Chợ phiên di sản

BÍCH HỒNG| 18/09/2009 00:31

Sau Luật Di sản văn hóa, nhiều chợ đồ cổ mở ra không dè dặt, bán buôn nhộn nhịp và tạo nên sức sống của những món đồ đã thuộc về muôn năm cũ.

Chợ phiên di sản

Sau Luật Di sản văn hóa, nhiều chợ đồ cổ mở ra không dè dặt, bán buôn nhộn nhịp và tạo nên sức sống của những món đồ đã thuộc về muôn năm cũ. Nhưng dòng chảy ồ ạt của thị trường này cũng đang đe dọa tới khả năng bảo vệ di sản văn hóa.

Phiên chợ thú vị nhất mà người Hà Nội hoài cổ luôn nhớ để tham dự mỗi năm một lần diễn ra ở phố Hàng Mã. Khoảng từ 20 tháng Chạp, người ở các nơi lại đem về đây bày bán dăm món đồ cũ, đồ cổ của gia đình. Nhiều người đi chợ với tâm trạng hồi hộp, cứ như mua vé số, nếu gặp may thì có thể có được món đồ gốm, sứ, bạc, đồng hay nguyên cả án thư sơn thếp. Người mua có khi chỉ dăm bảy vị, ghé hàng nào là ngồi suốt cả buổi, trò chuyện, băn khoăn, do dự..., ai cũng có nhu cầu tìm hiểu gốc gác, số phận của món đồ vừa mắt. Trong cái se lạnh của tiết đông muộn, người ta có thể bắt gặp nhiều nhà thơ, họa sĩ nổi tiếng đến dạo chợ đồ cổ cuối năm. Hiện tượng này tạo thành một nét văn hóa đặc biệt cho Tết Hà Nội.

Ở Hà Nội còn dăm con đường liên quan đến đồ cổ. Trước thì có vài hàng gần đền Ngọc Sơn, Hàng Ngang, Hàng Đào, sau khi Luật Di sản văn hóa năm 2001 cho phép tư nhân sở hữu đồ cổ, thì các cửa hàng ở phố Nghi Tàm đã công khai kinh doanh và trở nên nhộn nhịp dưới cái tên hàng mỹ nghệ, hàng phục chế. Ở đây đồ cổ hư hư thực thực, khách có thể lóa mắt vì những phỗng đá chốn đình chùa khắp vùng Bắc bộ xếp hàng dãy dài, những tượng Phật sơn son thếp vàng, câu đối cổ, gốm sứ Chu Đậu, hàng “vớt biển” bày la liệt. Nơi đây ngoài là chỗ bày hàng để bán cho dân chơi nghiệp dư, mua về trang trí nhà cửa, còn là mê hồn trận đo đếm kiến thức của người mua và bản lĩnh của người bán. Những kho hàng bí mật ở nơi khác sẽ tiếp đón khách với đồ cổ được giới thiệu có nghìn năm tuổi, trị giá từ vài nghìn đến vài chục nghìn USD. Những người mới chơi đồ cổ thường ít dám “bén mảng” vào hang cọp, lơ mơ sẽ mất tiền như không trước những lời hoa mỹ, phóng đại về gốc gác của chiếc mâm đồng chạm trổ tuyệt đẹp, đĩa men hoa văn rạn giống của đời Đinh, Lê...

Chợ đồ cổ Huế thu hút cả khách Tây lẫn khách ta. Sau nhiều năm làm nghề mò vớt đồ cổ, chủ yếu là tiền đồng và đồ gốm dưới sông Hương, những người bán hàng trước làm ngư dân nay chuyển hẳn lên bờ tường đường Trần Hưng Đạo hành nghề mua bán đồ cổ. Khách Tây coi đồ cổ là một vật kỷ niệm về phương Đông nên ít so đo về giá cả, còn khách ta thì mang tâm lý săn hàng rẻ, nhưng không có mặt bằng giá nào ở chợ này. Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân một lần dạo chợ đồ cổ bên sông Hương, đã mua một cái bình gốm nhỏ xíu với giá 500 nghìn đồng. Hỏi chuyện đắt rẻ, anh chỉ cười: “Mua được một món đồ hợp ý là thấy vui rồi, đắt rẻ chỉ là cái duyên thôi, chứ đồ cổ làm gì có mặt bằng giá”. Giá trị cộng thêm cho người đến chợ là được sống trong không khí chợ phiên yên tĩnh lạ kỳ, người bán người mua đều dè dặt, nhẹ nhàng, lịch sự. Ai cũng hiểu, bán được, mua được là cái duyên may mắn, không có gì phải tiếc nuối. Người chơi đồ cổ thật sự muốn sưu tầm thì phải đi cùng với nhà nghiên cứu để khỏi bị mua nhầm.

Còn rất nhiều chợ có hàng “chuyên đề” như phố Nguyễn Thái Học ở Hội An bán đá trang sức của người Sa Huỳnh (sống cách đây 2.500 năm), hay trang sức của người Chăm Pa cổ. Một chợ đồ cổ nổi tiếng không thể không nhắc đến là chợ Lê Công Kiều (TP.HCM) với rất nhiều đồ cổ. Chợ Lê Công Kiều như cái rốn hút cổ vật bốn phương và hút luôn người sưu tập tụ tập nói chuyện cổ vật. Phiên chợ di sản mỗi ngày còn có thêm buổi “tọa đàm” bỏ túi về thời sự cổ vật, giá cả, thông tin về các cuộc khai quật và mong ngóng sớm được xem hiện vật mới được phát hiện sẽ trôi dạt về chợ. Người đi chợ cứ dạo qua dạo lại, nhìn ngắm những vật dụng người Việt từng dùng trong công cuộc khai khẩn, giao thương, các hũ sành, bình vôi nho nhỏ, có cả mấy chiếc đĩa “nội phủ trân chế” thời nhà Nguyễn, rồi chiếc đĩa vẽ tích “tầm mai”, một hũ tiền đồng..., tất cả chỉ với giá 200.000 - 300.000 đồng/món nhưng đem lại rất nhiều cảm xúc về văn hóa Việt. Giống như chợ đồ cổ Nghi Tàm, chợ Lê Công Kiều cũng là đầu mối nhận các đơn hàng xuất đồ cổ ra nước ngoài.

Bản thân phiên chợ di sản chứa đựng những sắc thái của văn hóa, nhưng cũng không khỏi gây cảm giác lo ngại về nạn thất thoát cổ vật quý hiếm. Giới sưu tầm mong muốn có những sàn đấu giá mang tính quốc gia và khu vực với lực lượng nòng cốt là hệ thống các công ty đấu giá, kiểm soát được giá cả của cổ vật, khắc phục tình trạng cổ vật bị bán đi với giá rẻ mạtù, đồng thời ngăn chặn dòng chảy cổ vật trong nước ra nước ngoài.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chợ phiên di sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO