Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ

PHÚC THIỆN| 27/07/2016 06:14

Cuốn sách không chỉ kể chuyện những người phụ nữ đã chịu đựng gian khổ, hy sinh như thế nào trong chiến tranh mà còn là lời tố cáo chiến tranh phi nghĩa.

Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ

Cuốn sách không chỉ kể chuyện những người phụ nữ đã chịu đựng gian khổ, hy sinh như thế nào trong chiến tranh mà còn là lời tố cáo chiến tranh phi nghĩa.

Đọc E-paper

Sinh năm 1948 ở Belarus (Liên Xô cũ), Svetlana Alexievich là một nhà báo chuyên viết phóng sự điều tra và nhà văn viết thể loại văn xuôi hiện thực. Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ cùng với những cuốn sách khác như Những nhân chứng cuối cùng, Quan tài kẽm, Tiếng vọng từ Chernobyl... đã mang về cho Svetlana Alexievich giải Nobel Văn học năm 2015.

Cuốn sách không phải là một tác phẩm văn học hư cấu, mà Svetlana Alexievich trong thập niên 1970 đã đi qua hơn 100 thành phố, thị trấn và các khu dân cư, làng mạc, ghi chép và phỏng vấn, chuyện trò với hàng ngàn phụ nữ Liên Xô (cũ) - những người đã đi qua cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại để có chất liệu viết sách.

Các nhân vật trong sách kể cho người khác nghe nhưng cũng là nhìn thẳng vào quá khứ của bản thân. Những ký ức của người nọ đan xen người kia, không trùng lặp, gây xúc động và liền mạch như là một câu chuyện không của riêng người nào, dù tác giả có đề tên, công việc, quê quán của từng người.

Khác với đàn ông, chiến tranh trong ký ức của phụ nữ không phải là những chiến công, sự kiện mà được vẽ nên bởi câu chuyện hết sức riêng tư của mỗi cá nhân. Khi Thế chiến II nổ ra, những cô gái Nga ở độ tuổi mười tám, đôi mươi hăm hở xung phong đi chiến đấu. Nhưng ra chiến trường, họ phải đối diện với một sự thực: chiến tranh không dành cho phụ nữ khi họ gặp rất nhiều khó khăn vì tất cả quân trang, vũ khí đều được thiết kế cho nam giới.

Bị cắt đi mái tóc dài, không có đồ lót phụ nữ để dùng, họ thèm đi giày cao gót, thèm được tắm rửa, nghe tiếng chim hót, ngắm hoa anh đào..., nhưng họ vẫn trở thành xạ thủ, phi công lái máy bay, y tá, nhân viên cứu thương... sau 3 tháng huấn luyện.

Hy sinh sức khỏe, tuổi xuân, gia đình, tình cảm và cả nữ tính cho cuộc chiến, song ám ảnh nhất với những người phụ nữ này là khi đối mặt với sự giết chóc vì buộc phải giết ngựa để ăn thịt, cảnh dòng sông mùa băng tan để lộ ra những xác người, cảnh nữ y tá ở chiến trường phải cắn vào thịt nơi có vết thương của thương binh để chữa trị...

Bản thân người phụ nữ sinh ra sự sống nên họ không thể tha thứ cho hành động giết người. Có nhiều phụ nữ trở về sau chiến tranh như những người thắng cuộc, song vẫn mang nặng nỗi ám ảnh...

Có thể nói, đọc Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ (dịch giả: nhà văn Nguyên Ngọc), độc giả sẽ thấy gần gũi với những câu chuyện cũng từng được nghe, được kể về rất nhiều sự hy sinh trong thời chiến và nỗi đau thời hậu chiến mà những người phụ nữ ở Việt Nam đi qua các cuộc chiến tranh phải gánh chịu.

Trong chương trình truyền hình Giai điệu tự hào phát sóng năm 2015, PGS-TS. Nguyễn Thị Minh Thái đã nói: "Ở Việt Nam, với đặc điểm văn hóa riêng, gương mặt chiến tranh lại là gương mặt người mẹ, người phụ nữ".

Ở bất cứ nơi đâu trên trái đất này, chắc chắn chiến tranh đều là phi nghĩa.

Sách do NXB Hà Nội ấn hành và phát hành trong tháng 7/2016.

>15 bài học lãnh đạo từ nữ tướng 4 sao đầu tiên của Mỹ

>Phụ nữ trong ngành tài chính: Hành trình 40 năm

>10 bộ phim nổi tiếng nói về phụ nữ

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO