Chóe: từ biếm họa đến hội họa

NGÃ VĂN/DNSGCT| 11/05/2013 01:12

Sáu mươi tác phẩm nhiều thể loại và chất liệu của họa sĩ Chóe đang triển lãm tại gallery Tự Do cho thấy “họa sĩ biếm tài năng bậc nhất” này còn là một gương mặt hội họa đặc biệt.

Chóe: từ biếm họa đến hội họa

Sáu mươi tác phẩm nhiều thể loại và chất liệu của họa sĩ Chóe đang triển lãm tại gallery Tự Do (54 Hồ Tùng Mậu, Q.1, TP. Hồ Chí Minh; từ 4/5 đến 31/5) cho thấy “họa sĩ biếm tài năng bậc nhất” (1) này còn là một gương mặt hội họa đặc biệt.

Đọc E-paper

>>Mười năm nhớ Chóe

(1)Lý Trực Dũng – Biếm họa Việt Nam (NXB Mỹ Thuật, 2011)

Triển lãm có tên “Tranh của Chóe” được gallery Tự Do và gia đình họa sĩ Chóe phối hợp tổ chức nhân kỷ niệm mười năm ngày ông qua đời. Ông Đặng Hải Sơn, chủ nhân gallery Tự Do cho biết: “Phòng tranh khai trương ngày 24/6/1989, đến tháng 7 chúng tôi mua 20 bức tranh lụa của Chóe và đó cũng là những bức tranh đầu tiên trong bộ sưu tập của gallery Tự Do”.

Tranh lụa, tranh giấy dó, tranh sơn dầu

Dù Chóe vẽ tranh lụa theo cách riêng, với bút pháp theo kiểu hí họa sở trường của ông và cách dùng màu cũng khác với tranh lụa truyền thống nhưng tranh lụa của Chóe lại được các nhà sưu tập rất ưa thích, khiến ông trở thành tác giả có tranh bán được nhiều nhất ở gallery Tự Do thời gian đó.

Có thể lý giải sự thành công của Chóe ở lĩnh vực hội họa một phần do tên tuổi tác giả – cây bút biếm họa đẳng cấp quốc tế, người đã có tranh đăng trên các tờ báo hàng đầu thế giới như New York Times, Newsweek.

Chồng con (biếm họa, trong bộ tranh “Phụ nữ nước tôi”)

Từng được New York Times bình chọn là “một trong tám họa sĩ biếm họa xuất sắc trên thế giới của thập niên 1970”. Từ tranh lụa, Chóe dễ dàng chuyển sang tranh giấy dó và giấy xuyến chỉ cũng theo kiểu riêng của ông và vẫn được giới sưu tập đón nhận.

Cuối năm 1989, Chóe mang đến gallery Tự Do bức Mẹ gà con vịt, tác phẩm được coi là mở đầu cho thời kỳ tranh sơn dầu của Chóe, cũng “từ đó, tranh sơn dầu của Chóe được trưng bày thường xuyên ở phòng tranh Tự Do và luôn được các nhà sưu tập ưa thích” – theo lời ông Đặng Hải Sơn.

Thiên nhiên và sự sống (sơn dầu)

Tranh sơn dầu của Chóe thường được vẽ thành từng bộ theo các chủ đề khác nhau, được biết đến rộng rãi là tranh chân dung với cách thể hiện đậm nét trào lộng, chẳng hạn các bộ tranh sau: Những tổng thống Mỹ (41 bức, vẽ năm 1993) thuộc sưu tập của bà Nancy Phạm, Những nhân vật Việt Nam (57 bức, vẽ năm 1995) thuộc sưu tập của ông Hàn Đức Minh, Họa thơ Hồ Xuân Hương (27 bức, vẽ năm 1996) và Những phụ nữ Nobel (40 bức, vẽ năm 1996) đều thuộc sưu tập của bà Phan Thị Thu Mai, và Chân dung văn nghệ sĩ (28 bức, vẽ trong hai năm 2000 và 2001) là bộ tranh sơn dầu sau cùng của ông, thuộc sưu tập của phòng tranh Tự Do, đã triển lãm năm 2006.

Hai bộ tranh lần đầu được triển lãm

Trong triển lãm hồi cố của họa sĩ Chóe, ngoài những tranh sơn dầu, tranh lụa và tranh giấy dó thuộc sở hữu của gallery Tự Do còn có hai bộ tranh thuộc sưu tập của gia đình tác giả: loạt tranh sơn dầu 20 bức có tên chung “Cảnh quan mùa hạ 1998”, được Chóe sáng tác năm 1998, khi ông sang Pháp trị bệnh và đã được triển lãm tại Tòa thị chính Savigny-le-Temple (thuộc tỉnh Seine-et-Marne, vùng Île-de-France, miền Bắc nước Pháp) và loạt tranh hí họa mười bức có tựa chung “Phụ nữ nước tôi”, được ông vẽ năm 1995 khi tham dự cuộc triển lãm hí họa châu Á tổ chức tại Tokyo, Nhật Bản.

Đây gần như là lần đầu tiên hai bộ tranh này được giới thiệu với công chúng Việt Nam.

Võng (sơn dầu)

Trong bộ tranh “Cảnh quan mùa hạ 1998”, bên cạnh những tranh nhiều đề tài khác nhau còn có những tranh chân dung “đặc trưng Chóe”, vẽ các nhân vật nổi tiếng của nước Pháp như hai vị tổng thống Valéry Giscard d’Estaing và Jacques Chirac cùng huấn luyện viên Jacquet Aimé, người đã dẫn dắt đội tuyển bóng đá Pháp lên ngôi tại World Cup 1998.

Có mặt ở nước Pháp trong những ngày ấy, Chóe đã vẽ nhiều bức tranh tràn ngập niềm vui bóng đá: tổng thống đương nhiệm Jacques Chirac trở thành trấn giữ khung thành của cả nước Pháp, các cổ động viên nước chủ nhà vẽ mặt với màu cờ tam tài, tháp Eiffel cũng nhảy múa theo quả bóng lăn, và chú gà trống Gô-loa cất vang tiếng gáy khải hoàn… Bằng đôi mắt của một nhà biếm họa, ông có những góc nhìn lạ lẫm về Nhà thờ Đức bà, Bảo tàng Louvre và Khải hoàn môn Paris.

Thủ môn Jacques Chirac (sơn dầu)
Tháp Eiffel (sơn dầu)

Có thể nói, đến với triển lãm này càng tiếc thương một tài năng, người đã vẽ cho đến những ngày không còn thị lực do chứng bệnh tiểu đường hành hạ. Không chỉ vẽ, ông còn làm thơ, viết truyện ngắn và viết cả ca khúc.

Trước triển lãm “Tranh của Chóe” không lâu, Công ty văn hóa Phương Nam và NXB Văn hóa – Văn nghệ đã cho ra mắt cuốn Nghề cười, tập hợp các tác phẩm biếm họa, hội họa, văn học và âm nhạc của Chóe.

Cùng với 100 trang in màu tranh chân dung các văn nghệ sĩ nổi tiếng như: Hoàng Hiệp, Phạm Trọng Cầu, Trịnh Công Sơn…; chân dung các nhân vật nữ đoạt giải Nobel và chân dung 42 đời tổng thống Mỹ, còn có một số tác phẩm trích trong tập The World of Chóe (Thế giới của Choé) do nhà báo Mỹ Barry Hilton tập hợp và ấn hành tại Mỹ năm 1973.

Tên thật Nguyễn Hải Chí, sinh tại An Giang năm 1943 – mất tại Virginia, Mỹ năm 2003. Từ cuối năm 1969 bắt đầu vẽ hí họa cho tờ Diễn Đàn tại Sài Gòn với bút danh Chóe do nhà thơ Viên Linh đặt. Sau 1975, vẽ biếm họa cho nhiều báo nhưng nổi tiếng nhất là “Góc của Chóe” trên báo Lao Động.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chóe: từ biếm họa đến hội họa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO