![]() |
Trong số các danh nhân góp phần làm rạng rỡ nền văn hiến Việt Nam, có không ít vị sinh năm Tý. |
Tuổi Giáp Tý
Trần Cảnh (1684-1757): Quê Hải Dương, đại thần thời Lê trung hưng. Yêu nghề nông, ham thực nghiệm, năm 1718 đỗ tiến sĩ, được bổ nhiệm làm khuyến nông sứ, sau thăng tới thượng thư (bộ trưởng) bộ hình. Ông có nhiều đóng góp cho công cuộc quy hoạch, cải cách, phát triển nền nông nghiệp nước nhà và để lại bộ sách Minh nông phả rất có giá trị.
Bùi Huy Bích (1744-1818): Quê Hà Nội, danh sĩ thời Lê mạt. Cương trực, tài đức vẹn toàn, năm 25 tuổi đỗ tiến sĩ, nhiệt tình chấn hưng triều đình Lê - Trịnh, được thăng tới chức hành tham tụng (quyền tể tướng). Rất được dân chúng ngưỡng mộ bởi có kiến thức sâu rộng và cách diễn thuyết, giảng dạy đầy cuốn hút. Ông cũng là tác giả của nhiều tác phẩm văn thơ được truyền tụng.
Nguyễn Xuân Khuê (1864-1921): Quê Bến Tre, nữ sĩ, bút hiệu Sương Nguyệt Anh, là con gái thứ tư của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu. Sắc sảo, linh hoạt và mẫn cảm, giỏi văn chương, hăng hái tham gia các phong trào xã hội. Năm 1918, bà lên Sài Gòn làm chủ bút Báo Nữ giới chung, trở thành nữ tổng biên tập đầu tiên ở Việt Nam. Bà để lại nhiều bài thơ man mác nỗi buồn, tràn đầy cảm nhận thế sự và thấm đẫm tinh thần yêu nước.
Tuổi Bính Tý
![]() |
Học giả Huỳnh Thúc Kháng |
Huỳnh Thúc Kháng (1876-1947): Quê Quảng Nam, học giả, chí sĩ yêu nước. Thông tuệ, can đảm, năm 28 tuổi đỗ hoàng giáp nhưng không ra làm quan mà kết thân với các chí sĩ, tìm đường cứu quốc. Tham gia lãnh đạo phong trào Duy Tân, năm 1908 bị giặc bắt giam, đày ra Côn Đảo đến năm 1921.
Năm 1926, đắc cử Viện Dân biểu Trung Kỳ và sáng lập Báo Tiếng dân. Sau đó, thành lập và làm Hội trưởng Hội Liên Việt. Cách mạng Tháng Tám thành công, ông nhận chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong Chính phủ và năm 1946 từng được trao quyền Chủ tịch nước khi Bác Hồ sang Pháp đàm phán. Ông là người có uy tín rộng rãi trên chính trường, văn đàn và giới học thuật Việt Nam.
Tuổi Mậu Tý
Phùng Khắc Khoan (1528-1613): Quê Hà Nội, danh sĩ thời Lê trung hưng. Đa tài, cương trực, giỏi thơ phú, đỗ hoàng giáp năm 1580. Tận tụy phò giúp vua Lê kình chống nhà Mạc và giữ vững vị thế độc lập, tự chủ đối với triều Minh.
Ông lập nhiều công lớn, được phong làm thượng thư bộ hộ, bộ công. Ông cũng để lại những tác phẩm giá trị về nông nghiệp và thơ ca.
Hoàng Diệu (1829-1882): Quê Quảng Nam, chí sĩ yêu nước thời Nguyễn. Nổi tiếng công minh, thanh liêm, khảng khái, năm 25 tuổi đỗ phó bảng, trải nhiều cương vị trong các ngành hành chính, ngoại giao, an ninh, quân sự, thăng tới thượng thư bộ binh.
Năm 1880, được cử làm tổng đốc Hà Ninh, quản lý Hà Nội và gấp rút phòng thủ chống Pháp xâm lược. Chỉ huy binh sĩ kiên cường đánh trả giặc, ngày 25/4/1882, khi thành đô sắp thất thủ, ông viết tờ biểu tạ tội rồi thắt cổ tự vẫn, giữ tròn đạo làm tướng và khí tiết nam nhi.
Tôn Đức Thắng (1888-1980): Quê An Giang, lãnh tụ cách mạng. Mạnh mẽ, kiên trung, giàu lòng ái quốc, học nghề ở Sài Gòn, năm 1913 sang Pháp làm việc. Năm 1919, bị trục xuất về nước vì ủng hộ cách mạng vô sản Nga. Những năm 1920-1925, ông tham gia thành lập công hội bí mật ở xưởng đóng tàu Ba Son. Năm 1927, ông tham gia tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội và là Ủy viên Ban lãnh đạo Nam Kỳ.
![]() |
Cố Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng |
Cuối năm 1928, bị Pháp bắt, đày ra Côn Đảo đến năm 1945. Về đất liền, tháng 10/1945, ông tham gia Xứ ủy Nam bộ, rồi đắc cử vào Quốc hội. Từ năm 1951, là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Mặt trận Liên Việt, Trưởng ban Thường trực Quốc hội. Từ tháng 7/1960, là Phó chủ tịch nước. Từ tháng 9/1969, giữ chức Chủ tịch nước đến khi từ trần (ngày 30/3/1980).
Tuổi Canh Tý
![]() |
Danh y Lê Hữu Trác |
Lý Phật Mã (1000-1054): Quê Bắc Ninh, vị vua xuất sắc nhà Lý, hiệu Thái Tông. Nhân từ, thông minh, lại khéo cai trị và được lòng dân, lên ngôi năm 1028.
Dày công chấn hưng kinh tế, xây dựng pháp luật, mở mang văn hóa và sùng mộ đạo Phật, ưu đãi tăng đạo, ông đã đưa triều Lý vào giai đoạn phát triển cực thịnh trong lịch sử.
Lương Như Hộc (1420-1501): Quê Hải Dương, danh sĩ thời Lê sơ. Ham rèn luyện, giỏi văn chương, năm 22 tuổi đỗ thám hoa, làm quan đến đô ngự sử.
Hai lần đi sứ Trung Quốc (năm 1443 và 1459), ông chú ý đến kỹ thuật in sách, học hỏi việc khắc ván rồi về nước truyền dạy, trở thành ông tổ của nghề in.
Lê Hữu Trác (1720-1791): Quê Hải Dương, cao sĩ, danh y thời Lê mạt, hiệu Hải Thượng Lãn Ông. Tài lược hơn người, phong thái tao nhã, cuộc sống lại rất mẫu mực, thanh liêm nên được sĩ phu đương thời trọng vọng.
Tinh thông y dược và văn chương, ông đỗ hương cống nhưng không ra làm quan mà về ở ẩn tại Hà Tĩnh, dốc sức phụng sự nghề y. Ông là văn sĩ nổi tiếng và y sư kiệt xuất của dân tộc, để lại những công trình quý giá: Y tông tâm lĩnh (gồm 66 quyển sách y dược, soạn năm 1772), Thượng kinh ký sự (viết năm 1782).
Tuổi Nhâm Tý
![]() |
Nguyễn Văn Cừ |
Nguyễn Văn Cừ (1912-1941): Quê Bắc Ninh, lãnh tụ cách mạng. Năng động, dũng cảm, nhiệt thành yêu nước, sớm giác ngộ cách mạng và năm 1927 tham gia tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội. Tháng 6/1929, được kết nạp Đảng ở chi bộ cộng sản đầu tiên tại Hà Nội.
Sau ngày thành lập Đảng 3/2/1930, ông làm bí thư đặc khu Hòn Gai - Uông Bí, bị Pháp bắt đày đi Côn Đảo. Năm 1936 được trả tự do, trở về Hà Nội tiếp tục hoạt động bí mật.
Năm 1937, vào Sài Gòn - Gia Định lãnh đạo cách mạng và được cử vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng.
Năm 1938, được bầu làm Tổng bí thư Đông Dương Cộng sản Đảng. Sau cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ 1940, bị giặc Pháp bắt và kết án tử hình. Ông hy sinh ngày 28/8/1941.
Tôn Thất Tùng (1912-1982): Quê Thừa Thiên, giáo sư y khoa. Nhiệt tình, cần mẫn, sáng tạo, làm việc ở các bệnh viện Hà Nội. Trong kháng chiến chống Pháp, làm cố vấn phẫu thuật ngành quân y, năm 1947 làm Thứ trưởng Bộ Y tế.
Từ năm 1954, làm Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức và là giáo sư Trường Đại học Y khoa Hà Nội. Do có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực nghiên cứu, phẫu thuật khan khô, ông được bầu làm viện sĩ của nhiều viện hàn lâm trên thế giới. Ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.
![]() |
Bác sĩ Tôn Thất Tùng |
Từ năm 1954, làm Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức và là giáo sư Trường Đại học Y khoa Hà Nội. Do có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực nghiên cứu, phẫu thuật khan khô, ông được bầu làm viện sĩ của nhiều viện hàn lâm trên thế giới. Ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.