Cú hích nhỏ cho trào lưu lớn

PHƯƠNG QUYÊN| 14/11/2009 07:41

Không có gì đáng ngạc nhiên khi Avatar -chính thức ra mắt công chúng vào ngày 18/12 tới đây - trở thành một trong những bộ phim 3D được chờ đón nhất năm 2009

Cú hích nhỏ cho trào lưu lớn

“Thế giới phim ảnh trong mắt bạn sẽ hoàn toàn thay đổi - kỷ nguyên phim 3D mở ra với khán giả VN” - đó là khẩu hiệu được nêu trong ngày ra mắt rạp chiếu phim 3D đạt tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên tại VN do Megastar đầu tư xây dựng.

Không hẳn "hoành tráng" như khẩu hiệu này, nhưng ngành giải trí nói chung của VN cũng đã có cú hích 3D đầu tiên, vừa chạy theo xu thế của công nghệ mới, vừa để cạnh tranh và làm mới mình.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi Avatar - bộ phim khoa học viễn tưởng được làm với công nghệ 3D chính thức ra mắt công chúng vào ngày 18/12 tới đây - trở thành một trong những bộ phim 3D được chờ đón nhất năm 2009, bởi ngoài tên tuổi của đạo diễn James Cameron, nó còn được giới chuyên môn đánh giá là tác phẩm mở màn cho công nghệ làm phim 3D khuếch trương thanh thế sau một thời gian dài bị lãng quên.

Được tạo ra dựa trên nguyên lý cân bằng tự động của não bộ khi hai mắt nhìn một vật dưới hai góc độ hơi khác nhau để cảm nhận được độ dày và khoảng cách của vật thể, quá trình làm phim 3D đã xuất hiện từ cuối những năm 1980, dưới tay của nhà làm phim người Anh William Friese-Greene.

Tuy nhiên, sự phức tạp trong sản xuất khiến những nhà làm phim chỉ dám đầu tư công nghệ này cho phim hoạt hình. Tính đến nay, trên thế giới hiện có khoảng 4.000 rạp chiếu đủ tiêu chuẩn để chiếu phim 3D. Mặc dù vậy, tại nhiều nước, phim 3D vẫn mang nặng tính chất trình chiếu hơn là giải trí thực sự vì nhiều nhược điểm: phim 3D thường là các bộ phim dựng lại từ phim ảnh thông thường, ít phim mới và người xem vẫn chưa quen với công nghệ này.

Tại VN, những bộ phim hoạt hình 3D với chủ đề tập trung vào các cuộc phiêu lưu, thám hiểm vũ trụ... đã phục vụ công chúng vài năm trở lại đây. Cũng như các nước, thể loại này tất nhiên chỉ thu hút được khán giả nhí.

Tuy nhiên, với sự phát triển của kỹ thuật số, các kỹ xảo điện ảnh được vi tính hóa đã phần nào tiết giảm được khối lượng công việc gần như tăng lên gấp đôi khi làm phim 3D. Các nhà sản xuất Hồng Kông trong thời gian gần đây đã liên tục tung ra các bộ phim 3D và đầu tư cho những trung tâm sản xuất 3D lớn nhất trong khu vực.

Đạo diễn Cameron mạnh dạn chọn công nghệ 3D cho Avatar, bộ phim khoa học viễn tưởng, tình cảm về đời sống của những người ngoài hành tinh. Phát biểu khi bắt tay vào sản xuất Avatar, Cameron nói: “3D thực sự khiến người xem có cảm giác như đang bước vào thế giới khác”.

Bộ phim được quay toàn bộ bằng kỹ thuật 3D, sử dụng hai camera ảo có khả năng tạo nên hiệu ứng giả định thị giác của con người. Mất 4 năm đầu tư, Avatar trở thành một trong những bộ phim tốn kém nhất trong lịch sử điện ảnh thế giới và đây sẽ là tác phẩm điện ảnh phức tạp nhất về mặt kỹ xảo từ trước tới nay, hứa hẹn tạo ra cuộc cách mạng trong ngành công nghiệp sản xuất phim cũng như có thể tạo nên nhiều bất ngờ và hứng thú cho khán giả.

“Nếu tốn khoảng 150 triệu USD để làm phim bình thường thì phải thêm 15 triệu USD nữa để biến nó thành 3D”- các nhà làm phim Hollywood đã nói như vậy khi Avatar đã thành hình. Tốn kém như thế nhưng điều đáng ngạc nhiên là các nhà sản xuất lại chạy theo công nghệ này như một phương cách để cứu rỗi nền điện ảnh giải trí hiện đang quanh quẩn với những pha đánh đấm, cháy nổ, những nhân vật quái dị...

Dự kiến, năm 2010 sẽ có hơn 20 bộ phim 3D được trình chiếu. Trong đó, bao gồm: Blue Man Group, phần 2 của Friday the 13th, The Gate... Các bộ phim hoạt hình nổi tiếng cũng sẽ được 3D hóa. Cụ thể là Câu chuyện đồ chơi (Toy Story); Alice lạc vào xứ thần tiên (Alice in Wonderland); Kỵ sĩ rồng (Dragon); Shrek phần 4; Tron Legacy; Despicable... sẽ lần lượt được công chiếu mỗi tháng.

Nhà sản xuất tốn kém, nhà phát hành cũng phải móc hầu bao. Ông Brian Hall - Chủ tịch HĐQT Công ty Truyền thông MegaStar tiết lộ, để có được hai phòng chiếu hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật phục vụ phim 3D, Megastar đã phải đầu tư hơn 16 tỷ đồng để xây dựng lại hạ tầng, mua phần mềm, kỹ thuật, kính xem phim 3D... Điều này tất yếu dẫn đến giá vé xem phim 3D sẽ cao hơn nhiều thể loại phim truyền thống

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cú hích nhỏ cho trào lưu lớn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO