Cách mạng, văn hóa và giáo dục

NGUYÊN NGỌC| 09/06/2009 09:51

Gần đây, kỷ niệm 140 năm sinh của nhà văn Maxime Gorki, chúng ta có dịp đọc một tác phẩm lâu nay ít được biết đến của ông, viết năm 1918, ngay giữa những ngày đầu Cách mạng Tháng Mười Nga, có tên Những ý tưởng không hợp thời. "

Cách mạng, văn hóa và giáo dục

Gần đây, kỷ niệm 140 năm sinh của nhà văn Maxime Gorki, chúng ta có dịp đọc một tác phẩm lâu nay ít được biết đến của ông, viết năm 1918, ngay giữa những ngày đầu Cách mạng Tháng Mười Nga, có tên Những ý tưởng không hợp thời.

"Không hợp thời", Gorki tự gọi những ý tưởng của mình như vậy bởi vì, là người sáng suốt nhất và cũng dũng cảm nhất, trong thời điểm sôi động vừa phức tạp vừa hứng khởi tột cùng ấy, đúng như một nhà văn hóa lớn, với một sự hiểu biết vô cùng sâu sắc và một tình yêu thống thiết đối với nhân dân Nga và nước Nga, ông đã bình tĩnh nhìn thấy và nói đến thực tế lâu đời và cấp bách của nước Nga, những gì cách mạng đã làm được; và những gì cách mạng chưa làm được, đúng hơn, không thể làm được đối với thực tế ấy, những gì là cơ bản nhất nước Nga và nhân dân Nga còn phải đối mặt, lâu dài, và tận trong nền tảng sâu thẳm nhất của mình.


Căn bệnh trầm kha sau cách mạng

Chắc chắn không ai có thể nghi ngờ sự ủng hộ nồng nhiệt của Gorki đối với cách mạng và đối với Lê-nin. Là nhà văn hóa lớn xuất thân từ "dưới đáy" xã hội Nga, hơn ai hết ông hiểu sự cần thiết sống còn và tầm vĩ đại của cuộc cách mạng lật đổ chế độ Sa hoàng, giải phóng nước Nga, tạo những điều kiện chưa từng có cho nước Nga có thể thay đổi.

Nhưng tỉnh táo, đầy tinh thần trách nhiệm và dũng cảm đến kinh ngạc, ông cũng nói rằng: "Cách mạng đã đánh đổ nền quân chủ, điều đó đúng! Nhưng điều đó có lẽ cũng có nghĩa rằng cuộc cách mạng đã mang chứng bệnh ngoài da vào bên trong nội tạng". Cách mạng đã gạt bỏ cản trở bên ngoài, trên bề mặt ("ngoài da") để cho phép tiến hành chữa trị những căn bệnh chí tử của thực tế Nga, nhưng công cuộc chữa trị chỉ được bắt đầu sau cách mạng chứ không phải trong cách mạng, bằng cách mạng.

Cách mạng đã thành công, nhưng những căn bệnh trầm kha thì vẫn còn nguyên đấy, thậm chí nếu trước kia nó ở trên bề mặt thì bây giờ cách mạng đưa nó lặn vào trong nội tạng chứ không hề trừ tiệt được nó. Và như vậy thì lại còn nguy hiểm hơn, nếu coi mọi sự đã xong và dừng lại. Hoặc cứ tiếp tục theo một cách ấy. Ông cảnh báo quyết liệt: "Người ta không được phép tin rằng cách mạng đã chữa trị và làm phong phú cho nước Nga về mặt tinh thần".

Không thể không liên tưởng đến một lãnh tụ khác cũng từng làm nên một cuộc cách mạng lớn trong thời hiện đại, đồng thời là một bậc hiền triết, Nelson Mandela, người đã lãnh đạo thành công công cuộc phá bỏ chế độ Apartheid ở Nam Phi. Sau chiến công lớn đó của nhân dân Nam Phi, cũng bình tĩnh và minh triết đến kinh ngạc, ông nói: "Chúng ta chưa có tự do, chúng ta mới giành được quyền tự do để có tự do".

Cách mạng là quan trọng và cần thiết, nhưng cách mạng không làm thay đổi được phần bên trong của xã hội và con người, không chữa trị được những căn bệnh nội tạng, những căn bệnh ngăn con người thật sự trở thành con người tự do. Không được phép tin rằng cách mạng đã tạo nên được con người tự do. Cũng có thể hiểu, đấy không phải là "chức năng" của cách mạng, không nằm trong khả năng của nó. Nó làm công việc dọn dẹp cho cuộc chữa trị.

Chữa trị cho xã hội, cho đất nước, cho dân tộc, cho con người, Gorki khẳng định, công việc đó, trách nhiệm đó, chức năng đó là của văn hóa, của văn học nghệ thuật. Và chúng ta hiểu, đương nhiên, của giáo dục, bộ phận cốt lõi, nền tảng của văn hóa. Đó là chức năng thiêng liêng của văn hóa, văn học nghệ thuật, và của giáo dục.

Vả chăng, theo Gorki, lại còn có điều khác nữa, cũng nghiêm trọng không kém đến từ chính cuộc cách mạng mà ông dấn thân vào hết mình. Thẳng thắn, nghiêm khắc, vì hết sức trách nhiệm, ông viết: "Chúng ta sống trong một cơn bão của các xúc cảm chính trị, trong sự hỗn độn của một cuộc chiến đấu giành quyền lực; cuộc chiến đấu này đánh thức bên cạnh các tình cảm tốt đẹp còn cả những bản năng đen tối.

Điều đó là tự nhiên, nhưng lại đe dọa bẻ cong đi tính cách của chúng ta, và làm cho nó phát triển một cách giả tạo theo một hướng nhất định. Chính trị là miếng đất trên đó các loại cây gai của sự thù địch độc hại, các nghi kỵ xấu xa, các sự lừa dối trơ trẽn, vu khống, các thói háo danh bệnh hoạn và sự khinh thường nhân cách phát triển nhanh chóng và um tùm. Nếu đếm hết những cái xấu chứa trong con người - thì tất cả những thứ đó đều phát triển đặc biệt rất nhanh trên miếng đất của cuộc đấu tranh chính trị...".


Các vấn đề văn hóa đều đang nóng bỏng

Lẽ nào đọc Gorki và Mandela mà không lập tức liên tưởng đến những vấn đề của chính chúng ta. Mỗi cuộc cách mạng trong những hoàn cảnh lịch sử riêng ắt có những khác biệt lớn nhỏ riêng, nhưng dẫu có khác đến đâu thì những nguyên lý và quy luật chung vẫn không thể khác. Những điều Gorki và Mandela minh triết cảnh báo có chừa chúng ta không? Chắc chắn là không. Đó là ngọn lửa địa ngục mà các dân tộc đều bắt buộc phải đi qua, để đến được ngưỡng cửa của cuộc chữa trị tới lúc ấy mới có thể bắt đầu. Cần đủ tỉnh táo và dũng cảm như các ông để biết nhìn thẳng và nhìn xa hơn về những vấn đề của chúng ta.

Chúng ta đã có được một cuộc cách mạng chấm dứt một trăm năm nô lệ, và sau đó liên tục hai cuộc chiến tranh anh hùng để hoàn tất cuộc cách mạng ấy, giành lại độc lập dứt khoát cho dân tộc. Sự nghiệp đó rất vĩ đại. Vĩ đại vì nó đã quét đi được những trở ngại bên ngoài, "ngoài da", để cho phép chúng ta tự nhìn sâu lại trong chính mình, những tật bệnh đã làm cho dân tộc suy yếu, những nhầm lẫn và chậm trễ chí tử đã khiến đất nước điêu đứng... Nhìn rõ, và bắt tay vào công cuộc chữa trị, như ta vẫn gọi, cuộc chấn hưng dân tộc.

Đối với chúng ta hiện nay, có thể nói tất cả các vấn đề về văn hóa đều đang nóng bỏng. Có lẽ ai cũng có thể cảm nhận được điều này: Chúng ta đều đang hết sức lo lắng về kinh tế, càng lo lắng hơn trong khủng hoảng toàn cầu hiện tại. Nhưng sâu sắc hơn, trằn trọc hơn, lâu dài và khó khăn hơn, thậm chí chừng nào đó cũng chưa hoàn toàn thấy rõ được đường ra cho rành rẽ, là lo lắng về văn hóa. Trong đó, vừa nóng bỏng, cấp bách, vừa căn bản, lâu dài, là về giáo dục.

Cho nên, những điều vừa đọc trên kia có lẽ thật có ích cho chúng ta để suy nghĩ về giáo dục, nền giáo dục mà chúng ta đang khó nhọc tìm lối ra hiện nay, cả về đường hướng cơ bản, lâu dài, lẫn bước đi cụ thể, trước mắt, đều còn rất lúng túng - nếu chúng ta dám nhìn thẳng và nói thẳng.

Nhầm lẫn lớn nhất của giáo dục ta vừa qua và hiện nay chính là ở chỗ nó không nhận ra được tất cả tình thế trên, không nhận ra được rằng cách mạng là vĩ đại, nhưng cách mạng chỉ dọn đường, chỉ có thể dọn đường, chứ nhất định không thể làm được việc chữa trị cho xã hội và con người; công việc đó phải là do chính nó, giáo dục, một bộ phân cốt lõi, nền tảng của văn hóa, phải làm. Đó là vai trò, là vị trí, là thiên chức của nó.

Công việc của nó, nói một cách hoàn toàn không quá đáng, là làm lại con người, từ con người nô lệ hôm qua, mà cách mạng đã cởi xiềng cho nhưng vẫn còn nguyên xi là con người nô lệ trong tâm hồn, thành con người tự do thật sự, nghĩa là con người tự do từ tận bên trong của chính mình. Mấy năm lại đây nhiều người đã nói đến triết lý giáo dục. Triết lý giáo dục mà nền giáo dục này đang thiếu và cần, chính là như vậy.

Nó loay hoay nhiều năm nay, rối rắm, lẩn quẩn, vừa trì trệ vừa tích cực, càng tích cực thì càng rối rắm, lúng túng, và lại càng... trì trệ, chính là vì thiếu một triết lý như vậy làm cốt lõi, nhất quán, quyết liệt, xuyên suốt. Nó công phu và tốn kém vạch ra một cái gọi là "chiến lược" mà dẫu rất cố gắng thì cũng chỉ đạt được mức một kế hoạch vừa tham vừa rối, đầy tính chất hình thức trong khi lớn tiếng kêu gọi chống bệnh hình thức...

Nghe cũng có ý kiến thôi thì cứ giữ lấy cái "chiến lược" ấy mà làm, lồng thêm "tinh thần cải cách" vào đấy. Ở đời không ai đem cái lớn, rất lớn, bao quát, nhét vào cái nhỏ, lại là một cái nhỏ chẳng ăn nhập gì với cái lớn kia (vả chăng nghị quyết của các hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 4, 7, 9 khóa X đều nói rõ phải cải cách giáo dục, sao nay lại tự tiện làm khác? ).

Phải từ yêu cầu của một cuộc chấn hưng dân tộc sâu sắc và toàn diện sau khi cách mạng và chiến tranh đã quét sạch cho ta những trở lực "ngoài da" để suy tính về một nền giáo dục khác, cho một thời đại khác của dân tộc. Đấy mới là cải cách. Không làm thế, thì nói cho đúng, chỉ có thể tạo ra được những công cụ cho những công việc gì đó chứ không phải là giải phóng thực sự con người, để cho chúng ta có được một đất nước của những con người tự do.

Có lẽ cũng có thể hiểu câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Có độc lập mà không có tự do thì độc lập cũng là vô nghĩa". Nếu giáo dục không hiểu được điều đó, thì có thêm mấy vạn tiến sĩ nữa, xã hội này cũng vẫn là xã hội của những công cụ nô lệ. 

Đối với chúng ta hiện nay, có thể nói tất cả các vấn đề về văn hóa đều đang nóng bỏng. Có lẽ ai cũng có thể cảm nhận được điều này: Chúng ta đều đang hết sức lo lắng về kinh tế, càng lo lắng hơn trong khủng hoảng toàn cầu hiện tại. Nhưng sâu sắc hơn, trằn trọc hơn, lâu dài và khó khăn hơn, thậm chí chừng nào đó cũng chưa hoàn toàn thấy rõ được đường ra cho rành rẽ, là lo lắng về văn hóa. Trong đó, vừa nóng bỏng, cấp bách, vừa căn bản, lâu dài, là về giáo dục.

Cần một triết lý giáo dục rõ ràng, sâu sắc

Gần đây có người hỏi tôi muốn nói cụ thể điều gì khi nhấn mạnh yêu cầu tự trị đại học? Tôi hiểu tự trị đại học theo đúng tinh thần đó. Cách mạng, chính trị là vô cùng quan trọng. Nhưng chỉ có văn hóa, chỉ có văn học nghệ thuật, chỉ có giáo dục mới xây dựng nên được con người thật sự tự do. Giáo dục có tính độc lập của nó, sau cách mang và chính trị. Nếu không thì sự "cởi trói" mà cách mạng và chính trị đem lại... cũng chẳng để làm gì. Xin nhắc lại: đây chính là ý của Hồ Chí Minh.

Đương nhiên, từ điểm xuất phát này, còn có vô số những công việc cụ thể, nhọc nhằn, khó khăn cần làm, những bước đi cụ thể cần suy tính rất kỹ càng, những "chiến lược" từng đoạn cần được vạch ra và thực hiện, nhưng không có cải cách theo tinh thần lớn đó, thì "chiến lược" cũng chỉ là lặt vặt, như nó từng lặt vặt lâu nay. Và không mong thoát ra được khỏi tình thế lẩn quẩn đã lâu, để sống được đàng hoàng cùng thiên hạ văn minh.

Nhưng, cần phải tỉnh táo và dũng cảm như Gorki, như Mandela để nhìn thẳng vào thực tế xã hội, biết rằng sự chấn hưng dân tộc thì bây giờ mới bắt đầu, bắt đầu một cuộc thay đổi cơ bản trong tận những chiều sâu của dân tộc, và bắt đầu bằng văn hóa và giáo dục, chỉ có thể bằng văn hóa và giáo dục.

Khi nói đến yêu cầu của giáo dục hiện nay thì phải nghĩ đến điều đó, nghĩ đến tận đó. Cái thiếu trong giáo dục của chúng ta hiện nay là thiếu như vậy, ở tầm đó, chứ không phải ở tầm những dự án này nọ, bao nhiêu tiến sĩ, bao nhiêu đại học gọi là đẳng cấp này kia... Tất nhiên không ai nói rằng có nhiều tiến sĩ thật sự giỏi, có bao nhiêu trường đẳng cấp...

là không cần, nhưng tất cả những cái đó sẽ là vô nghĩa, sẽ chẳng thay đổi gì được cơ bản tình hình cho một thời kỳ phát triển mới của dân tộc nếu không được đặt trên cơ sở một nhận thức sâu xa và thống thiết như vậy. Và như thế, giáo dục đòi hỏi một cuộc cải cách, chứ không phải những sửa chữa chắp vá, dù có được gọi là "chiến lược" (mà thực chất chỉ là một thứ kế hoạch lỏng chỏng, vừa tham vừa vụn, và quan trọng nhất là thiếu một tư tưởng chỉ đạo lớn - cũng chính vì thiếu như vậy mà tất yếu vụn và vá víu).

Không phải ngẫu nhiên mà trong mấy năm vừa qua, bàn về vấn đề nóng bỏng này, nhiều người đã nói đến yêu cầu của một triết lý giáo dục sâu sắc, rõ ràng, hiện đại. Một triết lý như vậy chỉ có thể có được nếu những người đang chủ trì nền giáo dục này đủ sức hiểu và dũng cảm, như Gorki, như Mandela, nhìn thấy thực tế dân tộc mà cách mạng dù rất vĩ đại vẫn còn để lại đó những căn bệnh trầm kha, bây giờ giáo dục phải đảm nhiệm lấy để mà chữa trị và xây dựng lại. 

Phải từ yêu cầu của một cuộc chấn hưng dân tộc sâu sắc và toàn diện sau khi cách mạng và chiến tranh đã quét sạch cho ta những trở lực "ngoài da" để suy tính về một nền giáo dục khác, cho một thời đại khác của dân tộc. Đấy mới là cải cách. Không làm thế, thì nói cho đúng, chỉ có thể tạo ra được những công cụ cho những công việc gì đó chứ không phải là giải phóng thực sự con người, để cho chúng ta có được một đất nước của những con người tự do. Có lẽ cũng có thể hiểu câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Có độc lập mà không có tự do thì độc lập cũng là vô nghĩa". Nếu giáo dục không hiểu được điều đó, thì có thêm mấy vạn tiến sĩ nữa, xã hội này cũng vẫn là xã hội của những công cụ nô lệ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cách mạng, văn hóa và giáo dục
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO