![]() |
Lễ hội cồng chiêng đầu tiên tái tạo không gian văn hóa Tây Nguyên với đầy đủ sắc màu văn hóa cổ xưa trong khu vực. Tuy nhiên, với chương trình dàn dựng sân khấu hóa, những buổi biểu diễn theo kiểu phục vụ du khách ở các công viên không khỏi làm nhiều người lo ngại.
Liệu đó có phải là làn sóng văn hóa bên ngoài đang ồ ạt tràn vào Tây Nguyên, sẽ làm mai một không gian văn hóa cồng chiêng, nhà dài, nhà rông, bến nước, hay những lễ hội mừng lúa mới...
![]() |
Festival cồng chiêng quốc tế lần thứ nhất, do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp cùng tỉnh Gia Lai tổ chức tại thành phố Pleiku từ 12 - 15/11, là dịp vinh danh các nền văn hóa cồng chiêng; giao lưu, học hỏi những kinh nghiệm bảo tồn các giá trị văn hóa. Gần 25 dân tộc sống ở Tây Nguyên và các nước láng giềng đã tụ hội ở thành phố Pleiku, cùng nhau tôn vinh giá trị to lớn của không gian văn hóa cồng chiêng.
Từ cả tháng trước, khắp các bản làng Tây Nguyên nhộn nhịp trang điểm cho những ngôi nhà rông truyền thống, tập luyện các điệu múa dân tộc. Tiếng cồng chiêng ngân dài lan truyền từ làng này sang làng khác báo tin mùa lễ hội lớn của Tây Nguyên bắt đầu. Những ngày này, thành phố Pleiku rực rỡ sắc màu váy áo đa dân tộc về dự lễ hội, đây đó nhiều đội cồng chiêng đã quây quần trên các bãi cỏ và cùng nhau nhảy múa bên ché rượu cần. 35 đoàn với 774 nghệ nhân sẽ giới thiệu những thành tựu văn hóa của dân tộc, giới thiệu những bài chiêng cổ xưa nhất mới phục dựng.
Bốn năm trước, “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) vinh danh Di sản Văn hóa phi vật thể. Từ đó đến nay, kho báu văn hóa hữu hình của Tây Nguyên đang tìm cách bảo tồn và phát triển. Theo các nghệ nhân về Gia Lai tham dự lễ hội, người dân ở các buôn làng đã từng bước nhận thức rõ hơn về những giá trị vô giá của cồng chiêng. Và trong lễ hội này, lần đầu tiên khách du lịch thưởng thức trọn vẹn những màn trình diễn cồng chiêng, những lễ hội tiêu biểu của đồng bào các dân tộc như lễ đâm trâu mừng chiến thắng của người Ba Na, lễ mừng lúa mới của người Ja Rai.
Kon Tum đang lưu giữ những bài chiêng cổ xưa nhất của các dân tộc Xê Đăng, Ba Na, Ja Rai, Giẻ Triêng, B’Râu và Rơ Măm. Nghệ nhân các dân tộc ở Kon Tum đến Festival cồng chiêng có cả ba thế hệ, người lớn tuổi nhất là nghệ nhân A Chiêu, dân tộc Xê Đăng (67 tuổi); nhỏ tuổi nhất là nghệ nhân Y Hin và Y Mãi, dân tộc Xê Đăng (16 tuổi). Các dàn cồng chiêng mang theo là những bộ chiêng thiêng, quý nhất của các dân tộc, như nhóm dân tộc Giẻ có chiêng KLeng và Xum; dân tộc Ja Rai có chiêng Pom, Pát; dân tộc Xê Đăng (nhóm Sơđrá) có chiêng Buar; dân tộc B'Râu có chiêng Tha...
Nghệ nhân đến từ những ngôi làng bên bờ sông Dăk Bla đã tấu lên những bài chiêng, những vũ điệu được sinh ra trong những cuộc chinh chiến, những ngày được mùa, và có lúc tái hiện niềm thành kính trước các vị thần đã cưu mang, che chở cho con người trong vòng tay của rừng thẳm.
Trong đêm khai mạc, khán giả xúc động khi được thưởng thức “Ka Pô Nếu” (Ăn lúa mới) của đoàn nghệ nhân Xê Đăng X’Teng, bài chiêng “Lễ ăn trâu mừng nhà rông mới” của đoàn nghệ nhân Ba Na, bài chiêng “Mừng nhà rông mới” của đoàn nghệ nhân Giẻ Triêng; chiêm ngưỡng dàn chiêng cổ của buôn Mláh, huyện Krong Pa, tỉnh Gia Lai do 20 người vừa diễn xướng vừa trình diễn điệu múa Tăm Le cổ của người Ja Rai ở Krông Pa...
Nhưng, đêm khai mạc với chương trình dàn dựng sân khấu hóa, những buổi biểu diễn theo kiểu phục vụ du khách ở các công viên, quảng trường không khỏi làm nhiều người lo ngại, rồi đây không gian văn hóa cồng chiêng, nhà dài, nhà rông, bến nước, rừng, những lễ hội mừng lúa mới, bỏ mả (Pơ-thi), những đêm nhảy múa để lấy cảm hứng cho các nghệ nhân ngồi tạc tượng nhà mồ... liệu có còn chăng trước làn sóng văn hóa bên ngoài đang ồ ạt tràn vào Tây Nguyên?
Cùng chia sẻ những băn khoăn này là tâm sự của các nghệ nhân đến từ Campuchia, Lào, Indonesia, Myanmar về kho tàng âm nhạc dân gian vô giá liệu có giữ được giá trị cổ truyền, hay sẽ thất lạc, méo mó trong bối cảnh hội nhập đa văn hóa, đa sắc tộc, rời xa đời sống tâm linh và phương tiện giao tiếp - vốn là hai nền tảng đã sản sinh ra văn hóa cồng chiêng. Đó đây cũng có ý kiến, liệu những thay đổi tập quán canh tác và sự giao lưu văn hóa mạnh mẽ sẽ tạo đà cho cồng chiêng và giá trị kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể sẽ phát triển theo hình thức mới?