Cổ vật VN lên tiếng: Những ông "vua cổ vật"

BÍCH HỒNG| 04/09/2009 00:12

Những lúc trà dư tửu hậu, giới nghiên cứu và sưu tầm cổ vật lại nghe về “vua gốm”, “vua bình”, “vua Đông Sơn” hay “vua điếu bát, bình vô”...

Cổ vật VN lên tiếng: Những ông

Những lúc trà dư tửu hậu, giới nghiên cứu và sưu tầm cổ vật lại nghe về “vua gốm”, “vua bình”, “vua Đông Sơn” hay “vua điếu bát, bình vô”... Đừng câu nệ, phê phán sự tự xưng hoặc được tự phong này nọ, vì hầu hết đều xuất phát từ đam mê, kiêu hãnh về thú chơi tinh tế và tốn kém này; cũng không ít trong số đó bỏ cả cuộc đời và gia sản của mình để góp phần gìn giữ những bộ sưu tập vô giá đối với chiều sâu văn hóa dân tộc.

Một trong những “ông vua” như thế có mặt tại Thanh Hóa. Khoảng 5.600 cổ vật tập trung vào nền văn hóa Đông Sơn và một ít các triều đại về sau hiện đang thuộc quyền sở hữu của ông Hoàng Văn Thông, một doanh nhân làm trong ngành xây dựng. Nếu hỏi về giá trị vật chất của kho cổ vật này, có thể tham khảo lời tự bạch của ông Thông, rằng: “Có người đã trả tôi đến 40 tỷ đồng để mua toàn bộ kho cổ vật này, vợ con tôi đều muốn bán, nhưng tôi nghĩ rằng nên giữ di sản này lại cho Thanh Hóa, và nhiệm vụ của tôi là phải đưa toàn bộ giá trị của nó đến được với công chúng”.

Một bộ sưu tập gốm cố của nhà sưu tập Hồ Tấn Phan (Huế)

Con đường trở thành người chơi cổ vật nổi tiếng này rất dài, như một duyên nợ. Trong thời gian làm xây dựng, ông Thông bắt gặp một số đồ gốm và vũ khí cổ. Sau một thời gian tự học hỏi, ông bỗng mê mẩn những thứ “linh tinh” ấy và bắt đầu dốc hết tiền bạc, sự say mê vào cuộc chơi. Sau nhiều gian truân, kho cổ vật của ông Hoàng Văn Thông trở thành bảo tàng nổi tiếng với những bộ sưu tập về trống đồng Đông Sơn và hàng nghìn cổ vật về các nền văn hóa từng tồn tại hơn 3.000 năm ở khắp vùng đồng bằng sông Hồng và ven biển Thanh Hóa. Các chuyên gia bảo tàng thường đến nghiên cứu kho đổ cổ này của ông. Có những câu chuyện sưu tập mang màu sắc hư hư thực thực, tạo thêm cho mỗi cổ vật chiều sâu, không chỉ giá trị vật chất, mà còn có giá trị tinh thần.

Chẳng hạn, có một chiếc bình ngọc đời Lý, ông Thông phải mất 20 năm mới mua được. Người chủ chiếc bình ấy gắn bó với nó đến mức không muốn bán với bất cứ giá nào. Trong 20 năm ông ta lặng lẽ quan sát, đánh giá nhà sưu tập, chỉ khi gần đất xa trời, không tin tưởng vào đứa con trai, ông mới bán chiếc bình quý cho người mà ông ta tin cậy. Hiện nay trong bộ sưu tập của ông Hoàng Văn Thông có 830 cổ vật đã được giám định, công bố niên đại. Lâu đời nhất là chiếc rìu đá mũi nhẵn, có tuổi khoảng 4.000 năm.

Giới nghiên cứu đánh giá cao bộ đồ đồng, đồ gốm Đông Sơn, gồm lưỡi cày, cuốc, rìu xéo gót tròn hình bàn chân, rìu xéo hình thuyền... được trang trí hoa văn sinh động; các loại giáo, mác, mũi tên, kiếm, trong đó có một chiếc kiếm Đông Sơn (dài 69cm) cán có hình người đội mũ chóp nhọn, tai đeo vòng là loại hiếm thấy. Riêng trống đồng Đông Sơn, hiện ông có tám chiếc đủ cỡ còn nguyên vẹn. Bộ đồ đồng đỉnh ba chân, bình ba chân, gương (thuộc giai đoạn văn hóa Việt - Hán vào những năm trước thế kỷ X) và bộ đồ gốm thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn (bát, đĩa, thạp, lọ...) cũng có mặt đầy đủ trong bộ sưu tập của ông Thông.

Trong giới chơi cổ vật xứ Bắc, nhân vật được giới trong nghề tâm phục khẩu phục là ông Đoàn Anh Tuấn, xuất thân trong gia đình nổi tiếng chơi cổ vật đến ba đời ở Hà Nội. Cổ vật của nhà họ Đoàn được xếp theo niên đại, lâu đời nhất chính là chiếc tủ bày các công cụ lao động sản xuất, vũ khí của người xưa; kế đến là các trang sức của nền văn hóa Đông Sơn; nhà bằng đất nung từ thời kỳ đầu Công Nguyên; bình triều đại Lý, Trần với những ấm rượu gốm men trắng thế kỷ XIII - XIV...

Những chiếc trống đồng Đông Sơn, ấm rượu đồng rèn đầu rùa thế kỷ I - III; tượng Quan âm bằng đồng thế kỷ XVIII... được chất đầy trong căn phòng ngót nghét trăm mét vuông trên tầng hai; các loại bình gốm, âu, ang... không còn chỗ để, phải xếp trên các bậc thang. Bộ sưu tập vũ khí cổ như kiếm sắt cán đồng thế kỷ III - I trước Công Nguyên; kiếm lưỡi sắt cán đồng thế kỷ V - III trước Công Nguyên... treo đầy tường. Ông Tuấn còn nổi tiếng vì đem cổ vật cho không các bảo tàng. Ông nói: “Nhờ bảo tàng giữ hộ thì sẽ nhiều người hiểu thêm tinh hoa văn hóa người Việt”. Ông Tuấn tặng bộ hai chiếc trống đồng Đông Sơn niên đại 2.500 năm, 10 trống binh khí cho Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, 93 cổ vật quý hiếm ở Bảo tàng Thái Bình, 105 đồ từ thời hậu đồ đá, thời Đông Sơn và thời nhà Trần ở Bảo tàng Quảng Ninh, 50 hiện vật gồm thạp gốm hoa nâu, thạp gốm men ngà, thạp gốm men trắng xanh, hũ gốm hoa nâu, chậu, vò, gốm men các loại từ thế kỷ XIII đến thế kỷ thứ XIX và cả một chiếc sanh đồng quân dụng thời Trần lần đầu tiên được tìm thấy ông dành cho Bảo tàng Nam Định...

Những nhân vật nổi tiếng trong giới chơi cổ vật không hiếm. Có người chỉ sở hữu vài món, nhưng nó là báu vật văn hóa. Có người dày công theo chuyên đề nên giá trị cổ vật họ tích lũy được nằm ở chỗ nó nâng tầm hiểu biết cho công chúng. Mới đây, một doanh nhân là ông Hoàng Tiến Dũng ở Đà Nẵng cùng Câu lạc bộ Cổ vật Thăng Long (Hà Nội) tổ chức triển lãm chuyên đề “Sơn son thếp vàng” để người xem hiểu thêm về loại cổ vật tinh hoa làm từ gỗ qua kỹ nghệ sơn son và thếp vàng của cha ông, tạo ra những sản phẩm dùng trong cung đình, thờ cúng nơi đình chùa, những tác phẩm nghệ thuật như tượng Phật. Có rất nhiều người vật lộn kiếm tiền để mua cổ vật giữ lại cũng vì tiếc những giá trị ấy sẽ thất thoát ra nước ngoài....

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cổ vật VN lên tiếng: Những ông "vua cổ vật"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO