![]() |
Đánh dấu ngày thành lập (23/8/1979), bảo tàng Lịch sử Việt Nam TP.HCM (2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1) đã ra mắt công chúng cuộc trưng bày những hiện vật độc đáo, đa dạng về chủng loại, niên đại, xuất xứ mà bảo tàng dày công sưu tầm và gìn giữ trong suốt 30 năm qua.
![]() |
Bộ sưu tập bình, choé, đôn, thống, chậu xuất xứ Trung Quốc thế kỷ 18 – 19 |
Nhìn lại lịch sử, kể từ khi thành lập năm 1929 với tên gọi là bảo tàng Blanchard de la Brosse, con số hiện vật bảo tàng sưu tầm trong thời kỳ 1929 – 1956 là 3.104 hiện vật. Từ 1956 – 1976 bảo tàng có tên gọi là viện bảo tàng Quốc gia Việt Nam tại Sài Gòn, với số hiện vật sưu tầm là 2.182 hiện vật. Đến giai đoạn 1979 – 2008, với tên gọi bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại TP.HCM, hiện vật sưu tầm được nâng lên con số 28.863, và tổng số hiện vật có được hiện nay là 37.242.
Công tác sưu tầm của bảo tàng được thực hiện từ nhiều nguồn: mua, cơ quan chức năng chuyển giao, tặng biếu và khai quật khảo cổ. Trong đó có nhiều hiện vật độc bản, quý hiếm, không chỉ thuộc lịch sử – văn hoá Việt Nam mà còn thuộc nhiều nền văn hoá các nước trong khu vực và trên thế giới.
Trưng bày trong chuyên đề lần này, bảo tàng Lịch sử Việt Nam TP.HCM chỉ dành ra hơn 1% tổng số cổ vật sưu tầm được suốt 30 năm qua, được phân thành từng mảng:
![]() |
Triển lãm thu hút đông đảo người xem |
Hiện vật hiến tặng (chiếm hơn 10% tổng số hiện vật của bảo tàng), góp mặt trong triển lãm lần này là nhóm rìu đá (di tích Lung Leng – Kontum) do đoàn khai quật khảo cổ tặng; sắc phong giấy thời Thiệu Trị do nhà sưu tập Tú Anh tặng năm 2003…
Hiện vật cơ quan chức năng giao (hiện vật thu giữ từ những vụ vận chuyển, buôn bán đồ cổ trái phép, chiếm 36% hiện vật của bảo tàng). Đây là mảng hiện vật khá phong phú, tìm thấy từ đáy biển sâu, như hiện vật của tàu đắm Cà Mau – đồ Ung Chính nhà Thanh (1723 – 1735), đến tàu đắm Hòn Cau – đồ Khang Hy (1662 – 1722), đồ Chu Đậu của Việt Nam – tàu đắm cù lao Chàm. Độc đáo hơn là cặp bình sứ Bertin của lò sứ trứ danh Sèvres (Pháp) có niên đại giữa thế kỷ 19. Với kỹ thuật chế tác đắp nổi cao lanh tạo hoa văn trên thân bình, đây là một sáng tạo của lò Sèvres vào năm 1858. 13 món trong bộ cổ khí được vua Minh Mạng cho đúc trong những năm 1838 – 1839 cũng được trưng bày tại triển lãm.
![]() |
Đôi nghê gốm, đồ Ung Chính (thế kỷ 18) từ tàu đắm Cà Mau |
Hiện vật mua (chiếm 51% tổng số hiện vật của bảo tàng), được mua lại từ những tổ chức, cá nhân để làm phong phú thêm kho hiện vật, góp phần ngăn chặn nạn chảy máu cổ vật ra nước ngoài, cũng như có thêm nguồn tư liệu quý giá cho việc nghiên cứu những giá trị văn hoá dân tộc, khu vực và thế giới. Triển lãm có nhóm tượng Lào mà bảo tàng mua được năm 2006 từ một doanh nghiệp tại TP.HCM, các hiện vật gốm cổ Gò Sành (thế kỷ 13 – 15).
Triển lãm kéo dài đến hết tháng 12/2009.