Cơ hội nào cho mô hình K-Pop kiểu mới?

Minh Nguyễn| 20/11/2019 05:00

Trong buổi gặp gỡ truyền thông Việt Nam cho mùa tuyển sinh thứ hai của Z-Pop Dream, CEO Cozmic Jun Kang, với thâm niên gần 30 năm hoạt động tại thị trường âm nhạc Hàn Quốc chia sẻ, đây là Z-Pop, không phải K-Pop.

Cơ hội nào cho mô hình K-Pop kiểu mới?

Thách thức của Z-Pop

Bước sang năm thứ 2, Z-Pop phần nào hiện rõ bức tranh mà đơn vị này muốn xây dựng. Mỗi năm, Z-Pop sẽ thực hiện tuyển sinh tại một số quốc gia trong khu vực châu Á (ngoại trừ Hàn Quốc), trong đó có Việt Nam. Tại mỗi đất nước, dự án này sẽ chọn ra hai thí sinh giỏi nhất để hoàn thiện nhóm nhạc nam và nhóm nữ gồm 7 thành viên (có thể hơn nếu tuyển sinh ở nhiều nước), đưa họ đến Hàn tham gia khóa huấn luyện dài hạn, trở thành những nhóm nhạc thần tượng trong tương lai.

Các thành viên của dự án đều thuộc thế hệ Z (sinh năm 1995 trở về sau). Tiêu chí chọn thí sinh, không chỉ ưu tiên tài năng âm nhạc, ngoại hình sáng, những thí sinh có năng khiếu ở các loại hình nghệ thuật khác như nhảy, múa, biểu cảm sân khấu tốt, dễ hòa nhập tập thể… sẽ có lợi thế hơn. Tham vọng của Z-Pop là vừa có thể hình thành một nhóm nhạc đa quốc gia, chinh phục thị trường châu Á, vừa có thể kết hợp các thành viên trong cùng một nước hoạt động riêng tại thị trường đó.

Mặc dù Z-Pop không phải là K-Pop, như khẳng định của ông Jun Kang, nhưng với các chỉ dấu nhận diện từ cách thức biểu đạt trên sản phẩm, ngoại hình của các thành viên cho đến phương thức đào tạo, Z-Pop rõ ràng đang học tập từ mô hình K-Pop. Chính vì thế khi Z-Boys và Z-Girls - hai nhóm nhạc thế hệ đầu của Z-Pop ra mắt tại Hàn Quốc không được cộng đồng fan bảo thủ và khắt khe của nước này chấp nhận.

Việc không có thành viên người Hàn nào trong nhóm khiến người hâm mộ xứ Kim Chi cho rằng, hai nhóm nhạc bám lấy nền tảng được xây dựng qua 3 thế hệ thần tượng K-Pop để thu hút sự chú ý. Cơ hội thành công cho Z-Pop tại Hàn gần như bằng 0.

Châu Á dù là thị trường rộng lớn của K-Pop nhưng rất thiếu bền vững. Fan hâm mộ có thể bị thu hút bởi sự mới lạ, vì sự có mặt của một thành viên đất nước họ nhưng việc sẵn sàng bỏ tiền mua album, các sản phẩm phái sinh, các buổi biểu diễn, gặp mặt… ủng hộ thần tượng lại là câu chuyện khác. Sự thất bại của nhóm nhạc thuần Hàn Boy’s Republic (ra mắt 2013, tan rã 2018), được Universal đỡ đầu, MTV châu Á hậu thuẫn là ví dụ điển hình.

Mặt khác, việc đào tạo các nhóm nhạc nội địa theo mô hình K-Pop tại các quốc gia, gồm cả Việt Nam, liên tục khởi động và thất bại vì nhiều lý do (sự lớn mạnh và phát triển của thị trường âm nhạc nội địa, yếu tố chính trị, fan phong trào…) Có quá mạo hiểm khi cho rằng, Z-Pop sẽ thành công nhờ sự ủng hộ của khán giả tại các quốc gia có thành viên đại diện?

Dịch chuyển hay là chết?

Ở góc độ rộng hơn, Z-Pop Dream là một trong số những mô hình cho thấy sự thích ứng và tham vọng của các công ty giải trí Hàn Quốc, trước thực trạng K-Pop đang bão hòa (với hàng loạt nhóm nhạc “debut” na ná nhau) và lộ rõ nhiều mặt trái tại chính quốc. Fans cuồng thần tượng quá mức, anti-fan đẩy các ngôi sao rơi vào trầm cảm, thậm chí tự tử, các công ty quản lý bóc lột sức lao động hoặc sẵn sàng làm mọi cách bao che những vi phạm về chuẩn mực đạo đức của các thành viên, scandal ma túy, lạm dụng tình dục… bị phanh phui đã khiến người Hàn phải nhìn lại và tự hỏi, phía sau làn sóng K-Pop là gì?

Trong một bài báo trên tờ Korea Times hồi năm 2018, các nhà nghiên cứu văn hóa Hàn Quốc thẳng thắn đặt vấn đề, điều gì làm nên thành công của K-Pop? Sức hút của âm nhạc, thành công từ mô hình đào tạo, phương thức quảng bá hay sự thổi phồng quá mức của truyền thông? Rõ ràng, thành công của nhóm nhạc BTS tại thị trường quốc tế trong hai năm gần đây là điểm sáng hiếm hoi, hoàn toàn khác với không khí sôi động của những năm đầu thập kỷ 2010 với hàng loạt nhóm nhạc thần tượng thuộc thế hệ thứ hai như: Wonder Girls, 2NE1, Big Bang, SNSD, DBSK… vươn ra thế giới.

Trong tương lai, chính phủ Hàn cũng bắt đầu chuyển hướng quan tâm và tập trung vào các sản phẩm hữu hình như thời trang, ẩm thực, du lịch… - những điều mới mẻ, thú vị cho giai đoạn 3 của Làn sóng Hallyu. Chính vì thế, các công ty giải trí Hàn đang tích cực thực hiện nhiều động thái dịch chuyển ra thị trường nước ngoài như hợp tác sản xuất, mở rộng giải thưởng âm nhạc, đều đặn đưa các nhóm nhạc Hàn sang biểu diễn hằng tháng...

Với những chàng trai cô gái muốn trở thành thần tượng, họ buôn những giấc mơ. Với các cô gái đang tuổi ăn tuổi lớn, họ không chỉ bán âm nhạc mà còn bán mộng mị của tuổi mới lớn, hình ảnh long lanh, hành xử chuẩn mực của các idol.

Nhưng, ai rồi cũng phải lớn lên. Thế hệ tiếp theo cần những thứ mới mẻ, khác biệt hơn. Với Z-Pop, K-Pop chỉ là nền tảng, phong cách âm nhạc sẽ có nhiều yếu tố văn hóa bản địa, đa sắc màu và khác biệt hơn. Ông Jun Kang cho biết, bên cạnh kiến thức, kỹ năng biểu diễn, Z-Pop chú trọng trang bị cho các thành viên kỹ năng sống, tăng cường các lớp bồi dưỡng văn hóa, ngôn ngữ để bổ trợ kiến thức, giúp họ hòa nhập với cuộc sống đa quốc tịch… 

Hiện thực hóa được điều này, Z-Pop đã sửa được một phần quan trọng trong cấu trúc DNA của K-Pop. Nếu một nhóm nhạc cần 6-7 năm tích lũy kiến thức, kỹ năng trước khi chính thức ra mắt khán giả thì cần thêm thời gian để trả lời sự dịch chuyển này có thành công hay không.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cơ hội nào cho mô hình K-Pop kiểu mới?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO