Có một dòng văn học Việt kiều

PHƯƠNG QUYÊN| 21/08/2009 08:23

Những tác phẩm của những cái tên tác giả nửa Tây, nửa Việt, sau thời gian chinh phục người đọc nước sở tại, đã lặng lẽ có mặt tại VN và cũng âm thầm chinh phục độc giả trong nước.

Có một dòng văn học Việt kiều

Những tác phẩm của những cái tên tác giả nửa Tây, nửa Việt, sau thời gian chinh phục người đọc nước sở tại, đã lặng lẽ có mặt tại VN và cũng âm thầm chinh phục độc giả trong nước.

Trở về để khẳng định

Tác giả Linda Le

Khoảng ba năm trước, khi các tác phẩm như Và khi tro bụi, Tội lỗi hồn nhiên (Đoàn Minh Phượng), Made in Vietnam, China Town, Paris 11 tháng 8 (Thuận)... gây sốt trên văn đàn, giới chuyên môn đã không khỏi bất ngờ vì dù sống xa quê hương khá lâu, những cây bút ấy vẫn có thể truyền tải những nét đặc trưng của văn học Việt. Giải thưởng văn xuôi duy nhất của Hội Nhà văn VN 2007 trao cho một tác giả Việt kiều là Đoàn Minh Phượng hay những đợt tái bản liên tiếp của Paris 11 tháng 8 hoàn toàn không gây tranh cãi. Ít ai ngờ, đó lại là tín hiệu báo trước cho sự xuất hiện hàng loạt cây bút Việt đang sống tha hương hiện nay.

Lão làng nhất là Kiệt Tấn. Sinh tại Bạc Liêu, tốt nghiệp đại học tại Québec, Canada, Kiệt Tấn cầm bút từ năm 1985 với cả hai thể loại văn xuôi và thơ. Ông viết không ngừng nghỉ. Nghe mưa, Thương nàng bấy nhiêu, Lớp lớp phù sa... là những tác phẩm mà ông trút cạn lòng mình khi xa xứ. Ở cái tuổi gần “cổ lai hi”, bất ngờ ông cho đứa con tinh thần của mình có mặt ở quê nhà. Em điên xõa tóc (NXB Văn hóa Sài Gòn), tác phẩm được cho là cuốn tự truyện từ nhật ký của ông nhanh chóng chinh phục người đọc trong nước bởi cái giọng văn rặt Nam bộ và những ý tưởng phá cách đôi khi điên rồ. Nối bước Kiệt Tấn, những cái tên nửa Tây, nửa ta như Linda Lê, Mc Amond Nguyễn Thị Tư... cũng đồng loạt xuất hiện, tạo nên bữa tiệc văn chương Việt đầy món lạ.

Món lạ cho văn chương Việt

Trên nền tuyết trắng xóa (Trung tâm Ngôn ngữ Đông Tây - NXB Hội Nhà Văn) của Mc Amond Nguyễn Thị Tư cập nhật từ chuyện lấy chồng ngoại quốc của các cô gái miền quê, đến chuyện du học sinh chạy chọt để có thể xuất ngoại Linda Lê day dứt trong ám ảnh về ranh giới giữa trong và ngoài nước. Thế nhưng, không ít thì nhiều, sự phóng túng, cởi mở trong tình yêu, tình dục phương Tây cũng ảnh hưởng đến cái nhìn của những nhà văn Việt kiều. Cổ điển, phóng túng - hai thái cực ấy kết hợp chặt chẽ trong câu chữ của nhà văn cùng một chút “điên” (từ của Kiệt Tấn) khiến những vấn đề mà họ đề cập đến dù là tình yêu hay những mảnh vụn ký ức về cuộc chiến chống Mỹ đã qua đều sốt dẻo và lôi cuốn.

Trong số những nhà văn Việt kiều, cô gái Đà Lạt Linda Lê lại chọn cách khó nhất để chinh phục độc giả: đi vào thế giới của người điên. Là bản tường trình của hai chú cháu mất tỉnh táo, đương nhiên, Vu Khống (Nhã Nam, NXB Văn học) không dễ, nếu không muốn nói là khó, để nắm bắt. Thế nhưng, với thế giới, đây lại là tác phẩm được chờ đón và đã được chuyển sang tiếng Anh, Hà Lan, Bồ Đào Nha...

Trưởng thành trên mảnh đất sử dụng ngôn ngữ được cho là đẹp nhất thế giới, từ tập truyện đầu tay Les Évanggiles du Crime (Phúc âm tội ác), xuất bản năm 1992, Linda Lê viết đều tay từ sáng tác đến phê bình văn học. Các tác phẩm của cô như Les Dits d’un Idiot (Lời tên khùng), Voix (Tiếng nói), Tu écriras sur le bonheur (Ngươi sẽ viết về hạnh phúc)... đều nằm trong danh mục sách bán chạy. Người con gái họ Lê này đã làm được điều mà chưa người Việt nào làm được - trở thành một trong những nhà văn nữ hàng đầu tại Pháp.

Tiếng gọi sâu thẳm từ quê nhà hình như đủ mạnh để bất cứ người con xa quê nào cũng phải nhớ thương, ray rứt, trở về. Với những người cầm bút, đưa tác phẩm của mình về đất mẹ, là vọng âm trả lời cho tiếng gọi ấy.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Có một dòng văn học Việt kiều
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO