốc gia và xuất khẩu các sản phẩm văn hóa ra nước ngoài.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hội nghị Văn hóa 2021: Hiện thực hóa hệ giá trị của người Việt trong thời đại mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO