Góc nhìn phim Việt tại Busan

CHU TRẦN MINH ĐỨC| 16/10/2014 08:06

Mặc dù chỉ là liên hoan phim (LHP) trong khu vực châu Á, song nhiều năm qua, Busan luôn tạo được sân chơi vừa hấp dẫn, vừa đủ kịch tính khi thu hút được nhiều bộ phim hay đến từ các quốc gia lân cận.

Góc nhìn phim Việt tại Busan

Mặc dù chỉ là liên hoan phim (LHP) trong khu vực châu Á, song nhiều năm qua, Busan luôn tạo được sân chơi vừa hấp dẫn, vừa đủ kịch tính khi thu hút được nhiều bộ phim hay đến từ các quốc gia lân cận. Việc phát triển một LHP quốc tế tại châu Á càng giúp cho điện ảnh châu Á nói chung và điện ảnh Việt Nam nói riêng có cơ hội chuyển mình mạnh mẽ.

Đọc E-paper

Yếu tố "ngoại"

Cả 3 phim nói tiếng Việt tham gia LHP Busan lần này đều có yếu tố "ngoại". Cụ thể, Dịu dàng của đạo diễn Việt kiều Lê Văn Kiệt được chuyển thể từ truyện Một sinh vật dịu dàng của nhà văn Nga Dostoyevsky. Mặc dù được quay toàn bộ tại miền Tây Nam bộ nhưng qua bài bình luận ở Busan, sự khác biệt của người sống và học tập theo tư duy phương Tây đã được áp đặt lên bộ phim.

Phim ít thoại, ít nhân vật, tính chất tối giản trong ngữ điệu melodrama (phim chậm) càng làm tăng tính tách bạch giữa Dịu dàng so với những phim có cùng đề tài được quay ở các vùng sông nước trước đây. Trong khi đó, cũng là Việt kiều nhưng Nguyễn Võ Nghiêm Minh lại làm phim thuần Việt với cốt truyện, nhân vật không khác gì bước ra từ chính cuộc sống hằng ngày.

Đề tài của Nước cập nhật xu hướng phim ảnh năm 2014: khoa học viễn tưởng. Trong năm 2013 vừa qua, Hollywood đã cho ra đời hàng loạt phim kiểu này (Under the skin, The signal...) nhưng theo cách kể chuyện khá đặc biệt. Với xu hướng làm phim hội nhập, tìm kiếm đề tài mới mà không mới, Nước vẫn là một nhân tố bí ẩn chờ ngày được khán giả khám phá.

Nước đã có mặt từ đầu năm tại LHP Berlin trong mục Góc nhìn mới. Tuy nhận được phản ứng tích cực dành cho phim đến từ Việt Nam, song Nước vẫn đang đi tìm nguồn phát hành.

Tác phẩm còn lại cũng là bộ phim làm hao tốn không ít giấy mực của báo chí trong nước thời gian qua: Đập cánh giữa không trung. Hoàn thành nhờ công sức của ê-kíp lẫn tài trợ của các đối tác bên ngoài, bộ phim của nữ đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp ngay từ đầu đã mang nhiều yếu tố hướng ngoại.

Không chỉ hướng ngoại về tư tưởng, cách kể chuyện, ê-kíp sản xuất lẫn ê-kíp kỹ thuật đều là những người nước ngoài. Tất cả đều nhằm đảm bảo chất lượng, tính đồng bộ về mặt nội dung, hình ảnh cho phim.

Các bộ phim với những câu chuyện khác nhau, cách kể khác nhau, tư tưởng khác nhau... nhưng cùng tìm đến tính toàn cầu hóa trong ngôn ngữ điện ảnh. Liệu rằng khán giả trong nước có đủ kiên nhẫn để tìm hiểu và đồng cảm với những tác phẩm này khi chúng không chọn khán giả làm mục đích, mà đặt "cái tôi" của mình lên trên hết?

Tiệc trăng tròn nhận giải tại Busan

Tầm nhìn châu Á

Thông tin đạo diễn Phan Đăng Di nhận được 20.000USD cho dự án phim dài thứ ba (Tiệc trăng tròn) góp phần vực dậy tinh thần của những nhà làm phim trẻ tại Việt Nam. Dự án "Asian project market" năm nay có sự góp mặt của 29 dự án lớn nhỏ và mỗi năm, vài phim được chọn để trao số tiền tài trợ từ 10.000 - 30.000USD.

Cho đến nay, BHD vẫn là công ty trong nước duy nhất có mặt thường xuyên tại chợ phim này. Trong khi đó, chỉ xét các nước trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore, Indonesia... đã có hàng chục gian hàng của các hãng tư nhân, bên cạnh đó họ còn có các gian hàng quốc gia để giới thiệu về điện ảnh của mỗi nước, các cơ hội hợp tác, trao đổi làm phim.

Mặc dù là LHP quốc tế song Busan không hề thơ ơ trước các sản phẩm quê nhà. Ngành công nghiệp điện ảnh của Hàn Quốc mạnh đến nỗi mỗi năm, thống kê "Top 10 phim ăn khách nhất" đều có không dưới 5 tác phẩm được sản xuất tại bản địa.

Điều đó không chỉ chứng tỏ cuộc đổi mới về ngành công nghiệp làm phim cách đây 20 năm của họ, hay khán giả trong nước rất ủng hộ "phim nhà”, mà còn cho thấy những bước đi đúng đắn, không hề thua kém phim ảnh Hollywood của điện ảnh Hàn Quốc ở cả chất xám (kịch bản hay, đạo diễn, diễn viên giỏi) lẫn kỹ thuật với những phim bom tấn như The Host, The Tower...

Không chỉ là vùng đất lành cho những nhà làm phim trẻ, sáng tạo..., LHP Busan hằng năm đều dành cho điện ảnh Việt một vị trí thú vị. Chẳng hạn như trong khuôn khổ các chương trình chiếu phim, New Curent là hạng mục được chú ý nhất vì đây là nơi chiếu các phim châu Á chưa từng chiếu ở một LHP quốc tế nào trước đó.

Năm ngoái, Đó hay đây (phim đầu tay của đạo diễn 65 tuổi Síu Phạm) nằm trong hạng mục này, trước đó nữa thì có Cánh đồng bất tận (Nguyễn Phan Quang Bình) hay Áo lụa Hà Đông (Lưu Huỳnh, giành giải Khán giả bình chọn)...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Góc nhìn phim Việt tại Busan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO