![]() |
Trong ba ngày cuối cùng của năm cũ, Bộ Văn hóa Thông tin Thể thao và Du lịch (Bộ) liên tục làm những việc mà chúng ta hiểu là mỗi năm lại kiểm điểm, để tạo điểm tựa cho năm mới. Vậy nhìn xem năm cũ chúng ta đã tạo được những điểm tựa nào?
![]() |
Trong 10 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch năm 2011 vừa được Bộ công bố, có 5 sự kiện văn hóa. Hai sự kiện đầu thuộc về quá trình chứng minh và làm hồ sơ công nhận các di sản văn hóa thế giới cho thành nhà Hồ và hát xoan.
Chỉ có ba sự kiện mới là Kỷ niệm 100 năm Nhà hát Lớn Hà Nội (9/12), Liên hoan trà Thái Nguyên lần thứ nhất (11 - 15/11) và Biểu diễn trang phục các dân tộc Việt Nam (27/11).
Thật sự những sự kiện này nhìn vào là thấy “tiền ra như nước” bởi quy mô lớn, nhưng chưa thấy rõ mang lại hiệu quả như thế nào đối với văn hóa từng vùng miền, với đại chúng, có lẽ do công tác truyền thông sự kiện yếu, hay tính thuyết phục chưa cao của dạng lễ hội kiêm sự kiện đến hẹn lại lên vốn hay bị công chúng lạnh nhạt.
Cả 5 sự kiện văn hóa đều đề cao tính không tranh cãi, an toàn khi điểm tựa là dựa vào tinh hoa truyền thống được kế thừa.
Cũng có nghĩa là cả năm 2011 chúng ta chưa có thành tựu mang thuộc tính đổi mới. Chúng ta chưa làm được gì mới, hay chưa dám cổ vũ cái mới? Cả hai vấn đề này đều mang tên một nỗi lo cho văn hóa!
Cái mới được công nhận và nhân rộng chưa có. Hầu khắp các lĩnh vực điện ảnh, mỹ thuật, âm nhạc hay văn học năm 2011 đều không có những thành tựu nổi bật.
Những sự kiện nhằm “vinh danh” một cá nhân qua các giải thưởng như: giải thưởng tiểu thuyết, giải thưởng sách, giải thưởng văn học nghệ thuật nhà nước đều gặp phải dư luận phản đối, không đồng nhất quan điểm đánh giá.
Đó là cái đáng lo thứ hai của văn hóa Việt năm 2012. Hệ thống giá trị đang thay đổi, nhà quản lý và đại chúng phải làm sao để sớm có điểm gặp nhau chừng nào thì văn hóa có lợi chừng nấy.
Cái đáng lo thứ ba là trách nhiệm của nhà quản lý và báo chí đối với văn hóa ngày càng nặng hơn. Năm 2011 là năm người đọc ngập trong các tin tức lá cải về các vụ tai tiếng của giới giải trí.
Đến cuối năm, “vườn cải” này vẫn chưa được dọn dẹp trên các tờ báo mạng có số lượng truy cập lớn ở Việt Nam. Rồi công chúng cũng bối rối trước sự kiện một người đẹp kiêm diễn viên luôn có tai tiếng lại trở thành đại sứ du lịch, và các quan chức của Bộ đã chính thức đứng ra bênh vực cho tư cách cá nhân của tân đại sứ.
Các vụ việc nghệ sĩ “hở hang” trên sân khấu vẫn được đăng tin theo kiểu “ỡm ờ”, tạo thành trào lưu “càng hở càng nổi tiếng, càng đắt sô”, nó cho thấy thang giá trị văn hóa của công chúng trẻ đang đứng trước bờ thảm họa.
Nổi tiếng, danh và lợi đi kèm đang chi phối các giá trị xã hội nhờ sự hỗ trợ của thông tin. Thậm chí có ca sĩ nổi tiếng còn phát biểu: “Báo chí nói gì tôi cũng chẳng quan tâm”. Tất cả những hiện tượng này sẽ làm công chúng rối trí hơn về các giá trị thật, giá trị ảo.
Hãy dọn mình và dọn nhà để đón một mùa Xuân mới trong lành, cho giá trị văn hóa mới nảy nở và được nâng đỡ trở thành giá trị thật. Đó là ước vọng chính đáng cho mùa Xuân này.