Có một Frida Kahlo xứ Ấn

LÊ BẢN/DNSGCT| 08/07/2013 09:26

Nữ họa sĩ người Mexico Frida Kahlo (1907-1954), bạn đời của nhà danh họa Diego Rivera, được coi là một “nữ thánh” của hội họa thế kỷ XX.

Có một Frida Kahlo xứ Ấn

Nữ họa sĩ người Mexico Frida Kahlo (1907-1954), bạn đời của nhà danh họa Diego Rivera, được coi là một “nữ thánh” của hội họa thế kỷ XX. Còn có một nữ họa sĩ Ấn Độ mà cuộc đời và sáng tác cũng dữ dội không kém Frida Kahlo.

Đọc E-paper

Là kết quả từ cuộc hôn nhân giữa một nhà quý tộc người Sikh ở bang Punjab của Ấn Độ và một nữ ca sĩ opera người Hungary, Amrita Sher-Gil (1913-1941) đã sống một cuộc đời ngắn ngủi nhưng để lại một di sản nghệ thuật với nhiều tác phẩm xuất sắc.

Vào thời của Amrita, thật khó hình dung một nữ họa sĩ lại dám phô bày chính thân thể của mình trên khung vải. Những bức tự họa khỏa thân của Amrita Sher-Gil đã gây xì-căng-đan trong giới mỹ thuật thời ấy, nhất là nó được vẽ bởi một cô gái Ấn Độ ở tuổi mới ngoài hai mươi.

Cho tới khi Amrita qua đời ở tuổi 28 vì một tai nạn thương tâm, những sáng tác của cô mới chỉ được biết đến ở Ấn Độ thuộc địa của Anh và vài nước phương Tây nhưng cũng chưa được đánh giá đúng mức.

Chân dung Amrita Sher-Gil

Ra đời tại Ấn Độ vào buổi bình minh của Thế chiến I, Amrita Sher-Gil lớn lên ở Budapest quê ngoại, đến năm lên tám thì cô bé cùng bố mẹ trở về xứ Ấn và sống ở Simla, một thị trấn nhỏ yên bình dưới chân dãy Himalaya.

Chính cuộc sống ở đây, bên cạnh những người dân nghèo lam lũ sau này đã trở thành nguồn cảm hứng để Amrita vẽ hàng loạt tranh về những phụ nữ nông dân Ấn Độ “dáng người tối tăm, gương mặt buồn thảm”.

Ba cô gái (1935)

Năm 1929, ở tuổi 16 Amrita sang Paris và theo học trường mỹ thuật nổi tiếng Ecole des Beaux-Arts. Chính ở kinh đô của mỹ thuật thế giới thời đó, cô bé vốn nổi loạn từ nhỏ, không chịu khép mình vào những lề luật đã tìm thấy con người thật của mình – một nghệ sĩ tiền phong.

Paris đã cho cô tất cả: cuộc sống, sự đam mê hội họa mà ở quê nhà Ấn Độ đầy rẫy những hà khắc, bảo thủ cô không thể tìm được. Ngay trong hội họa, cái cách mà Amrita pha trộn giữa hội họa châu Âu hiện đại với những hình thức “nguyên thủy” của nghệ thuật Ấn Độ là sự tìm kiếm đáng ca ngợi ở một nữ họa sĩ còn rất trẻ.

Cùng với tác phẩm, cách sống, cách nghĩ, những cuộc phiêu lưu tình ái, những chuyến xê dịch khắp châu Âu của Amrita Sher-Gil đã khiến cô được coi là một Frida Kahlo của xứ Ấn.

Tự họa như người Tahiti (1934)

Bên cạnh cội nguồn văn hóa Ấn Độ, hội họa của Amrita Sher-Gil chịu ảnh hưởng của nhiều bậc thầy châu Âu như Gauguin, Modigliani, Cézanne và cả Renoir. Cô từng tuyên bố: “Châu Âu thuộc về Picasso, Matisse và Braque cùng nhiều họa sĩ khác. Còn Ấn Độ chỉ thuộc về tôi”.

Lìa đời khi còn quá trẻ nhưng Amrita Sher-Gil đã để lại cho đời nhiều tác phẩm quý giá, đặc biệt là mảng tranh về phụ nữ Ấn Độ nay đã trở thành cổ điển ở châu Âu và toàn thế giới. Nhưng thành tựu nghệ thuật của Amrita Sher-Gil còn đi xa hơn nữa: đó là một cuộc hôn phối văn hóa Đông – Tây mà người tạo tác còn vượt qua cả hai phía.

Người kể chuyện đời xưa (1940)
Hai thiếu nữ (vẽ năm 1932, đoạt huy chương vàng tại một triển lãm ở Paris năm 1933)
(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Có một Frida Kahlo xứ Ấn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO